Lạ lùng hòn đảo ở Okinawa dành hẳn một khu vực linh thiêng cho phụ nữ
Bài: Hạ Thanh
Nov 20, 2020
Ảnh: PIXTA
Sơ lược về hòn đảo Kudaka
Kudaka-jima (久高島) là một hòn đảo nhỏ, khá bằng phẳng thuộc tỉnh Okinawa. Hòn đảo này có chiều dài khoảng 8km, trải dài từ Đông Bắc đến Tây Nam, nằm cách bờ biển thành phố Nanjo khoảng 5km. Chỉ cần đạp xe khoảng 15 - 20 phút là bạn đã có thể ngắm nhìn toàn cảnh hòn đảo. Trên đảo còn có một cơ sở tị nạn với độ cao 21,35m so với mực nước biển, được sử dụng cho các trường hợp sóng thần khẩn cấp.
Kudaka chỉ cách đảo chính Okinawa khoảng 15 phút bằng phà cao tốc, khiến nó trở thành điểm đến tuyệt vời cho chuyến du lịch trong ngày.
Lịch sử hòn đảo Kudaka
Theo thần thoại Ryukyu Kaibyaku (琉球開闢 - Lưu Cầu Khai Tịch), đảo Kudaka là nơi vị thần Amamikiyo hạ phàm từ vùng đất thánh Nirai Kanai và xây dựng nên vương quốc Ryukyu (Okinawa ngày nay). Đến tận bây giờ, nhiều địa điểm trên đảo vẫn còn liên quan sâu sắc đến vị thần Amamikiyo, và vị nữ thần này vẫn được xem như một đối tượng thờ phụng của đảo. Ngoài ra, theo “Lưu Cầu Quốc Vương Do Lai Ký”, có truyền thuyết kể rằng, một cái chum chứa hạt ngũ cốc đã trôi dạt đến bãi biển Ishiki, được cho là mở đầu cho ngành nông nghiệp của khu vực. Chính lịch sử mang màu sắc thần thoại này là lý do tại sao đảo Kudaka được xem là một hòn đảo linh thiêng.
Chỉ có phụ nữ mới được đặt chân đến?
Trong phương ngữ Okinawa, "Utaki - 御嶽" là từ dùng để chỉ những vùng đất linh thiêng. Theo đó, vào triều đại Ryukyu, nơi được xem là linh thiêng và tập trung nhiều sức mạnh nhất trên đảo chính là Seifa Utaki (斎場御嶽). Tương truyền, Seifa Utaki là nơi mà nhà vua trong lúc hành hương đến đảo Kudaka đã ghé qua. Ngoài ra, trên hòn đảo này còn có nhiều địa điểm linh thiêng khác như Uganju (拝所), Ton (殿) hay Ka (井). Trong đó, khu vực có tên gọi Kubo Utaki (クボー 御嶽) nằm ở trung tâm đảo là vùng thánh địa đầu tiên của Kudaka, cũng là khu vực cấm nam giới bước chân vào.
Ngoài ra, mũi Caber nằm ở phía Bắc của hòn đảo cũng được cho là nơi chôn cất vị thần tổ tiên Amamikiyo và là Thánh địa, nơi thần biển giáng thế dưới hình dạng của một con ngựa trắng.
Những nghi lễ của hòn đảo Kudaka
Theo hệ thống tổ chức Noro (祝女) được lập ra từ thời Ryukyu, nghi lễ Izaiho (イザイホー) được tổ chức mỗi 12 năm, trong vòng 6 ngày kể từ ngày 15/11 âm lịch tại thành phố Nanjo. Lễ Izaiho là một nghi thức để những người phụ nữ ở độ tuổi từ 30 đến 41 sinh sống trên đảo trở thành vu nữ (miko). Sau nghi lễ này, họ sẽ chính thức trở thành người phụ nữ hoàn hảo được trao sức mạnh của thần linh để bảo vệ gia đình. Tuy nhiên kể từ năm 1990, nghi lễ này đã không còn được tổ chức do thiếu người kế tục.
Ngoài ra, vào đầu năm, tại hòn đảo Kudaka còn có nghi lễ nhặt 3 viên đá ở bãi biển Ishiki và đặt ở nhà như một vật bảo vệ cho những cậu bé. Đến cuối năm, những viên đá này sẽ được trả về bãi biển.
Trên hòn đảo Kudaka tồn tại nhiều nghi lễ liên quan đến nguồn gốc của ngũ cốc, chẳng hạn như lễ hội Muginoho (麦の穂祭り) từng được tổ chức vào thời Ryukyu vẫn còn được duy trì hàng năm.
Những lưu ý khi đến hòn đảo Kudaka
Nếu có cơ hội đặt chân đến nơi đây, có thể bạn sẽ cảm thấy có chút không thiếu tự do vì có quá nhiều quy tắc nghiêm ngặt về việc cấm mang đồ ra khỏi đảo. Hãy chỉ dừng lại ở việc chạm vào các loại động thực vật, đá và cát biển, các mảnh san hô, bởi vì người dân trên đảo tin rằng, mọi vật đều do thần linh tạo ra, và vì thần linh sống trong bên trong chúng nên bạn không được phép đem chúng rời đảo. Bên cạnh đó, có một số nơi trong các khu vực thiêng (Utaki) hay Uganju cũng bị cấm ra vào. Khác với những khu du lịch thông thường, bạn cũng cần lưu ý hạn chế việc mặc áo tắm đi ra ngoài.
Ngoài ra, việc giữ gìn Thánh địa Utaki linh thiêng, các di tích lịch sử còn sót lại và tôn trọng cuộc sống của người dân trên đảo là điều rất quan trọng. "Nhập gia tùy tục", chỉ có như vậy chúng ta mới có thể trải qua những khoảng thời gian tuyệt đẹp với thiên nhiên nơi đây. Nếu bạn từng có dịp ghé qua nơi đây thì hãy chia sẻ với Kilala nhé!
kilala.vn