Nhật Bản có bao nhiêu loại lâu đài cổ?

Bài: Vũ Quỳnh
Aug 25, 2020

Ảnh: PIXTA

Nói về các kiến trúc cổ đại còn được bảo tồn đến ngày nay của Nhật thì không thể bỏ qua các tòa lâu đài cổ. Trải dài khắp đất nước Nhật Bản là cả ngàn tàn tích và di tích lâu đài. Lâu đài cổ ở Nhật được chia làm 4 loại dựa trên địa hình nơi xây dựng chúng. Mỗi loại đều khác biệt về mặt cấu trúc và có những đặc điểm tượng trưng cho thời đại.

Yamashiro (山城)

Yamashiro là một loại lâu đài được xây dựng trên núi. Những tòa lâu đài này ra đời trong khoảng thời gian Nam - Bắc Triều đến đầu thời kỳ Chiến quốc (Sengoku). Chúng còn được gọi là “Lâu đài Trung cổ”.

Nhật Bản có bao nhiêu lâu đài cổ
Lâu đài Bitchu Matsuyama (ảnh: shirobito.jp)

Yamashiro được coi như một pháo đài tự nhiên vì người đã biến cả một ngọn núi thành tòa lâu đài bằng cách đào núi để xây thành và đào hào xung quanh. Nhiều lâu đài trên núi chủ yếu được đắp từ đất và kiến trúc bên trong được thiết kế đơn giản bằng gỗ. Đây có thể xem là một cơ sở quân sự vững chắc. 

Người ta nói rằng có 30.000 đến 40.000 tàn tích lâu đài ở Nhật Bản, hầu hết trong số đó là lâu đài trên núi. Trong thời kỳ Kamakura và Muromachi, nhiều cuộc chiến ác liệt diễn ra thường xuyên hơn và các lâu đài đơn giản trên núi được xây dựng để ngăn chặn sự xâm lược từ kẻ thù. 

Những lâu đài trên núi nổi tiếng nhất là lâu đài Iwamura (tỉnh Gifu), lâu đài Takatori (tỉnh Nara) và lâu đài Bicchu Matsuyama (tỉnh Okayama), được mệnh danh là ba lâu đài trên núi lớn nhất Nhật Bản.

Lâu đài Iwamura
Lâu đài Iwamura
Lâu đài Takatori
Lâu đài Takatori

Hirayama-shiro (平山城)

Lâu đài Hirayama được xây dựng bằng cách tận dụng các ngọn núi thấp, đồi nhỏ và vùng đồng bằng xung quanh. Lâu đài Hirayama đầu tiên là lâu đài Azuchi do Oda Nobunaga xây dựng. Cấu trúc cơ bản bao gồm một tòa nhà chính nằm trên ngọn núi thấp hay ngọn đồi nhỏ; các cung điện và dinh thự khác nằm trên vùng đồng bằng xung quanh; những bức tường đá và hào nước thì nằm ở chu vi bên ngoài của lâu đài.

Lâu đài Tsuyama
Lâu đài Tsuyama (tỉnh Okayama), cả ngọn núi được tích hợp bởi những bức tường đá gồm 123 bậc. (ảnh: shirobito.jp)

Dạng lâu đài này vừa có chức năng phòng thủ, vừa đóng vai trò văn phòng chính phủ, đồng thời còn là trung tâm kinh tế - chính trị, kiểm soát lãnh thổ. Các lâu đài Hirayama cũng được xem như biểu tượng quyền lực khi xây dựng lâu đài chính ở nơi cao hơn những tòa nhà khác và đặt một cái tháp canh trên đỉnh. Những cung điện, dinh thự xây dựng trên đồng bằng và sườn núi là nơi các chư hầu và gia đình của họ sinh sống.

Lâu đài Tsuyama (tỉnh Okayama), lâu dài Himeji (tỉnh Hyogo) và lâu dài Matsuyama (tỉnh Ehime) là ba lâu đài Hirayama lớn nhất ở Nhật Bản.

Lâu đài Hijime
Lâu đài Hijime (Ảnh: Attractive JAPAN Reservations - Rezdy)
Lâu đài Matsuyama
Lâu đài Matsuyama (Ảnh: chushikokuandtokyo.org)

Heijo (平城)

Bằng cách xây dựng một lâu đài trên vùng đất bằng phẳng, các lãnh chúa có thể nuôi quân nhiều hơn trong lãnh thổ của họ. Heijo là một trong những kiểu lâu đài hiện đại được xây dựng từ cuối thời Chiến quốc đến thời Edo.

Khi tình trạng hỗn loạn chiến tranh lắng xuống và thế giới dần ổn định hơn, lâu đài trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế và quân sự. Ngoài ra, nó còn là văn phòng chính phủ cai quản lãnh thổ và mang ý nghĩa quyền lực. Xung quanh tòa lâu đài chính là nơi ở của các chư hầu. Với sự phát triển trên lĩnh vực xây dựng, người ta đã có thể đào những con hào lớn và xây dựng những bức tường đá cao lớn, vững chãi có khả năng phòng thủ tốt.

Ninomaru Nijo Castle
Cung điện Ninomaru của lâu đài Nijo. (ảnh: nijo-jocastle.city.kyoto.lg.jp)

Lâu đài Nijo (tỉnh Kyoto) cùng với lâu đài Matsumoto (tỉnh Nagano) và lâu đài Hiroshima (tỉnh Hiroshima) được cho là những lâu đài Heijo tiểu biểu nhất.

Lâu đài Matsumoto
Lâu đài Matsumoto
Lâu đài Hiroshima
Lâu đài Hiroshima (Ảnh: tabi-mag.jp)

Mizuki/Kaijo (水城/海城)

Mizuki hay Kaijo là lâu đài được xây dựng ở gần những nơi có nước như biển, sông và hồ. Con hào bảo vệ được xây dựng nối liền với những nguồn nước tự nhiên không chỉ đảm bảo về mặt quốc phòng mà còn hỗ trợ giao thương bằng đường thủy. Khác với các loại lâu đài khác, lâu đài Mizuki còn có thêm một bộ phận bến tàu gọi là “Funairi”.

Tuy nhiên, những khó khăn khi lấp hồ, lấp biển và tình trạng hư hỏng do lũ lụt khiến số lượng lâu đài Mizuki không nhiều. Vào thời Trung cổ và đầu thời cận đại, giao thông đường thủy là phương thức vận chuyển hàng hóa chủ yếu nên lâu đài Mizuki có lợi thế lớn trong việc phát triển thương mại. Ngoài ra, việc trang bị thuyền giúp các lãnh chúa dễ dàng mua sắm các vật liệu cần thiết cho trận chiến và đảm bảo đường thoát hiểm.

Lâu đài Imabari
Lâu đài Imabari (ảnh: setouchifinder.com)

Lâu đài Imabari (tỉnh Ehime), lâu đài Takamatsu (tỉnh Kagawa) và lâu đài Nakatsu (tỉnh Oita) được gọi là Tam đại thành thủy của Nhật Bản.

Lâu đài Takamatsu
Lâu đài Takamatsu
Lâu đài Nakatsu
Lâu đài Nakatsu

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU