Son môi "bền màu, lâu trôi" liệu có tốt?

Bài: TS. Huỳnh Ngọc Châu/ Ảnh: PIXTAMar 16, 2018

Son môi là một sản phẩm làm đẹp gần như không thể thiếu trong túi đồ trang điểm của chị em phụ nữ. Do son môi không chỉ tiếp xúc với một trong những vùng da nhạy cảm nhất trên mặt là niêm mạc môi mà còn có thể trực tiếp đi vào cơ thể qua đường ăn uống nên chúng ta cần lựa chọn cho mình những thỏi son có độ an toàn cao.

CHÌ trong son môi

Từ xưa đến nay, chị em phụ nữ thường chọn son theo tiêu chí màu đẹp, vẻ ngoài bóng bẩy, bền màu lâu trôi. Từ khi xuất hiện thông tin chì trong son môi gây hại cho người dùng, các tín đồ làm đẹp đổ xô tìm mua son của các thương hiệu nổi tiếng với lòng tin những nhà sản xuất này sẽ lựa chọn các nguyên liệu và chất tạo màu an toàn được cho phép bởi FDA.

Tất nhiên suy nghĩ này là đúng! Nhưng điều đáng buồn là dù các nhà sản xuất có sử dụng các nguyên liệu màu được cho phép trong quy định đi chăng nữa cũng không có nghĩa là son của họ sẽ chứa ít chì. Sự thật phũ phàng có thể làm cho bạn thất vọng nhưng hầu hết các loại son phổ biến trên thị trường đều chứa chì, không phải do nhà sản xuất cố tình bỏ vào mà vì chì là thành phần có trong chất tạo màu dùng để làm son.  Nói đơn giản, son có màu, tức là ít nhiều đều có chì. Để tạo ra một tông màu mới họ phải pha trộn rất nhiều màu với nhau, cuối cùng vẫn dẫn đến kết quả là một thỏi son chứa nhiều chì.

Tuy vậy, cần lưu ý rằng thực tế lượng chì trong son chỉ ở hàm lượng nhỏ, hầu như không đáng kể so với lượng chì chúng ta hấp thụ hằng ngày từ thực phẩm hay môi trường sống xung quanh. Điều này cũng đã được Cục quản lý thực phẩm & dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) tuyên bố qua các nghiên cứu của họ.

chì và màu hóa học trong son môi
Ảnh: jakkritpimpru/PIXTA

Lời khuyên

  • Tuy không có một sự đảm bảo nào giữa giá cả với với hàm lượng chì của một thỏi son, hay nói nôm na là không hẳn son đắt tiền là sẽ chứa ít chì, nhưng có một điều chắc chắn là bạn không nên sử dụng loại son môi quá rẻ, vì thông thường những loại này có thể bất chấp quy định an toàn của ngành mỹ phẩm mà sử dụng những nguyên liệu cấm dùng cho son môi, dẫn đến nguy cơ nhiễm độc chì không hề nhỏ!
  • Nếu là tín đồ của phương pháp làm đẹp “An toàn & dài lâu”, bạn không nên lạm dụng quá mức các loại son lì hay son có màu đậm, vốn là những loại son sử dụng một lượng màu khá nhiều, có thể gây thâm môi do chứa nhiều chì. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn các dòng son có chứa lượng màu vừa phải và có chức năng dưỡng cao. Thành phần dưỡng trong son môi sẽ giúp môi bạn không bị khô và rạn môi - nguyên nhân làm lắng đọng các sắc tố vào kẽ nứt dẫn đến thâm môi. 

MÀU HÓA HỌC trong son môi

Dường như nhắc đến son, chúng ta đều bị xoáy vào chủ đề “chì trong son môi” đến mức quên đi một trong những yếu tố khác rất đáng được cảnh báo, đó là MÀU trong son môi. Lượng chì trong son môi nhiều hay ít, cũng liên quan đến việc bạn sử dụng nguyên liệu màu gì trong son môi.

Không nói đến các loại son dưỡng không màu, đã là son môi thì cây nào mà chẳng có màu. Phần lớn son trên thị trường hiện nay đều sử dụng “Tar colors”, một loại màu tổng hợp hữu cơ. Loại màu này thường sẽ cho màu sắc tươi tắn và bắt mắt hơn rất nhiều so với màu thiên nhiên, lên màu chuẩn và bền, màu sắc lại rất đa dạng. So với màu làm từ nguyên liệu thiên nhiên, chỉ cần một lượng rất nhỏ màu Tar colors cũng đủ để tạo nên các tông màu rực rỡ, giúp giảm thiểu kinh phí cho nhà sản xuất.

Tuy nhiên, Tar colors được cho là tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng, ung thư, sinh con dị tật, ảnh hưởng thai nhi, gây ảnh hưởng đến nhiễm sắc thể,... Hiện nay, bên cạnh có một số loại Tar colors bị cấm sử dụng sau khi có các nghiên cứu khoa học chắn chắn về mức độ nguy hiểm, còn rất nhiều các loại khác vẫn còn nằm trong vòng nghi vấn. Đó là lý do vì sao phụ nữ mang thai hoặc đang trong giai đoạn cho con bú được khuyến cáo không nên sử dụng các loại son môi thông thường trong các giai đoạn nhạy cảm này.

chì và màu hóa học trong son môi
Ảnh: Syda Productions/PIXTA

Tips!

Làm thế nào để nhận biết một thỏi son có chứa Tar colors hay không?

Câu trả lời là “Hãy đọc thành phần nguyên liệu ghi trên thỏi son đó”.

Trong bảng thành phần, các nguyên liệu màu thường được ghi cuối cùng. Và Tar colors thường được ký hiệu bằng tên màu sắc kết hợp với một con số, ví dụ: Red 202, Blue 1, Yellow 4,...

Ví dụ hình bên. Thỏi son có xuất xứ từ Nhật này sử dụng màu Yellow 4, Yellow 5, Blue 1, Red 201, Red 202 và Red 218.

chì và màu hóa học trong son môi
(Ảnh tác giả cung cấp)

Lời khuyên

  • Tương tự như trên, bạn nên lựa chọn các dòng son có chứa lượng màu vừa phải và có chức năng dưỡng cao. Nếu yêu thích dòng son lì, nên dùng với mức độ hạn chế.
  • Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú hay những bạn thường xuyên sử dụng son môi do tính chất công việc, nên chọn dòng son sử dụng 100% nguyên liệu màu từ thiên nhiên, giúp bạn bảo vệ đôi môi và sức khỏe về lâu dài.

Son môi “BỀN MÀU, LÂU TRÔI” liệu có tốt?

Một số bạn gái khi mua son rất quan tâm đến việc “bền màu, lâu trôi”. Sự thật là, các bạn gái thường dùng son lâu trôi có khuynh hướng thâm môi và tổn thương môi nhiều hơn các bạn gái khác.

Để son bền màu, nhà sản xuất thường sử dụng các hợp chất cao phân tử tổng hợp để tăng tính lâu trôi và không loại trừ khả năng sử dụng nhiều Tar colors hơn. Đây là 2 loại thành phần khiến cho môi bị khô ráp và thương tổn. Ngoài ra, việc son bám màu quá chặt đòi hỏi bạn phải dùng các chất tẩy trang loại mạnh vốn có chứa các thành phần có hoạt tính tẩy rửa mạnh, tăng nguy cơ làm tổn thương thêm lớp da môi mỏng manh của bạn. Thêm vào đó, Tar colors lưu lại lâu trên môi do dùng son lâu trôi hoặc do tẩy trang chưa sạch sẽ gây ra việc lắng đọng sắc tố dẫn đến tình trạng thâm môi hay môi bị sẫm màu.

chì và màu hóa học trong son môi
Ảnh: krasyuk/PIXTA

Kết 

Thoa son là một “đặc quyền” của phái nữ, giúp chúng ta trở nên nữ tính và quyến rũ hơn, thế nên bạn không nhất thiết phải hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến vẻ đẹp lâu dài của đôi môi và sức khỏe bản thân để chọn cho mình cây son thật ưng ý nhé!

Bài: TS. Huỳnh Ngọc Châu/kilala.vn

Tư vấn:

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Châu

Sinh năm 1983, hiện đang là nhà nghiên cứu mỹ phẩm tại Nhật Bản, từng đoạt giải thưởng Công trình nghiên cứu xuất sắc từ Hiệp hội kỹ thuật nguyên liệu Nhật Bản. Hiện nay, nhiều sản phẩm do chị nghiên cứu đang được bày bán tại thị trường nội địa Nhật Bản.
www.cosmetics.drchau.net

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU