Năm Thỏ, cùng tìm hiểu về giống thỏ Amami đặc biệt của tỉnh Kagoshima và mối nhân duyên thú vị kéo dài gần bốn thập kỷ giữa chúng và một nhiếp ảnh gia người Nhật.
T
rong số nhiều loài thỏ sinh sống ở đất nước mặt trời mọc, thỏ Amami với bộ lông nâu sậm được xem là hậu duệ còn sót lại của giống thỏ cổ đại từng sinh trưởng ở châu Á và được xếp vào nhóm động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng có chiều dài cơ thể từ 41-51cm, nặng từ 1,3-2,7kg, là loài đặc hữu chỉ được tìm thấy ở các đảo phía Nam như Amami Oshima và Tokunoshima của tỉnh Kagoshima.
Cuộc gặp mặt đầu tiên
Thỏ Amami nằm trong số những động vật đặc hữu được biết đến nhiều nhất của hòn đảo Amami Oshima. Tuy nhiên, với bản thân nhiếp ảnh gia Hamada Futoshi (sinh năm 1953), người từng được vinh danh trong giải thưởng “Nature’s Best Photography Asia” năm 2017, ông từng biết rất ít thông tin về chúng.
Vào năm 1921, thỏ Amami trở thành loài động vật đầu tiên được chính phủ Nhật Bản công nhận là “Tượng đài tự nhiên”. Ông Hamada biết được điều này khi Hoàng tử Philip, Công tước xứ Edinburgh ghé thăm đảo Amami Oshima vào tháng 10/1984 với tư cách là Chủ tịch của Quỹ Động vật hoang dã thế giới. Cố Công tước xứ Edinburgh đến Amami Oshima với mục đích quan sát giống thỏ Amami - “hóa thạch sống”, hậu duệ của phân nhóm thỏ cổ xưa từng sống ở châu Á.
Hoàng tử Philip bày tỏ hy vọng rằng công việc bảo tồn sẽ được duy trì để bảo vệ môi trường tự nhiên của hòn đảo – ngôi nhà của loài thỏ quý hiếm nhất thế giới, và khi đọc được tin tức này, ông Hamada đã rất xúc động.
Trong tiếng Nhật, thỏ Amami được gọi là “アマミノクロウサギ – Amami no kuro-usagi”. Việc một nhân vật nổi tiếng thế giới bày tỏ sự quan tâm đến giống loài nhỏ bé như thỏ Amami đã giúp ông Hamada hiểu biết nhiều hơn về chúng.
Đến mùa hè năm 1986, Hamada lần đầu tiên thực hiện chuyến thám hiểm rừng rậm ở đảo Amami Oshima để tận mắt kiểm chứng xem thỏ Amami có thật sự đặc biệt như mọi người truyền tai nhau hay không.
Cùng gia đình, ông đã lái xe khoảng một tiếng đồng hồ dọc theo con đường núi gồ ghề vào ban đêm, thì bỗng nhiên phía trước đèn pha xuất hiện một cục đen tròn với đôi mắt màu hồng ngọc phát sáng.
Khi dừng xe bước xuống đường, ông chầm chậm tiếp cận con vật và khi nhìn kỹ hơn thì nhận ra đó là một con thỏ lông đen. Hamada bất giác nhận ra con vật trước mắt và nổi da gà, ông đã hô lên: “Là một con thỏ Amami”. Khoảnh khắc kỳ diệu này vẫn còn đọng mãi trong tâm trí ông đến tận bây giờ.
Vén màn bí mật về thỏ Amami
Rời quê hương Amami Oshima, ông Hamada theo học và tốt nghiệp trường Cao đẳng nhiếp ảnh Tokyo (nay là Đại học Bách khoa Tokyo), rồi gia nhập Phòng Nhiếp ảnh của Nhà xuất bản Kodansha. Đến năm 1979, ông trở về hòn đảo thân thương để thu thập thông tin về tự nhiên và văn hóa của Amami Oshima, đi theo tiếng gọi con tim trở thành nhiếp ảnh gia.
Tuy nhiên, sau 6 năm, ông vẫn chưa tìm được nguồn cảm hứng nên cảm thấy chán nản và bất an về quyết định trở về quê nhà. Nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ với một chú thỏ Amami đã làm thay đổi tất cả.
Bị mê hoặc bởi trải nghiệm trên, ông bắt đầu thường xuyên đi vào rừng rậm để chụp hình thỏ Amami. Bấy giờ, những khu rừng nguyên sinh của Amami Oshima ẩn chứa đầy nguy hiểm từ cả thế giới thực lẫn siêu nhiên. Bất kỳ ai đủ liều lĩnh đi bộ đường dài băng qua những bụi rậm vào ban đêm đều có nguy cơ gặp phải rắn đốm vàng đáng sợ hay làm khơi dậy sự giận dữ của Kenmun - loài vật trong truyền thuyết giống với loài thủy quái Kappa, chỉ sống ở hòn đảo.
Hamada tiến vào những cánh rừng nguyên sinh chưa được khám phá để tìm thỏ Amami nhằm thực hiện một số nghiên cứu về sinh thái và hành vi của loài vật sống về đêm này. Bấy giờ, thông tin về thỏ Amami còn khá ít ỏi như chúng có chân và tai ngắn, lông đen, ẩn náu trong hang đá hoặc trên mặt đất.
Dù chưa có kinh nghiệm chụp ảnh động vật hoang dã, nhưng kể từ mùa hè năm 1985, ông đã dành hàng đêm để nấp dưới những bụi cây thấp và tự nhủ đây sẽ là công việc cả đời của mình. Với mỗi chuyến khám phá, ông lại càng dấn sâu hơn vào niềm đam mê chụp ảnh thỏ Amami. Nỗ lực của ông cuối cùng đã được đền đáp khi vào tháng 12/1986, ông đã tìm được hang của một chú thỏ Amami sau 6 tháng túc trực.
Ông đã chụp được ảnh một chú thỏ rời khỏi hang vào đầu tháng 01/1987, “chiến thắng” này đã thôi thúc ông khám phá thêm nhiều bí mật của chúng, chẳng hạn như việc chúng dành nhiều ngày để chăm sóc con non.
Các câu hỏi cứ liên tục nảy ra trong đầu khiến Hamada tiến sâu hơn vào những cánh rừng cận nhiệt đới rậm rạp của hòn đảo – nơi ông khám phá ra môi trường sống tự nhiên kỳ thú của vô số loài động thực vật thay đổi theo mùa.
Dần theo thời gian, ông Hamada trở nên nhạy bén hơn với môi trường tự nhiên ở đảo. Vào mùa thu năm 1996, trong một lần vô tình bắt gặp khu đất bị đào bới và lấp lại, ông đã nhận ra đây là hang của thỏ Amami bởi nó có những điểm giống với miêu tả từ một cư dân đảo lớn tuổi am tường về rừng.
Nắm bắt cơ hội để khám phá thói quen đào hang của thỏ Amami, ông Hamada chuẩn bị máy để ghi lại những khía cạnh chưa được thu thập về hành vi của chúng. Tuy vậy, việc ghi lại những khoảnh khắc tương tác ngắn giữa thỏ mẹ với thỏ con không hề đơn giản.
Thỏ cái Amami thường đào hang để sinh con vào mùa thu và nó cách xa hang hằng ngày chúng vẫn sống. Sau khi đào hang sâu khoảng 1m, chúng sẽ lót lá dưới đáy hang và sinh một hoặc nhiều thỏ con. Cứ khoảng hai đêm, thỏ mẹ lại rời hang đi kiếm ăn, trước khi rời ổ, nó lại bịt kín hang bằng đất. Khi thỏ con còn non, chúng sẽ được bú mẹ ở trong ổ, nhưng khi lớn hơn, thỏ mẹ sẽ đứng ở đầu ổ cho các con bú sữa.
Thời gian bú sữa mẹ của thỏ con chỉ kéo dài khoảng 2 phút và thỏ mẹ dành 20 phút tiếp theo để lấp kín ổ trước khi biến mất vào bụi cây để đi kiếm ăn. Hành động này lặp lại khoảng 40 ngày cho đến khi thỏ con đủ lớn để rời khỏi ổ và trở về sinh sống cùng hang với mẹ.
Vì cửa hang khá hẹp nên cần nắm bắt thời gian thật chuẩn xác. Ông Hamada đã cắm trại gần ổ trong hai tháng mới chụp được hành vi đào ổ sinh sản của thỏ Amami.
Đến tháng 12/1998, Hamada lần đầu tiên công bố ảnh chụp và video ghi lại thói quen đào ổ sinh sản của thỏ Amami. Loạt phim tài liệu này đã biến Amami Oshima từ một nơi vô danh bỗng nổi tiếng toàn cầu chỉ sau một đêm. Các tạp chí tên tuổi như Wildlife của BBC hay National Geographic cũng đã đăng tải các đặc trưng của hòn đảo, nhiều chuyên gia viết về hệ động thực vật của Amami trên các tạp chí học thuật quốc tế nổi tiếng.
Hiện tại, tính đến năm 2021, số lượng cá thể thỏ Amami trên đảo Amami Oshima là vào khoảng 10,024 – 34,429, còn ở Tokunoshima ít hơn với 1.525 – 4,735 cá thể.
Bảo vệ “hóa thạch sống”
Vào năm 2021, những nỗ lực bảo vệ thỏ Amami và các sinh vật khác của ông Hamada cũng như nhiều người khác được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi đảo Amami Oshima và Tokunoshima nằm trong nhóm các hòn đảo phía Nam Nhật Bản được đăng ký trở thành Di sản thiên nhiên của UNESCO.
Với ông Hamada, đây là vinh dự lớn lao vượt ngoài giấc mơ của bản thân. Tính đến năm 2021, ông đã dành trọn 36 năm để chỉ tập trung ghi hình về hành vi của thỏ Amami và môi trường sống phong phú của chúng. Với bản thân hòn đảo Amami Oshima, vinh hạnh trên cũng là điều không thể tin được.
Từ lâu, môi trường tự nhiên tại Amami Oshima đã bị tàn phá bởi bàn tay của con người. Các khu rừng bị khai thác để lấy gỗ, việc mang cầy mangut lên đảo kiểm soát số lượng rắn thực tế lại đẩy hệ sinh thái của hòn đảo đến bờ vực tuyệt diệt.
Bất chấp tác hại do sự thiếu tầm nhìn trên gây ra, thỏ Amami và các loài đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng vẫn nỗ lực để tồn tại. Hamada hy vọng rằng thông qua những bức ảnh của mình, ông có thể giúp cho người khác nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn những loài động vật quý giá này.
kilala.vn