Nguyên nhân Nhật Bản có nhiều sóng thần và núi lửa
Đầu tiên nói về vị trí địa lí, Nhật Bản là một quốc gia đặc biệt vì 4 mặt đều giáp biển, nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, một khu vực có hình dạng giống như vành móng ngựa và thường xảy ra các hiện tượng hoạt động địa chất (như xô, húc, tách dãn,…). Cộng với việc tọa lạc ngay điểm nối của ba vùng kiến tạo địa chấn đã khiến Nhật Bản thường xuyên hứng chịu các cơn động đất cũng như hoạt động của núi lửa. Các trận động đất này có sức tàn phá từ nhỏ đến lớn, và cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên những đợt sóng thần kinh hoàng.
Với cấu tạo địa chất không ổn định như thế, Nhật Bản đã là quốc gia sinh ra với điều kiện tự nhiên không thuận lợi.
Những thảm họa thiên nhiên không thể quên ở Nhật Bản
Bên cạnh trận Đại địa chấn tang thương xảy ra vào năm 2011, từ xa xưa, lịch sử Nhật Bản đã có những mất mát về người và của do thiên tai để lại.
1) Thảm họa núi lửa Asama
Asama là ngọn núi lửa hoạt động mạnh mẽ nhất trên hòn đảo chính của Nhật Bản (Honshu). Tọa lạc tại ranh giới của 2 tỉnh Gunma và Nagano cách Tokyo khoảng 145km, ngọn núi cao 2.568 mét so với mực nước biển này là một biểu tượng sừng sững trên thị trấn nghỉ mát của Karuizawa.
Năm 1783, núi lửa Asama phun trào gây thiệt hại trên diện rộng cùng đám cháy lớn, giết chết 1.500 người và phá hủy một khu vực rộng lớn của Nhật. Sự kiện kinh hoàng này đã gây ra nạn đói quốc gia kéo dài 4 – 5 năm.
2) Thảm họa núi lửa Unzen
Nhắc đến những câu chuyện hằn sâu trong kí ức về thiên tai, không thể không kể đến thảm họa núi lửa Unzen. Lần cuối “địa ngục” Unzen xảy ra đã gần ba thập kỉ trước nhưng vẫn để lại nhiều dư âm về sau.
Năm 1972, một trong nhiều vòng dung nham núi Unzen đổ sụp, gây ra siêu sóng thần dẫn đến cái chết của hơn 14.000 người. Chưa chấm dứt nỗi đau ở đó, năm 1991, đau thương tiếp diễn khi vụ phun trào lớn từ Fugendake cũng ngay tại Uzen tạo ra luồng mạt vụn núi lửa khiến 43 người thiệt mạng, trong đó có 3 nhà nghiên cứu núi lửa đang công tác tại đây.
3) Đại địa chấn Đông Bắc Nhật Bản
Vào ngày 11/3/2011, định mệnh đã đánh dấu một thảm họa kép nơi đất nước mặt trời mọc khi trận động đất mạnh đến 9 độ richter gây nên đợt sóng thần lan dọc khắp bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản. Chỉ trong vòng một giờ, các cơn động đất đi kèm dư chấn đã khiến các thị trấn dọc bờ biển Nhật Bản bị những đợt sóng khổng lồ san phẳng toàn bộ. Những ngọn sóng cao đến 4 - 5m liên tiếp ập lên nhà cửa và những cánh đồng. Thậm chí tại thành phố Miyako thuộc tỉnh Iwate, ước tính sóng thần cao đến 40m.
Thảm họa này để lại những con số khủng khiếp: 15.884 người thiệt mạng, 6.148 người bị thương, 2.633 người mất tích cùng 127.290 ngôi nhà bị tàn phá. Chưa dừng lại ở đó, thảm họa này còn gây nên chuỗi sự cố liên tiếp tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 và 2, đồng thời nhiều nhà máy điện hạt nhân khác phải ngừng hoạt động.
4) Thảm họa núi lửa Ontake
Xuôi dòng thời gian đến trưa ngày 27/9/2014, ngọn núi lửa Ontake cao 3.067 mét nằm ở quận Nagano đột ngột "thức giấc" khiến người dân sinh sống xung quanh và hàng trăm người đang đi bộ trên núi không kịp đề phòng. Đây được xem là thảm họa núi lửa tồi tệ nhất Nhật Bản trong 90 năm trở lại. Cho đến tận ngày tiếp theo, từng cột tro bụi và khí sulfur khổng lồ vẫn tiếp tục bốc ra từ miệng núi lửa, gây cản trở cho việc cứu hộ.
Thảm họa này khiến gần 50 người thiệt mạng cùng nhiều người khác bị thương. Chính quyền phải huy động 1.000 binh sĩ, cảnh sát và lính cứu hỏa, điều động trực thăng hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân.
Nếu nhìn xuyên suốt lịch sử, các sự kiện này chỉ là năm trong số vô vàn thảm họa thiên nhiên mà Nhật Bản gánh chịu, tuy nhiên cũng phần nào giúp hình dung được mức độ đau thương to lớn mà người dân xứ sở hoa anh đào đã trải qua.
Người Nhật làm cách nào để có thể sống cùng thiên tai?
Ở một đất nước luôn phải hứng chịu thiên tai và sống cùng những cảnh báo thảm họa là điều quen thuộc như vậy, hẳn nhiều người thắc mắc vì sao người Nhật không rời bỏ nơi này để tìm kiếm một vùng đất khác. Có thể tóm gọn lại ở 2 ý sau đây:
Mảnh đất này là quê cha đất tổ
Người Nhật xác định trong tư tưởng chấp nhận đối mặt với thiên nhiên quê hương xứ sở. Thậm chí người dân dùng thái độ tích cực và lạc quan với nghịch cảnh.
Sakurajima, một trong những ngọn núi lửa có tần suất hoạt động nhiều nhất Nhật Bản, vô số lần nổi cơn thịnh nộ gây nhiều bất ổn. Khoảng 680.000 dân cư xung quanh đây phải sống chung với tro bụi và đất đá, đồng thời di tản bất cứ lúc nào báo động núi lửa vang lên. Tuy vậy khi được hỏi, đa số người dân đều trả lời họ thấy bình thường và đã quen thuộc với cuộc sống này.
Bằng chứng đến từ nếp sinh hoạt hằng ngày như lán tị nạn sẵn sàng ở khắp nơi, trẻ em đội mũ bảo hiểm tránh đất đá khi ra ngoài, nhà cửa thiết kế nhiều rãnh để dễ dàng dọn dẹp,… và cả cách người dân tận dụng bụi than từ núi lửa thành thức quà thiên nhiên. Biết được bụi từ ngọn núi lửa Sakurajima góp phần tạo nên thổ nhưỡng cho vùng đất lân cận, đặc biệt lí tưởng cho lĩnh vực trồng trọt, họ đã ra sức phát triển ưu thế này. Kết quả là giống củ cải lớn nhất thế giới Sakurajima Daikon với vị ngọt đậm đà đặc trưng có xuất xứ từ chính nơi đây như một món quà của đất trời dành cho người dân.
Khi ý thức chống chọi với thiên nhiên được tôi luyện ngay từ xa xưa
Có thể nhận định, bao nhiêu năm tháng không thiên thời địa lợi cũng là bấy nhiêu thời gian tôi luyện cho mỗi người Nhật một ý thức rõ ràng đi cùng tinh thần bền bỉ, tự cường cao, thể hiện ở hành vi nhất quán từ chính quyền đến người dân. Chính phủ Nhật Bản luôn là đầu tàu khẩn trương nhanh chóng đưa ra các báo động chính xác và kịp thời nhằm giảm thiểu tối đa hậu quả. Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp sơ tán khẩn cấp trước thảm họa, cứu trợ người dân và hỗ trợ lẫn khắc phục sau thiên tai.
Thế giới không ít lần từ bàng hoàng thương xót chuyển sang khâm phục thái độ và hành xử của người Nhật trong thảm họa. Vốn dĩ người dân đã được giáo dục về cách chuẩn bị và đối phó hiệu quả nhất khi thiên tai xảy ra thông qua các lớp tuyên truyền và cả trường học từ khi còn nhỏ tuổi. Các cơ sở vật chất và phòng bị luôn sẵn sàng ngay tại nhà. Mỗi gia đình đều có balo đầy đủ vật dụng, lán tránh nạn được bố trí rải rác khắp nơi và tập trung ở những vùng trọng điểm…
Tham khảo thêm Công viên phòng chống thiên tai Tokyo Rinkai.
Vậy nên dù là hứng chịu thiên tai kinh hoàng bậc nhất như vậy, nhưng vẫn không xảy ra cảnh hỗn loạn nào. Ghi nhận tại các điểm công cộng hậu thảm họa, người dân nơi đây kiên nhẫn và trật tự xếp hàng chờ đến lượt gọi điện thoại công cộng, mua nhu yếu phẩm, nhận hàng cứu trợ… Giữa nghịch cảnh là vậy, những câu chuyện giúp đỡ nhau đầy tình người giàu hi sinh cũng không hề thiếu, như 50 người công nhận tình nguyện ở lại cứu nhà máy Fukushima số 1 sau thảm họa kép năm 2011 đã lay động nhiều trái tim.
Tựa những mầm sống vẫn không ngừng vươn lên trên nền đất khô cằn, người Nhật vẫn vững vàng, kỉ luật và giữ được niềm tin tiến về phía trước. Đó cũng là điều đọng lại sâu sắc trong tâm trí mọi người, về tinh thần của một dân tộc, như biểu tượng cho sức mạnh và quyết tâm bất khuất của con người trước bất lợi từ thiên nhiên vĩ đại.
kilala.vn