Phụ nữ Việt và mỹ phẩm Nhật Bản

Bài: Lê MaiSep 7, 2017

Trước đây, khi nhắc đến mỹ phẩm Nhật Bản, người tiêu dùng Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến đặc điểm “chất lượng nhưng đắt đỏ” và phần lớn chỉ biết đến những thương hiệu đình đám như Shiseido, shu uemura... Thế nhưng khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, xu hướng sử dụng mỹ phẩm nội địa Nhật Bản phân khúc tầm trung và cao cấp bỗng rộ lên mạnh mẽ. Câu hỏi đặt ra là vì sao phụ nữ Việt Nam vẫn luôn tin dùng mỹ phẩm của đất nước Hoa Anh đào, kể cả những sản phẩm nội địa mà trên bao bì không có bất kỳ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Nhật?

Cùng với mối giao thương bắt đầu từ thế kỉ 16, văn hóa Nhật Bản đã len lỏi vào đời sống người Việt qua những điều rất đỗi bình dị, chẳng hạn nhắc đến đồ điện tử thì phải là Sony, Sanyo,... hay đầu những năm 90, người Việt bắt đầu gọi chiếc xe máy là “Honda” và người giúp việc là “Ô-sin”. Những cuốn Manga đầu tiên cũng được xuất bản tại Việt Nam trong thời gian này. Mặc dù sự du nhập của văn hóa phương Tây nhanh chóng Tây hóa đời sống tinh thần và giải trí nhưng ấn tượng “tốt, bền, đẹp” đối với hàng hóa Nhật Bản dường như đã ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng Việt Nam. 

các thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản
Các thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản đình đám tại Việt Nam

Đến năm 2011, khi thảm họa đại địa chấn miền Đông Nhật Bản bất ngờ xảy ra, cả thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phải “ngả mũ” kính phục trước những câu chuyện đầy cảm động về thái độ cũng như nghĩa cử cao đẹp của người dân Nhật Bản trong cơn khốn khó. Từ đó, nếp sống và đạo đức của người Nhật Bản bắt đầu được quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam. Thời gian sau, những cuốn sách về nuôi dạy con kiểu Nhật bắt đầu được xuất bản, thông tin về đất nước hoa anh đào cũng được cập nhật dày dặn hơn, trường Nhật ngữ nở rộ và số lượng du khách Việt Nam đến tham quan đảo quốc này cũng ngày một tăng mạnh. Nếu như trước đây, việc xin thị thực vào Nhật Bản là một trong những thủ tục nhiêu khê, thì từ tháng 7 năm 2013, chính phủ Nhật đã ra chính sách công dân Việt Nam được miễn xin lại thị thực khi tái nhập cảnh vào nước này nếu thị thực vẫn còn trong thời hạn. Chỉ trong tháng 6 năm 2015 đã có 13.000 lượt khách Việt Nam sang Nhật Bản du lịch, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2014. 

Từ những chuyến đi này, nhiều du khách Việt Nam đã nhận thấy thị trường mỹ phẩm nội địa Nhật Bản thật sự ẩn giấu cả một kho tàng. Sự phong phú và đa dạng của các loại mỹ phẩm tại đây đủ làm hoa mắt các tín đồ yêu thích hàng Nhật. Và điều đáng nói hơn là ở Nhật Bản, ngay cả mỹ phẩm giá rẻ cũng phải đáp ứng đầy đủ các quy tắc an toàn và chỉ tiêu chất lượng do chính phủ đề ra, vì vậy chất lượng là điều có thể bảo đảm. 

sự phong phú và đa dạng của các loại mỹ phẩm Nhật

Có thể dễ dàng tìm thấy các loại mỹ phẩm tầm trung tại Drug store hay cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản/ Ảnh: Lê Mai

Nắm bắt suy nghĩ “hàng Nhật đều tốt” vốn ăn sâu trong suy nghĩ người Việt và nhanh nhạy chộp lấy thời cơ kinh doanh đầy tiềm năng này, một số cá nhân bắt đầu công khai buôn bán sản phẩm xách tay từ Nhật Bản và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người tiêu dùng nhờ giá cả cạnh tranh do không phải đóng thuế nhập khẩu. Chỉ trong vòng 2 đến 3 năm trở lại đây, chỉ cần gõ từ khóa “mỹ phẩm Nhật Bản”, bạn sẽ nhận được hàng trăm kết quả tìm kiếm. 

Tuy nhiên, đi cùng với làn sóng đó là sự xuất hiện hàng giả, hàng nhái và đỉnh điểm là các vụ phát hiện người Việt tại Nhật trộm cắp hàng hóa để tuồn về Việt Nam. Điều này khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy lo lắng. Và đó cũng chính là cơ hội cho những thương hiệu mỹ phẩm nội địa từ Nhật Bản. Thời gian qua đã có Canmake, Sho-bi,... chính thức bước vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, và không ít tên tuổi khác cũng dần được giới thiệu thông qua các nhà phân phối chính thức như Vellsheena.

Rõ ràng, Nhật Bản luôn chứng tỏ vị thế của một cường quốc không chỉ ở lĩnh vực hàng điện tử mà còn cả lĩnh vực mỹ phẩm, làm đẹp. Và phụ nữ Việt Nam chắc chắn không muốn bỏ qua cơ hội được tận hưởng những xu hướng và tiện ích làm đẹp của phụ nữ Nhật Bản. 

Lê Mai/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU