Lạc lối trong rừng chợ đồ cũ đẹp - độc - rẻ ở Nhật

Bài: Nguyên NguyễnSep 26, 2017

Chợ đồ cũ ở Nhật hay còn được gọi là chợ trời(フリーマーケット)là địa điểm nhận được nhiều tình cảm không chỉ của người dân địa phương mà còn của du học sinh, khách du lịch v.v. vì sự đa dạng, phong phú của những gian hàng được bày bán với giá rẻ bất ngờ.

Những điều thú vị chỉ có ở chợ đồ cũ của Nhật

Chợ đồ cũ bắt nguồn từ các phố ngoại ô của Pháp và được du nhập vào Nhật những năm 1990. Bên cạnh việc đến chợ để mua sắm có một số người đến đây chỉ để sưu tầm đồ cũ như một thú vui tao nhã, sở hữu những món đồ độc và lạ chỉ tìm được ở chợ đồ cũ hay đơn giản chỉ là hàn thuyên về những câu chuyện đời sống hằng ngày.

Các mặt hàng bán tại chợ: Chủ yếu là quần áo, giày dép, sách, đồ gốm, mỹ phẩm, đồ điện tử v.v ngoài ra còn có rất nhiều sản phẩm mới chưa qua sử dụng. Ngoài các gian hàng kể trên, bạn có thể thưởng thức khu chợ ẩm thực đường phố được bố trí ở gần đó.
Nơi tập trung: Công viên, sân vận động hay những khu vực gần chùa, đền…
Thời gian: Định kì khoảng 2-3 lần trong một năm, có nơi họp chợ mỗi tháng 1 lần,… thường tổ chức vào các đợt chuyển mùa, không vào các dịp lễ, tết. 

chợ đồ cũ ở Nhật
Chợ đồ cũ Nhật Bản luôn thu hút sự quan tâm của mọi người trong và ngoài nước ( flickr/Koukai Yasuda)
Điểm nổi bật khiến chợ đồ cũ ở Nhật trở nên khác biệt với chợ ở các quốc gia khác trên thế giới là một số người bán tham gia chợ với mục đích từ thiện, miễn phí một số sản phẩm mà họ bày bán. 

Chợ đồ cũ uy tín giá cực rẻ nên đến ở Tokyo

Là thủ đô của Nhật Bản, với số dân chiếm 1/4 tổng diện tích quốc gia, Tokyo là nơi tập trung nhiều chợ đồ cũ nhất, các mặt hàng đa dạng và phong phú với chất lượng như mới.

1. Chợ trời Mottainai

Đây là chợ đồ cũ khá thú vị, các mặt hàng đa dạng và phong phú như quần áo thời trang cũ, cả hàng hiệu và bình dân. Đôi khi bạn có thể tìm thấy sách, đĩa CD và DVD cũ.

Địa điểm: Chợ không tổ chức cố định tại một địa điểm cụ thể, thường sẽ diễn ra vòng quanh Tokyo. Cổng tây ga Ikebukuro và cạnh trung tâm thương mại Akihabara UDX.
Thời gian mở cửa: Thứ bảy và chủ nhật hàng tuần từ 10 giờ đến 16 giờ.

chợ trời Mottainai
Chợ trời Mottainai bên cạnh trung tâm thương mại Akihabara UDX (Ảnh: matcha-jp.com)

2. Chợ trời công viên Yoyogi

Một trong những chợ trời lâu đời nhất ở Tokyo với sự tham gia của hơn 800 gian hàng, bạn có thể tìm mua nhiều mặt hàng đồ cũ chất lượng, nhất là hàng thời trang. Ngoài ra chợ còn bày bán các thực phẩm hữu cơ tươi ngon và thủ công trang trí dành cho những tín đồ thời trang đam mê sáng tạo.

Địa điểm: Trên vỉa hè đối diện công viên, bên cạnh tòa nhà NHK, gần ga Hajuku.
Thời gian: Chợ diễn ra vào các ngày chủ nhật, mỗi tháng một lần.

chợ đồ cũ công viên Yoyogi
Góc ẩm thực nhộn nhịp ở chợ đồ cũ công viên Yoyogi (Ảnh: flickr/ tokyo fashion)

3. Chợ trời ở công viên Shinjuku Chuo

Với sự tham gia của khoảng 200 gian hàng, chợ nổi tiếng với các mặt hàng mang phong cách cổ điển. Bạn có thể ngắm toàn cảnh thành phố Tokyo trên tòa nhà Tocho bên cạnh.

Địa điểm: Chợ thường tổ chức ở quảng trường Mizu no Hiroba trong công viên Shinjuku, sau tòa thị chính Tokyo, gần ga Tochomae.
Thời gian họp chợ: Hai tháng một lần vào thứ bảy, từ 10 giờ đến 15 giờ. 

chợ đồ cũ công viên Shinjuku Chuo
Không gian nhỏ ấm áp trong chợ ở công viên Shinjuku Chuo (Ảnh: Flickr/Sam Schmidt)

4. Chợ trời ở trường đua ngựa Ooi

Đây là chợ trời lớn nhất ở thành phố Tokyo, với qui mô từ 300-600 gian hàng lớn nhỏ. Không như các chợ đồ cũ khác, chợ ở đây tổ chức thường xuyên hơn và chúng ta có thể mua được hàng hiệu 100% khi tham quan tại đây.

Địa điểm: Chợ diễn ra tại trường đua Ooi, Shinagawa gần ga Okeibaijoumae.
Thời gian: Thứ 7 và chủ nhật hàng tuần từ 9 giờ đến 15giờ. 

chợ đồ cũ ở trường đua Ohi
Trải nghiệm cảm giác mua sắm chợ đồ cũ ở trường đua Ohi (Ảnh: www.fleamapket.com)

5. Chợ trời đồ cổ Heiwajima

Đây là chợ đồ cổ lâu đời nhất và nổi tiếng nhất Nhật Bản, với 280 gian hàng. Không chỉ có đồ cổ, bạn có thể mua được nhiều sản phẩm được bán như những chợ đồ cũ khác. Chợ được biết đến với nhiều mặt hàng về gốm.

Địa điểm: Tòa nhà Ryutsu Center, tầng 2. trước ga Ryuutsusentaa
Thời gian: chợ diễn ra năm lần trong một năm, mỗi lần tổ chức trong ba ngày, từ 10 giờ đến 5 giờ. 

chợ đồ cổ Heiwajima
Các mặt hàng đồ gốm được bày bán nhiều nhất ở chợ Heiwajima (Ảnh: flickr/ explore japanese ceramics)

Cảm nhận của người Việt khi đi chợ đồ cũ

Bùi Anh Thư (SV đại học, quận Setagaya, Tokyo)
Mình đi chợ đồ cũ ở Setagaya được hai lần. Những chợ trời khác tuy cũng bán đồ giá phải chăng nhưng chất lượng thì không đảm bảo. Chợ đồ cũ giá rẻ so với giá gốc, gọi là mua nhưng có khi còn giống như là được cho. Bên cạnh đó nó được tổ chức như một dạng lễ hội. Mục đích của chợ đồ cũ là để quảng bá văn hóa cho người dân, giúp đỡ và hổ trợ người nghèo, người già... Mình có mua mũ và một ít quần áo trong lúc tham quan, đến nay chất lượng vẫn còn tốt. 
cảm nhận khi đi chợ đồ cũ
(Ảnh: NVCC)
Lê Thị Hồng Vinh (giáo viên tiếng Nhật, TP.HCM)
Một thời gian sinh sống tại tỉnh Shizouka, mình cùng bạn bè và người thân tham quan chợ đồ cũ tại địa phương rất nhiều lần. Mình thường đến đây mua quần áo và đồ lưu niệm. Giống như một hình thức lễ hội, chợ đồ cũ ở đây được tổ chức một năm một lần vào mùa hè. Ai có đồ không còn dùng thì đem ra bán, đặc biệt người mua có thể trả giá. Người bán cũng chỉ bán cho vui, và để thanh lý những đồ không dùng trong nhà thay vì đem bỏ, nên lợi nhuận hay doanh số không thành vấn đề. 
cảm nhận khi đi chợ đồ cũ
(Ảnh: NVCC)
Nguyễn Đình Hiếu ( Kĩ sư cơ khí, tỉnh Aichi, Hekinan)
Vào năm ngoái, mình đã tham quan chợ đồ cũ được tổ chức tại sân vận động của thành phố Toyota, Aichi nơi mình đang sinh sống và làm việc. Vì người Nhật bảo quản đồ đạc trong nhà rất kĩ, nói là chợ đồ cũ nhưng các mặt hàng ở đây vẫn còn rất mới, nhất là hàng điện tử. Các sản phẩm được bày bán ở đây giống với cửa hàng đồ cũ nhưng đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. 
cảm nhận khi đi chợ đồ cũ
(Ảnh: NVCC)
Nguyên Nguyễn/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU