Khám phá Wajima, thành phố biển bình yên với văn hóa độc đáo

Bài: Happy
Dec 21, 2022

Nguồn: Tokyo Weekender

Những làng chài hiền hòa cùng những nét văn hóa độc đáo ẩn mình ở vùng đất mộc mạc Wajima của Bán đảo Noto.

Wajima, một “Hometown Cha Cha Cha” trên Bán đảo Noto

Nằm về phía Tây Bắc của Bán đảo Noto, thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa là một vùng đất mộc mạc với những làng chài cùng những con đường sỏi đá dọc theo bờ biển.

wajima
Ảnh: ResearchGate

Không chỉ vậy, ở Wajima còn có một khu chợ trên 1.000 năm lịch sử, nơi người địa phương bày bán các sản vật của quê hương mình như hải sản tươi sống, hải sản khô, đồ thủ công mỹ nghệ... Tất cả những điều đó tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi mát, bình yên tựa như một “Hometown Cha Cha Cha” đời thực có thể “chữa lành” cho những ai tìm về. 

wajima morning market
Khu chợ ở Wajima bày bán các sản vật địa phương. Ảnh: japan-guide.com

Mặc dù chỉ có khoảng 30.000 cư dân sinh sống nhưng đây được xem là một trong những thị trấn lớn nhất trong khu vực. Dân cư thưa thớt, sự cô lập về địa lý khiến nhiều người nghĩ rằng Wajima là một vùng quê hẻo lánh.

Trên thực tế, trong nhiều thế kỷ, làng chài đẹp như tranh vẽ này là trung tâm của một trong những giáo phái tôn giáo lớn nhất của xứ sở Phù Tang, trung tâm thương mại hàng hải lớn và là “cái nôi” sản xuất đồ sơn mài nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà cả trên toàn thế giới.

Trung tâm của nghề sơn mài trên bán đảo Noto

Nghề thủ công sơn mài chính là một trong những điểm đặc biệt thu hút của thành phố Wajima. Người ta không biết chính xác thời gian đồ sơn mài bắt đầu được sản xuất ở đây, nhưng có những dấu vết còn sót lại từ những năm 1400. 

Số lượng lớn cây du, cây bách để làm gỗ và cây sơn (hay còn gọi là cây urushi) để lấy nhựa làm sơn mài là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nghề thủ công sơn mài của Wajima. Vào thế kỷ 20, khi nhiều nơi sản xuất sơn mài ở Nhật Bản chuyển sang sử dụng nhựa tổng hợp do khan hiếm nguyên liệu trong thời chiến, Wajima vẫn tiếp tục tạo ra đồ sơn mài theo cách truyền thống.

đồ sơn mài wajima
Đồ sơn mài Wajima được chế tác tinh xảo. Ảnh: Tokyo Weekender

Sản xuất đồ sơn mài ở Wajima là quá tình tốn thời gian và công sức do đòi hỏi nhiều công đoạn chế tác. Thành phẩm là những sản phẩm có độ tinh xảo cao, và đặc biệt nổi bật bởi độ bền. 

Xem thêm: Xem phim Mare, ngẫm về sơn mài Wajima

Sự phổ biến của đồ sơn mài Wajima gắn liền với lịch sử của ngôi Chùa Soji linh thiêng nằm cách thành phố khoảng 20 phút về phía tây nam. Được thành lập vào năm 1321, trong nhiều thế kỷ, chùa Soji được biết đến với tư cách là ngôi chùa đứng đầu phái Soto (Tào Động tông),  một tông phái có ảnh hưởng của Thiền tông với khoảng 15.000 ngôi chùa trên toàn quốc.

chùa soji
Chùa Soji. Ảnh: Tokyo Weekender

Soji cũng là một trung tâm quan trọng của công tác đào tạo và truyền giáo. Do đó, các tăng lữ từ khắp đất nước đã đổ về Noto, và nhiều người trong số họ trở nên say mê những đồ trang trí bàn thờ bằng sơn mài tuyệt đẹp của chùa, rồi mang câu chuyện của những món đồ thủ công mỹ nghề này về quê hương họ. 

Sau khi tiếng tăm về vẻ đẹp và độ bền của đồ sơn mài Wajima đã được khẳng định trên khắp Nhật Bản, nhu cầu về sản phẩm đã được đáp ứng thông qua “北前船 – kitamaebune” , một mạng lưới các tàu buôn nhỏ, độc lập đi từ Hokkaido đến Kyushu trên Biển Đông, bờ biển Nhật Bản và xung quanh quần đảo đến Osaka và Kyoto. 

Từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, họ mua và bán hàng hóa địa phương trong khi di chuyển từ cảng này sang cảng khác, bao gồm cả Wajima. Bằng cách này, đồ sơn mài Wajima đã tìm được đường đến Kyoto, Tokyo và nhiều nơi khác, mang đến vẻ đẹp của sự giản đơn, bổ sung hoàn hảo cho sự biến chuyển theo mùa đầy tinh tế của ẩm thực Nhật Bản. 

Lễ hội đèn lồng Kiriko ở Wajima

Đồ sơn mài Wajima cũng là một phần của sản phẩm thủ công độc đáo khác tại địa phương - đèn lồng Kiriko, được sử dụng trong lễ hội mùa hè từ tháng 7 đến tháng 10. Mỗi thị trấn trên Bán đảo Noto đều có lễ hội Kiriko của riêng mình. Mặc dù mỗi nơi đều có truyền thống riêng, nhưng họ cạnh tranh với nhau về quy mô và sự náo nhiệt. 

Lễ hội mùa hè được tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn tới các vị thần đã ban cho mùa màng bội thu và đánh bắt được nhiều tôm cá, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng. 

đèn lồng kiriko
Ảnh: Tokyo Weekender

Vào những ngày lễ hội, người dân địa phương mời người thân và bạn bè đến nhà để thưởng thức đồ ăn tự làm và uống rượu Sake, tiếp nối truyền thống hiếu khách và gắn kết đã có từ nhiều thế hệ. Khách du lịch cũng được chào đón ở lễ hội, nhưng nếu đến vào những thời điểm khác trong năm, du khách vẫn có thể tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Wajima Kiriko để cảm nhận được bầu không khí của lễ hội đèn Kiriko.

Địa chỉ Bảo tàng Mỹ thuật Wajima Kiriko: 6-1 Marine Town, thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa

Vẻ đẹp của ruộng bậc thang

Phía Bắc của Thành phố Wajima là Shiroyone Senmaida, cánh đồng ruộng bậc thang với phương pháp canh tác độc đáo đã được UNESCO công nhận là di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu.

ruộng bậc thang
Cánh đồng ruộng bậc thang Shiroyone Senmaida. Ảnh:  ishikawatravel.jp

Hơn một ngàn cánh đồng lúa nhỏ được canh tác trên một sườn dốc ven biển, mỗi bậc ruộng hẹp và dài không quá vài mét. Kích thước nhỏ và địa hình hiểm trở ở đây khiến nó khó có thể sử dụng máy móc nông nghiệp và mỗi bông lúa phải được gieo lẫn thu hoạch bằng tay.

Quá trình lao động vất vả này hiện được thực hiện bởi những người nông dân và tình nguyện viên địa phương để bảo tồn nền văn hóa độc đáo của Wajima. Đặc biệt vào cuối mùa xuân, khi những cánh đồng ngập nước phản chiếu ánh hoàng hôn như hàng ngàn tấm gương, Shiroyone Senmaida đẹp đến nghẹt thở. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU