Tsushimayama: loài mèo báo được chỉ định là Biểu tượng thiên nhiên quốc gia

Bài: Tori
Nov 2, 2020

Ảnh: PIXTA

Bên cạnh những chú mèo có chiếc đuôi cong đặc biệt, tỉnh Nagasaki còn là nơi sinh sống của mèo báo Tsushimayama, một giống mèo hoang dã đã được Nhật Bản chỉ định là Biểu tượng thiên nhiên quốc gia.

Đặc điểm của mèo báo Tsushimayama

Mèo báo Tsushimayama (対馬山猫) là một giống mèo hoang dã, được xem là một phân loài của loài Mèo báo (Prionailurus bengalensis) thuộc chi Mèo báo (Prionailurus). Giống mèo này phân bố ở Mông Cổ, phía bắc Trung Quốc, phía đông Siberia (sông Amur), bán đảo Triều Tiên, đảo Jeju và đảo Tsushima. Người dân địa phương thường gọi những chú mèo này là "Torayama" hoặc "Torage" có nghĩa là loài hổ sống trên núi. Mèo báo Tsushimayama còn được tìm thấy ở gần những cánh đồng lúa nên còn được gọi là "Taneko" (田ネコ) hoặc "Satoneko" (里ネコ).

Mèo báo Tsushimayama
Mèo báo Tsushima là một giống mèo hoang dã, được xem là một phân loài của loài Mèo báo.

Hiện nay, số lượng mèo báo Tsushimayama hiện tại rất ít ỏi do môi trường sống bị phá hủy hoặc bị tai nạn giao thông. Trong năm 2010, số lượng mèo báo Tsushimayama ở đảo Tsushima được báo cáo chỉ còn khoảng 70 - 100 con. Tuổi thọ trung bình của loài mèo này khoảng 8 - 10 năm. Chiều dài và thể trọng của mèo báo Tsushimayama cũng tương tự với mèo nhà, nặng khoảng 3 - 4kg và dài khoảng 70 - 80cm. Một số đặc điểm nổi bật của giống mèo này:

  • Có sọc dọc màu đen và màu trắng trên trán.
  • Phía sau tai có đốm trắng, mèo nhà thường không có đặc điểm này.
  • Lông có màu xám nhau, nhưng sẽ có một vài đốm xám và nâu đỏ không rõ ràng.
  • Đuôi to và có một đường màu xám không rõ ràng.
Mèo báo Tsushimayama
Mèo báo Tsushimayama có nhiều đặc điểm khác biệt với mèo nhà.

Số lượng mèo báo Tsushimayama đang giảm qua từng năm

Trong tài liệu được viết khoảng 200 năm trước, mèo báo Tsushimayama được miêu tả là một loài mèo núi (山猫), cho đến khoảng năm 1902, người ta phát hiện ra nó thường sinh sống ở khu vực đảo Tsushima. Mèo báo Tsushimayama từng là "con mồi" của những kẻ chuyên săn mèo do họ đồn đoán rằng thịt của chúng rất ngon. Người ta bắt đầu nhận thấy sự sụt giảm số lượng của loài mèo này là vào khoảng năm 1945, sau khi những giống chó săn được du nhập vào Nhật Bản. Nhưng người ta lại phát hiện ra thật sự loài mèo này đã rút vào ở sâu trong núi để tránh bị săn bắt.

Mèo báo Tsushimayama
Mèo báo Tsushimayama từng là "con mồi" của những kẻ chuyên săn mèo.

Dần về sau này, số lượng mèo báo Tsushimayama càng giảm mạnh do nạn phá rừng trái phép khiến chúng mất đi nơi sinh sống. Nhiều khu đất canh tác bị bỏ hoang khiến cho những động vật nhỏ như chuột hay chim chóc, vốn là thức ăn của mèo hoang, cũng bị giảm đi. Bên cạnh đó, do không tìm được thức ăn trong tự nhiên mà chúng bắt đầu đi sâu vào những nơi có dân cư để bắt gà rồi bị dính bẫy do người dân đặt để bảo vệ vật nuôi của họ, khiến chúng chết đi không ít. Sự mất cân bằng sinh thái là nguyên nhân chính dẫn đến việc số lượng mèo báo Tsushimayama bị sụt giảm nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, người ta nhận thấy số lượng mèo báo Tsushima bị chết hoặc bị thương do tai nạn giao thông ngày càng tăng. Để giảm thiểu tình trạng này, ở Tsushima có biển báo để lưu ý người chạy xe những nơi thường có mèo báo Tsushimayama nhảy ra.

Mèo báo Tsushimayama
Số lượng mèo báo Tsushimayama đang bị sụt giảm nghiêm trọng

Trong những điều kiện bất lợi này, số lượng mèo báo Tsushimayama ước tính khoảng 300 con trước những năm 1970 đã giảm còn 100 - 140 con trong những năm 1980. Theo thống kê, cứ 10 năm giảm khoảng 10 con, tới năm 2012 thì số mèo báo Tsushimayama ở đảo Tsushima còn khoảng 70 - 100 con và số lượng vẫn tiếp tục giảm.

Hoạt động bảo tồn mèo báo Tsushimayama

Trước tình hình mèo báo Tsushimayama đang giảm dần, Nhật Bản đã hành động để bảo tồn loài mèo này. Năm 1971, mèo báo Tsushimayama được chỉ định là một Biểu tượng thiên nhiên quốc gia. Năm 1991, nó được bộ Môi trường ghi vào Sách Đỏ, đánh giá là loài có nguy cơ tuyệt chủng (Critically Endangered - CR).

Mèo báo Tsushimayama
Mèo báo Tsushimayama đã được chỉ định là một di tích thiên nhiên quốc gia.

Đến năm 1994, loài mèo này được chỉ định là loài động thực vật hoang dã quý hiếm trong nước dựa trên luật Bảo tồn chủng loài. Dựa trên luật này, bộ Môi trường đã mở Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Tsushima vào năm 1997 để tiến hành các cuộc điều tra sinh thái của mèo báo Tsushimayama, chữa trị và chăm sóc các cá thể bị thương do tai nạn giao thông và bị nhiễm FIV (Vi rút suy giảm miễn dịch mèo), tổ chức các hoạt động giáo dục và tuyên truyền về môi trường người dân.

Ngoài ra, người ta còn thực hiện các kế hoạch sinh sản và nhân giống mèo báo Tsushimayama. Vào năm 2000 và năm 2001 mỗi năm có một chú mèo con được sinh ra. Sau đó cũng có thêm nhiều cá thể mèo con chào đời hoặc nhân giống thành công.

Mèo báo Tsushimayama

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về loài mèo báo Tsushimayama có thể đến Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Tsushima ở thị trấn Kamiagata nằm phía bắc đảo Tsushima. Ở đây, bạn có thể tìm hiểu về hệ sinh thái, nguy cơ bị tuyệt chủng và những hoạt động người ta đã thực hiện để bảo tồn giống mèo này.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU