Khám phá những hòn đảo nghệ thuật cuốn hút của Nhật Bản

Bài: RinDec 14, 2022

Khi xã hội thay đổi, những hòn đảo tại Nhật từng một thời là cảng quân sự hoặc giao thương dần rơi vào lãng quên, thưa thớt dân cư. Để hồi sinh lại những nơi này, nghệ thuật đã trở thành “cứu cánh”. 

Các hòn đảo nghệ thuật tại Nhật Bản được thiết kế để thu hút người trẻ và những ai yêu thích sáng tạo, đồng thời giúp giảm tỉ lệ tội phạm. Những tòa nhà cũ trở thành phòng triển lãm nghệ thuật đương đại, hay xuất hiện hàng loạt tác phẩm nghệ thuật ngoài trời cuốn hút mà quả bí ngô ở đảo Naoshima là một ví dụ điển hình.

Nhưng không chỉ có Naoshima, dưới đây là những hòn đảo nghệ thuật không hề kém cạnh về độ thu hút!
tác phẩm quả bí ngô ở đảo Naoshima
Tác phẩm quả bí ngô của "nữ hoàng chấm bi" Yayoi Kusama. Ảnh: neverendingvoyage.com

Đảo Momoshima: Khi tòa nhà hoang trở thành điểm đến nghệ thuật 

Được mệnh danh là viên ngọc bí ẩn trong số các hòn đảo nghệ thuật ở Nhật, đảo Momoshima thuộc thành phố Onomichi, tỉnh Hiroshima đã chứng kiến dân cư giảm hơn 80% kể từ Thế chiến thứ hai, kéo theo nhiều tòa nhà bị bỏ hoang. Tuy nhiên, gần đây, các tòa nhà từng bị lãng quên đã được khoác lên mình diện mạo mới. 

Nổi bật trong số đó là Art Base, từ một ngôi trường cũ đã được thiết kế lại thành phòng trưng bày nghệ thuật. Phòng thể dục của trường nổi bật với tác phẩm “Red, White and Blue – Wandering Mickey” của nghệ sĩ Yukinori Yanagi với 500 thùng đựng dầu được sơn màu sắc sặc sỡ, xếp chồng lên tạo thành các bức tường. 

tác phẩm Wandering Mickey
Tác phẩm "Wandering Mickey" của nghệ sĩ Yukinori Yanagi. Ảnh: tokyoweekender.com

Tác phẩm gốc đến từ dự án nghệ thuật chữa lành của Yanagi tại Đại học Yale, Hoa Kỳ. Ở trung tâm của tác phẩm là hình ảnh một chiếc ô tô chạy không ngừng bên trong chiếc bánh xe “khổng lồ” của chuột hamster, xung quanh là các thùng dầu, biểu trưng cho văn hóa tiêu dùng nhanh của Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có các triển lãm cố định của Noriyuki Haraguchi và Kana Yoshida tại Art Base. 

tác phẩm từ muối của nghệ sĩ Motoi Yamamto
Tác phẩm từ muối của nghệ sĩ Motoi Yamamato được trưng bày tại Otsu1731-Goemon House. Ảnh: artbasemomoshima.jp

Nisshokan – nhà hát ở thập niên 60 biến thành điểm trưng bày nghệ thuật và trình chiếu các bộ phim lẻ, hay Otsu1731-Goemon House, ngôi nhà từ thời Showa được tái sử dụng làm phòng trưng bày nghệ thuật và nhà khách là những điểm đến thu hút không kém ở Momoshima. 

Đảo Megijima: Nghệ thuật trong không khí văn hóa dân gian

Gắn liền với truyện cổ tích cậu bé quả đào Momotaro, đảo Megijima, thành phố Takamatsu, tỉnh Kagawa còn được gọi là “鬼ヶ島 – Onigashima – Đảo quỷ”. Hòn đảo nhỏ này bề rộng chỉ 4km và mất khoảng 20 phút di chuyển đến đây bằng phà từ cảng Takamatsu, tỉnh Kagawa. 

triển lãm ngư cụ bằng thủy tinh
Triển lãm đèn chùm từ cần câu cá bằng thủy tinh ở đảo Megijima. Ảnh: setouchi-artfest.jp

Ngoài những bãi biển đẹp, Megijima còn có các hang động quỷ xuất phát từ truyền thuyết dân gian về người anh hùng Momotaro đã chiến đấu với nhiều loại yêu quái khác nhau trên đảo. 

tác phẩm chim hải âu tại cảng Megijima
Tác phẩm những chú mòng biển xếp hàng ở cảng Megijima. Ảnh: setouchitrip.com

Megijima cũng là một trong những điểm trưng bày của triển lãm nghệ thuật Setouchi Triennale. Đặc biệt, Megi House thuộc Đại học Nghệ thuật Aichi cũng thường xuyên tổ chức triển lãm và các buổi biểu diễn do sinh viên thực hiện. Nhiều tác phẩm nghệ thuật được trưng bày quanh đảo có thể kể đến như những chú mòng biển xếp hàng dài dọc theo bờ biển, nghệ thuật cây bonsai và còn có một nhà hát nhỏ. 

Đảo Sakushima: Hòn đảo của nghệ thuật sắp đặt 

Là một hòn đảo nhỏ nằm ở vịnh Mikawa, ngoài khơi tỉnh Aichi, Sakushima được gọi với biệt danh là “hòn đảo của nghệ thuật” bởi nơi đây có khá nhiều tác phẩm nằm rải rác. Hiện tại, có khoảng 22 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày thường xuyên ở Sakushima. 

tác phẩm Hirune House
Tác phẩm “Hirune House” tại đảo Sakushima. Ảnh: nagoyaisnotboring.com

Nổi lên nhờ xuất hiện trong phim “Thám tử lừng danh Conan”, tác phẩm “Hirune House” được thiết kế bởi họa sĩ Yuki Minamikawa vào năm 2004. Đây là một khối kiến trúc dạng hộp được sơn đen với 9 ô cửa sổ cùng hai chiếc thang.

tác phẩm East House
Tác phẩm "East House". Ảnh: nagoyaisnotboring.com

Với những ai đam mê chụp ảnh “sống ảo”, tác phẩm “East House” cũng được thiết kế bởi Minamikawa vào năm 2010 là nơi nhất-định-phải-đến. Toàn bộ tác phẩm được sơn màu trắng tinh khôi và cũng có dạng hộp với 4 khung cửa sổ cùng cầu thang để leo lên như “Hirune House”, nhưng còn được bố trí thêm những bậc thang dẫn đến bầu trời.  

tác phẩm North Ribbons
Tác phẩm “North Ribbons”. Ảnh: nishiokanko.com

Đài quan sát “North Ribbons” nằm tại điểm giao nhau giữa rừng và biển, giống như một chiếc nơ thắt chặt biển, đại dương và bầu trời lại với nhau. Vào những ngày đông trời nắng ấm, nếu may mắn, từ đây, du khách có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ. 

Đảo Awashima: Cá voi và bưu điện 

Nằm ở thành phố Mitoyo, tỉnh Kagawa, đảo Awashima từ lâu đã trở thành nơi trưng bày nghệ thuật quen thuộc với nhiều nghệ sĩ. Trong số nhiều tác phẩm, “Missing Post Office”, tạm dịch “Bưu điện lãng quên” là thu hút du khách ghé thăm hơn cả. 

bưu điện Missing Post Office
Bưu điện "Missing Post Office" thú vị ở đảo Awashima. Ảnh: tokyoweekender.com

Được sáng tạo bởi nghệ sĩ Saya Kubota trong khuôn khổ Lễ hội nghệ thuật quốc tế Setouchi vào năm 2013, Missing Post Office ban đầu là văn phòng bưu điện bằng gỗ bị bỏ hoang nay đã trở thành phòng trưng bày độc đáo của những lá thư không người nhận.  

Có khoảng 100 thùng thư được nối với trần nhà bằng vô số dây đàn piano, lơ lửng giữa không trung và được thiết kế để tạo ra âm thanh sóng biển khi chuyển động. Ở bưu điện kỳ lạ này, địa chỉ người nhận là người đã khuất, con cái trong tương lai, mối tình đầu mà người viết không bao giờ có thể trực tiếp bày tỏ, thậm chí là chính mình, hay những món đồ yêu thích gắn bó lâu dài. Trong đó, thư gửi cho người thân quá cố đặc biệt phổ biến. 

tác phẩm cá voi của Maki Ohkojima
Tác phẩm cá voi khổng lồ của Maki Ohkojima. Ảnh: ohkojima.com

Trên đảo Awashima, tượng sáu chú cá voi khổng lồ của nghệ sĩ Maki Ohkojima, người từng là cư dân ở đảo, được đặt tại làng nghệ sĩ Awashima cùng các bức tranh tường khổ lớn của Ấn Độ gây ấn tượng không kém. 

Làng nghệ sĩ Awashima cũng thường tổ chức nhiều triển lãm mới mẻ và thú vị như tấm lưới  màu xanh được thiết kế bởi học sinh trường trung học Zentsuji Daiichi. Một số tác phẩm nghệ thuật khác được sáng tạo bởi chính cư dân trên đảo, chẳng hạn như vườn Buoy Buoy với hàng trăm chiếc phao được vẽ tay. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU