Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản: Những hoạt động gắn kết tình hữu nghị
Nguồn: cadn.com.vn
Aug 16, 2022
Ảnh: hoianworldheritage.org.vn
Sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 18 năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28/8/2022. Chương trình năm nay có rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa sôi nổi, mang đậm chất liệu đặc trưng văn hóa giữa hai quốc gia.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, từ đó đến nay, sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” là hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia diễn ra hằng năm. Sau nhiều lần tổ chức, sự kiện đã tạo được tiếng vang và thu hút sự quan tâm của công chúng. Từ đó đã tăng cường sự gắn kết lẫn nhau và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa.
Chương trình khai mạc sự kiện vào lúc 19h30 ngày 26/8/2022 với nội dung giới thiệu vở diễn Opera “Công nữ Anio”, chương trình nghệ thuật của thành phố Hội An và đặc biệt là sự tham gia biểu diễn của nhiều ca sĩ và khách mời nổi tiếng trong và ngoài nước: Noo Phước Thịnh, Nakatani Akari, Ueno Yuuka…
Trong dịp này, vào lúc 16h00 ngày 26/08, TP Hội An long trọng tổ chức Lễ khai trương Nhà văn hóa Nhật Bản tại số 06 đường Nguyễn Thị Minh Khai, với những trang trí, sắp đặt mang đậm màu sắc của đất nước "mặt trời mọc". Đây là nơi giới thiệu, trưng bày các ấn phẩm văn hóa, thông tin du lịch của các thành phố có mối quan hệ với Hội An. Đến tham quan tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm các dịch vụ như: trà đạo, gấp giấy Origami, làm búp bê thời tiết Nhật Bản và tham quan các gian trưng bày của Nagasaki, Sakai, Matsusaka và Ngài Sugi Ryotaro - Nguyên đại sứ đặc biệt Việt Nam - Nhật Bản.
Nhằm tạo sân chơi có sự tương tác giữa người dân và du khách, đồng thời giới thiệu bộ môn thể thao giải trí lâu đời của người Hội An, TP Hội An tổ chức Đua ghe ngang Hội An - Nhật Bản vào lúc 08h00 ngày 27/08 tại khu vực sông Hoài, đoạn Trung tâm Khu phố cổ Hội An. Đây là hoạt động truyền thống sôi nổi hứa hẹn thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia và cổ vũ.
Trong khuôn khổ các hoạt động của sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản" lần thứ 18, lúc 16h00 ngày 27/08 sẽ tái hiện hoạt cảnh Đám cưới của Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro. Du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm với không gian đầy hoài niệm về một thời phồn vinh, buôn bán tấp nập, "trên bến dưới thuyền" ở Hội An. Câu chuyện tình giữa Công nữ Ngọc Hoa và Thương nhân Araki Sotaro là khởi nguồn cho mối lương duyên giữa hai đất nước. Trải qua suốt 400 năm, Hội An và Nagasaki vẫn luôn giữ gìn và phát huy mối quan hệ tốt đẹp được hình thành từ trong quá khứ.
Một hoạt động trẻ trung, sôi nổi được tổ chức tại sân khấu Vườn tượng An Hội lúc 17h00 ngày 28/08 là Cuộc thi Cosplay. Các bạn trẻ tham gia cuộc thi sẽ hóa trang thành các nhân vật trong phim hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản vốn đã quen thuộc với bao thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam và toàn thế giới.
Sự kiện còn có những hoạt động thường xuyên từ 15h00 - 21h30 hằng ngày từ ngày 26 đến 28/08 tại Vườn tượng An Hội như: Không gian Ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản với các món sushi, taiyaki, takoyaki, tempura, bánh xèo, thịt nướng, cơm gà, mì Quảng…; Chợ phiên Hội An với các mặt hàng OCOP, organic, đồ handmade…; Các gian hàng vật phẩm, phụ kiện, đồ Cosplay, manga; Gian hàng giới thiệu văn hóa và xúc tiến du lịch Nhật Bản. Và nhiều hoạt động khác diễn ra trong khuôn khổ sự kiện như: Góc chuyển động xanh của Câu lạc bộ SEA Club; Trình diễn thư pháp Hội An - Sakai; Trò chơi đẩy gậy và nhảy bao bố; Chương trình giao lưu đường phố; Chương trình tham quan "Dấu xưa Nhật Bản"…
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An cho biết thêm trong thời gian này, Hội An đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho các hoạt đồng, chương trình này.
Năm nay, "Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản" được tổ chức trở lại sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID - 19 hứa hẹn sẽ ghi dấu tâm huyết và sự nỗ lực của các đơn vị tham gia. Sự kiện này ngày càng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân tại Nhật Bản và Việt Nam, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố mối quan hệ thân thiết, nghĩa tình giữa nhân dân hai đất nước, thể hiện thông điệp về tình hữu nghị bền chặt, vượt qua mọi khó khăn và cùng nhau hướng đến tương lai. Đồng thời, đây còn là cơ hội quảng bá di sản văn hóa thế giới Hội An đến với du khách, nhất là đối với khách du lịch Nhật Bản.
Thông tin chi tiết:
- Sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản".
- Đơn vị tổ chức: Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An.
- Thời gian: 26 – 28/08/2022.
- Địa điểm: Khu phố cổ Hội An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.
- Website: hoianworldheritage.org.vn
kilala.vn
Chặng đường hợp tác giữa Hội An và Nhật Bản:
Cuối thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII, Hội An trở thành thương cảng lớn bậc nhất xứ Đàng Trong Việt Nam. Hội An trở thành nơi hội tụ và giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các vùng miền khác trên thế giới. Thương gia các nước đến đây buôn bán sầm uất, người Châu Âu như Hà Lan, Anh, Pháp… đến các nước Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên…
Trong đó, thương gia Nhật Bản đã được các chúa Nguyễn cảm mến và ưu ái cho giữ nhiều vị trí quan trọng trong thị trường buôn bán tại Thương cảng Hội An. Họ được lập phố riêng, xây dựng các cơ sở thương mại, được cử Thị Trưởng riêng và được sống theo phong tục tập quán của mình. Họ dần trở thành các yếu nhân quan trọng tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội và đặc biệt là trong kinh tế - thương mại ở Đô Thị - Thương cảng Hội An, thậm chí có khi còn tham gia vào cả lĩnh vực chính trị…
Các sử gia đánh giá rất cao vai trò của người Nhật trong việc thúc đẩy sự hưng thịnh của Thương cảng Hội An suốt giai đoạn đầu thế kỷ 17, làm đà cho những trỗi dậy của Đô Thị Hội An trong các thế kỷ sau. Tuy chỉ xuất hiện vài chục năm nhưng người Nhật đã để lại trên đất Hội An dày đặc các dấu tích.
Các nhà khảo cổ học tìm thấy rất nhiều hiện vật liên quan đến người Nhật vô cùng giá trị. Ngoài những kiểu thức kiến trúc nhà ở, tiền đồng, các vật dụng sinh hoạt gốm sứ Hizen, còn nhiều câu chuyện, huyền tích dân gian và các món ăn tương truyền có gốc gác từ người Nhật.