Những điểm đến đặc sắc sẽ xuất hiện trong phim tài liệu “Nagasaki tôi yêu”
Bài: Rin Dec 27, 2022
Là nơi duy nhất tại Nhật được mở cửa giao thương với nước ngoài trong thời kỳ bế quan tỏa cảng, cũng là chứng nhân của những sự kiện lịch sử trọng đại, Nagasaki thu hút du khách gần xa với các địa điểm lịch sử, văn hóa đậm nét truyền thống.
Phim tài liệu lịch sử “Nagasaki tôi yêu” kể về mối tình lịch sử giữa Công nữ Ngọc Hoa (Anio) và thương nhân Nhật Bản Sotaro Araki là dự án do Đài Truyền hình Nagasaki (KTN) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật – Việt. Theo chân đoàn làm phim, khán giả sẽ được bước vào hành trình khám phá vẻ đẹp của thành phố giao thương Nagasaki, vùng đất của lịch sử và sự pha trộn văn hóa.
Trong khi chờ đợi bộ phim bắt đầu lên sóng VTV1 từ ngày 07/01/2023, hãy cùng Kilala điểm qua vài điểm đến hấp dẫn sẽ xuất hiện trong chương trình nhé!
Bảo tàng lịch sử và văn hóa Nagasaki - nơi lưu giữ chiếc gương hồi môn của Công nữ Anio
Nằm cách ga Nagasaki khoảng 15 phút đi bộ, Bảo tàng lịch sử và văn hóa Nagasaki là một trong số ít bảo tàng ở xứ sở hoa anh đào mang chủ đề ngoại thương. Với khoảng 48.000 hiện vật trong bộ sưu tập, bao gồm tài liệu lịch sử, nghệ thuật, đồ thủ công, bảo tàng kể câu chuyện sống động về thành phố Nagasaki vào thời Edo – nơi duy nhất được mở cửa giao thương với nước ngoài trong suốt thời kỳ chính quyền Nhật ban hành lệnh “bế quan tỏa cảng”.
Nhiều triển lãm cố định có quy mô lớn được bài trí ở hai tầng của bảo tàng với nhiều chủ đề đa dạng, khai thác từng khía cạnh lịch sử phong phú của Nagasaki như hoạt động ngoại thương với Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Tại đây, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng các biểu đồ, sa đồ thể hiện những tuyến đường giao thương, các quận mà thương nhân nước ngoài từng sinh sống ở Nagasaki. Ngoài ra, triển lãm cũng tập trung khai thác về Nanban (văn hóa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha), cũng như sự du nhập của Cơ đốc giáo vào vùng đất cảng này.
Bên trong bảo tàng vẫn còn lưu giữ một phần trụ sở Tòa án Nagasaki từ thời Edo được phục dựng. Là cảng duy nhất được mở cửa giao thương với nước ngoài, Nagasaki bấy giờ được cai trị trực tiếp bởi Tướng quân Mạc phủ Tokugawa và Tòa án xem như đại diện cho Tướng quân đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ngoài một căn phòng chiếu Tatami rộng rãi để tiếp đón các quan chức, nơi đây còn có phòng thẩm vấn, tòa án định tội những kẻ buôn lậu và các tội khác.
Đặc biệt, bảo tàng cũng lưu trữ nhiều tài liệu quan trọng không được công bố về Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Sotaro, trong đó nổi bật như thư của chúa Sãi bảo lãnh về giao thương của vua An Nam gửi cho Sotaro, với nội dung nhận Sotaro làm con nuôi và chấp thuận gả cưới công nữ.
Trong số những hiện vật quý giá gắn liền với chuyện tình đẹp đẽ giữa nàng Công nữ nước Việt với chàng thương nhân xứ anh đào còn có chiếc gương là của hồi môn do nàng Anio mang từ Việt Nam đến.
Đền Suwa với lễ hội Nagasaki Kunchi đặc sắc
Là một ngôi đền Thần đạo (Shinto) quan trọng của tỉnh Nagasaki, đền Suwa chính thức được xây dựng vào năm 1614, cùng năm Sắc lệnh chống lại Cơ đốc giáo được Tướng quân Tokugawa Ieyasu ban hành. Giống với các ngôi đền Suwa khác, nơi đây thờ phụng Suwa-no-Kami, vị thần của lòng dũng cảm và nghĩa vụ. Mỗi năm, hàng ngàn người viếng đền để cầu bình an và thịnh vượng.
Bấy giờ, Nagasaki đã trở thành nơi có số lượng giáo dân Cơ đốc giáo lớn nhất Nhật Bản và nhiều đền thờ Shinto, chùa Phật giáo đã bị phá hủy. Do vậy, Chính phủ Nhật bắt đầu ép buộc người dân theo Cơ đốc giáo tại đây quay trở lại với tôn giáo chính ở Nhật là Phật giáo và Thần đạo. Và đền Suwa ra đời với chức năng trở thành địa điểm thờ phụng Thần đạo chính, thu hút sự quan tâm của người dân địa phương.
Tuy vậy, công trình đền tạm vẫn thường xuyên bị tấn công bởi các giáo dân Cơ đốc mãi cho đến năm 1624, khi có sự góp sức của tu sĩ Aoki Kensei thì đền Suwa mới được hoàn thiện. Để thu hút mọi người ghé thăm ngôi đền Thần đạo mới, đền đã tổ chức nghi lễ Yutate-sai, trong đó, một nhà sư thể hiện sự gắn kết với Kami (Thần) bằng nhúng tay vào nước sôi mà không bị bỏng. Mặc dù vậy, số lượng du khách vẫn còn rất ít, ngay cả khi các trận đấu Sumo đã được tổ chức tại đây.
Đến năm 1634, một sắc lệnh được ban hành yêu cầu mọi người trở thành tín đồ của Thần đạo. Cùng với đó, nhiều nỗ lực khác đã được thực hiện để tăng thêm số lượng người dân địa phương tham gia, kết quả là một lễ hội mùa thu lớn ra đời. Và đó chính là lễ hội truyền thống Nagasaki Kunchi, diễn ra từ ngày 07/10 đến ngày 09/10 mỗi năm. Đây là một trong số những lễ hội lớn của xứ sở hoa anh đào, cùng với lễ hội Gion ở Kyoto và Tenjin Matsuri ở Osaka.
Đặc biệt, tại Nagasaki Kunchi, người dân sống ở khu phố Motoshikkui còn tái hiện khung cảnh đám rước nàng Ngọc Hoa và mô hình Châu Ấn thuyền lộng lẫy lấy cảm hứng từ mối lương duyên giữa Công nữ và thương nhân Sotaro.
Vườn Glover ngắm toàn cảnh cảng Nagasaki
Là một trong những tài sản văn hóa thuộc di sản thế giới của Nagasaki, vườn Glover là một bảo tàng ngoài trời phục dựng và di dời những biệt thự của các thương nhân nước ngoài từng sinh sống ở thành phố cảng này, cùng các công trình liên quan khác.
Điểm nhấn của công trình mang tính lịch sử này là “Nhà cũ của Glover” được xây dựng vào năm 1863. Đây cũng là ngôi nhà gỗ kiểu châu Âu cổ nhất Nhật Bản còn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Chủ nhân của căn nhà là thương nhân người Xcốt-len Thomas Blake Glover (1838 – 1911), ông đã chuyển đến Nagasaki sinh sống sau khi nơi đây được mở cửa để giao thương với nước ngoài vào năm 1859, là nhân vật quan trọng góp phần hiện đại hóa nhiều lĩnh vực công nghiệp của nước Nhật như đóng tàu, khai thác than...
Đây cũng địa điểm ông Glover gặp gỡ, hỗ trợ các Samurai, đặc biệt là lãnh chúa của phiên Choshu và Satsuma lật đổ Mạc phủ Tokugawa để lập nên chính quyền Minh Trị.
Mặc dù mang kiến trúc châu Âu, nhưng “Nhà cũ của Glover” lại có mái và tường xây theo kiến trúc truyền thống Nhật Bản khác lạ.
Một số tòa nhà kiểu châu Âu cũng được di dời từ các nơi khác của thành phố đến vườn Glover. Du khách có thể thoải mái tham quan những ngôi nhà cổ này và khám phá lối sống của các nhân vật giàu có thời bấy giờ. Những dinh thự sang trọng này thường được trang trí với đồ nội thất xa hoa, lộng lẫy.
Nằm trên ngọn đồi Minamiyamate, vườn Glover sở hữu tầm nhìn tuyệt đẹp hướng ra thành phố Nagasaki và bến cảng. Ngoài ra, nơi đây còn có một quán cà phê và cửa hàng lưu niệm mà bạn không nên bỏ lỡ nếu có dịp ghé thăm!
Nhà thờ Oura với kiến trúc Gothic nổi bật
Cùng với vườn Glover, nhà thờ Oura cũng là tài sản văn hóa thuộc di sản thế giới của Nagasaki. Được xây dựng vào năm 1864, cuối thời Edo bởi các nhà truyền giáo người Pháp, nhà thờ Oura ra đời hướng tới cộng đồng thương nhân nước ngoài đang phát triển không ngừng ở thành phố Nagasaki lúc bấy giờ.
Oura cũng được xem là một trong những nhà thờ Cơ đốc giáo lâu đời nhất tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, đây còn là nơi tưởng niệm 26 giáo dân bị hành quyết tại Nagasaki vào năm 1597 khi lệnh cấm đạo được ban hành.
Ban đầu, Oura là một nhà thờ nhỏ bằng gỗ xây dựng bởi Koyama Hide, một thợ mộc, cũng là người đứng sau biệt thự nguy nga của Thomas Glover. Tuy nhiên, nhà thờ đã được xây dựng lại theo phong cách kiến trúc Gothic của châu Âu thời Trung Cổ như ngày nay vào năm 1879.
Những ô kính cửa sổ in màu và tượng Đức mẹ đồng trinh bằng đá cẩm thạch trắng ở nhà thờ Oura đều được nhập khẩu từ Pháp. Đến năm 1933, nhà thờ Oura đã được chỉ định là Bảo vật quốc gia, cũng là tòa nhà theo kiến trúc châu Âu đầu tiên nhận được danh hiệu cao quý này.
Dejima, hòn đảo nhân tạo hình quạt
Sau khi Công nữ Anio theo chân chồng - thương nhân Sotaro trở về sống ở Nagasaki, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”, hạn chế giao thương với nước ngoài một cách nghiêm ngặt. Bấy giờ, đảo nhân tạo hình quạt Dejima đã được xây dựng ngoài khơi Nagasaki vào năm 1636 để giao thương với Bồ Đào Nha và sau đó là Hà Lan.
Với diện tích 9.000m2, Dejima được tạo ra bằng cách đào kênh xuyên qua một bán đảo nhỏ, nối với đất liền nhờ một cây cầu. Hòn đảo đặc biệt này được xây dựng bởi Mạc phủ Tokugawa nhằm ngăn chặn sự truyền bá Cơ đốc giáo vào Nagasaki, trở thành nơi ở của các thương gia Bồ Đào Nha để tách biệt họ khỏi xã hội Nhật lúc bấy giờ, trong khi vẫn tạo điều kiện cho việc giao thương với phương Tây.
Dejima còn có tên gọi khác là Tsukishima, mang nghĩa “đảo được xây" hoặc Ogishima (đảo hình quạt) bởi hình dáng đặc trưng của nó.
Ngày nay, Dejima không còn là một hòn đảo bởi khu vực xung quanh đã được khai thác vào thế kỷ 20. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình lịch sử được gìn giữ nguyên vẹn như “Trường đạo Dejima cũ”, số khác được phục dựng, bao gồm nhà ở, nhà kho hay cổng. Do vậy, dạo quanh Dejima, du khách như được trở về Nagasaki những ngày xưa cũ và cảm nhận rõ rệt cuộc sống của người nước ngoài từng cư trú tại đây.
Những địa điểm trên và nhiều địa danh hấp dẫn nữa sẽ xuất hiện trong 3 tập phim tài liệu “Nagasaki tôi yêu”, phát sóng trên VTV1 từ ngày 07/01/2023. Và cũng đừng quên bấm theo dõi fanpage Nagasaki Tôi Yêu để khám phá thêm nhiều điều thú vị về vùng đất cảng xinh đẹp này nhé!
kilala.vn
Lịch phát sóng chương trình trên VTV1:
- Tập 1:07h30 ngày 07/01/2023.
- Tập 2: 07h30 ngày 08/01/2023.
- Tập 3: 07h30 ngày 09/01/2023.
Lịch phát lại chương trình:
Trên VTV1:
- Tập 1: 22h30 ngày 11/01/2023.
- Tập 2: 22h30 ngày 12/01/2023.
- Tập 3: 22h30 ngày 13/01/2023.
Trên VTV2:
- Tập 1: 20h25 ngày 16/01/2023.
- Tập 2: 20h25 ngày 17/01/2023.
- Tập 3: 20h25 ngày 18/01/2023.