Những món đồ thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản vốn nổi tiếng về độ tinh xảo, hoàn mỹ và độc đáo, giúp truyền tải linh hồn và nét đẹp văn hóa xứ Phù Tang đến với bạn bè thế giới. Lần này, hãy cùng Kilala ghé thăm vùng đất Tokai và tìm hiểu những nghề thủ công truyền thống tiêu biểu cho nơi đây.
Vùng Tokai (東海地方, Tokai-chiho) nằm ở trung tâm của đảo Honshu, hướng ra phía Thái Bình Dương và bao gồm 4 tỉnh là Shizuoka, Aichi,
Gifu, Mie. Tên gọi của vùng xuất phát từ Tokaido (東海道), một trong năm tuyến đường quan trọng nối liền Kyoto và thủ phủ Edo thời xưa. Điều kiện khí hậu thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, lại có hoạt động giao thương nhộn nhịp, đây đều là những điều kiện thuận lợi để vùng Tokai phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống.
Tỉnh Shizuoka - Đồ mỹ nghệ tre Suruga Take Sensuji Zaiku
Suruga Take Sensuji Zaiku (駿河竹千筋細工) là tên gọi của loại sản phẩm thủ công từ tre ở Shizuoka. Nghề làm đồ tre đã xuất hiện tại tỉnh Suruga (Shizuoka ngày nay) từ đầu thời Edo
(1603-1868), khi các chiến binh xem đây là một công việc phụ trong thời bình.
Vào năm 1840, người hầu của lãnh chúa
Okazaki tên là Ichiga Suganuma, người có tay nghề cao trong nghệ thuật đan lát đồ
tre, đã truyền lại kỹ thuật của mình cho Shimizu Inobei, con trai chủ một nhà trọ tại Suruga khi ghé qua vùng đất này.
Ứng dụng và phát triển kỹ thuật đó, Shimizu đã sản xuất những chiếc bát đựng kẹo và lồng côn
trùng để bán cho những du khách trên tuyến đường Tokaido, tạo cơ sở cho sản phẩm Suruga Take Sensuji Zaiku mà ta được thấy ngày nay.
Bằng cách uốn hàng nghìn thanh tre tròn nhỏ có đường kính khoảng 0,8mm (gọi là Take Sensuji) thành vòng rồi ghép lại với nhau, người thợ thủ công có thể tạo ra nhiều vật dụng đa dạng, từ lọ hoa, khay, đế lót ly đến lồng côn trùng...
Giống tre được sử dụng cho nghề thủ công này chủ yếu là tre Nhật và
trúc moso mọc ở khu vực thượng nguồn sông Abe, tỉnh Shizuoka từ thời cổ
đại. Mỗi sản phẩm làm ra sẽ trải qua bốn bước chính: tạo dải tre, làm vòng,
đan và lắp ráp.
Thành phẩm mang những đặc điểm nổi bật của tre: màu sắc, độ bóng, dẻo cùng sự tinh tế được tạo nên từ đôi tay khéo léo của các nghệ nhân lành nghề, thành quả là một món đồ sang trọng và hấp dẫn về mặt thị giác.
Tỉnh Aichi - Đồ gốm Tokoname Ware
Gốm Tokoname Ware (常滑焼) ra đời và phát triển tại thành phố Tokoname thuộc tỉnh Aichi, là loại gốm phổ biến nhất trong 6 trường phái gốm lâu đời ở Nhật Bản: Seto, Shigaraki, Echizen, Tanba, Tokoname và Bizen. Đồ gốm Tokoname có màu đỏ nâu hấp dẫn được tạo ra từ loại đất sét giàu ô xít sắt và càng bóng đẹp hơn khi sử dụng lâu.
Vào những năm 1100, người ta nói
rằng có hơn 3.000 lò nung ở bán đảo Chita với trung tâm là thành phố
Tokoname. Các lò nung lỗ gọi là Anagama (穴窯) được đào dọc theo khắp các
sườn đồi trên bán đảo.
Sản phẩm gốm của nghệ nhân vùng Tokoname vô cùng đa dạng, từ bát,
đĩa, niêu, chum gạo… và trên thực tế là bất cứ thứ gì khác mà bạn có
thể tưởng tượng ra. Những mặt hàng này sau đó đã được vận chuyển và buôn bán trên khắp nước Nhật, giúp gốm Tokoname trở nên nổi tiếng và phổ biến với người dân xứ anh đào.
Vào thế kỷ 19, từ một ngành thủ công mỹ nghệ, gốm Tokoname mở rộng sang sản xuất ống gốm công
nghiệp. Đến cuối thế kỷ 19, thời điểm của cuộc Cách mạng Công nghiệp, quy trình sản xuất được thay đổi với sự xuất hiện của máy móc hiện đại có thể sản xuất hàng loạt, từ đó phát triển thêm các dòng sản phẩm thương mại
mới như chai rượu sake, ngói lợp và thiết bị vệ sinh bằng sứ.
Không chỉ nổi tiếng với đồ gốm gia dụng mà còn được sử dụng làm vật liệu xây dựng, gốm Aichi trở nên độc đáo hơn so với các thương hiệu gốm truyền thống khác. Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất gạch ốp lát nổi tiếng ngày nay cũng có nguồn gốc từ Tokoname.
Một sản phẩm tiêu biểu khi nhắc về gốm Tokoname là chiếc ấm trà. Bề mặt của ấm có đặc điểm nhẵn và thường có màu đỏ. Mặc dù đây là màu nguyên bản và tiêu chuẩn, cũng có nhiều màu sắc khác như đen, xanh lá cây,
nâu, vàng...
Sản phẩm được nung theo cách truyền thống mà không cần tráng
men; tuy nhiên, kỹ thuật tráng men và nhiều kỹ thuật nung khác đã được
giới thiệu gần đây bởi các nghệ nhân trẻ trong vùng. Qua đó, họ mong muốn thiết kế một
phong cách gốm đương đại để phù hợp với lối sống mới, mang hơi thở hiện đại hòa vào những sản phẩm truyền thống.
Giá cho một ấm trà Tokoname cơ bản là khoảng 2.000 yên (hơn 400.000 VND), khá phải chăng cho một sản phẩm chất lượng cao.
Tỉnh Gifu - Giấy Mino Washi
Mino Washi (美濃和紙) là loại giấy Washi truyền thống có nguồn gốc tại tỉnh Gifu. Cùng với Echizen Washi ở tỉnh Fukui và Tosa Washi ở tỉnh Kochi, nó là một trong "Ba loại giấy của Nhật Bản" (日本三大和紙 - Nihon Sandai Washi). Mino Washi đặc biệt nổi tiếng với màu trắng tinh khiết và khả năng thể hiện ánh sáng tinh tế, đồng thời vẫn giữ được độ dai và bền của giấy.
Không có thông tin chính xác về nguồn gốc ra đời của Mino Washi, nhưng người ta tin rằng nó đã xuất hiện ít nhất khoảng 1.300 năm trước, vì có tài liệu cho rằng loại giấy này đã được sử dụng làm giấy đăng ký hộ tịch vào thời Nara (710-794).
Nguyên liệu làm ra giấy Washi bao gồm vỏ cây Gampi, Kozo và Mitsumata cùng nguồn nước tự nhiên có chất lượng cao. Nhờ sự phong phú của thiên nhiên cùng nguồn nước sạch từ sông Nagara và sông Itadori gần đó, lại nằm gần trung tâm chính trị Edo, tỉnh Mino (khu vực phía Nam Gifu hiện nay) có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển nghề làm giấy.
Sự khéo léo của người dân địa phương, những người đã và đang nỗ lực bảo tồn môi trường tự nhiên cùng truyền thống lâu đời đã cho phép ngành sản xuất giấy Mino Washi duy trì và phát triển trong hơn một thiên niên kỷ.
Hiện tại, Mino Washi được phân thành ba loại tùy thuộc vào khu vực sản xuất, nguyên liệu và phương pháp sản xuất: Hon Minoshi, Mino Washi thủ công và Mino Washi làm bằng máy. Hon Minoshi là loại giấy có chất lượng cao nhất và phương pháp sản xuất ra loại giấy này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể vào năm 2014.
Theo truyền thống, giấy Mino Washi được sử dụng cho cửa trượt Shoji trong các ngôi đền ở Kyoto, và cho các ngành chế tác thủ công ở Gifu như quạt giấy Uchiwa, ô giấy Wagasa và đáng chú ý nhất là đèn lồng giấy Chochin. Ngoài những ứng dụng trên, ngày nay giấy Washi còn được dùng để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật hay làm danh thiếp và thậm chí cả quần áo.
Tỉnh Mie - Dây bện Iga Kumihimo
Dây bện Iga, được gọi là Iga Kumihimo (伊賀くみひも) trong tiếng Nhật, là một sản phẩm thủ công truyền thống được sản xuất tại tỉnh Mie. Loại dây bện này chủ yếu sử dụng chỉ tơ tằm, kết hợp với chỉ vàng và bạc. Những sợi chỉ được nhuộm nhiều màu sắc rực rỡ, nổi bật, qua tay nghề khéo léo của các thợ thủ công để trở thành dải dây bện tinh xảo và bắt mắt.
Iga Kumihimo tạo cảm giác vô cùng khác biệt khi chạm vào vì được bện hoàn toàn thủ công, đồng thời có độ bóng đẹp từ chất liệu tơ tằm và chỉ vàng, bạc.
Nghề thủ công này có nguồn gốc từ xa xưa, có lẽ từ trước thời đại Nara (710-794). Trong thời đại Heian (794-1185), những sợi dây bện này được dùng để buộc các cuộn giấy, đồng thời gắn liền với các vật dụng liên quan tới Phật giáo, Thần đạo.
Với sự phát triển vượt bậc của tầng lớp chiến binh, Iga Kumihimo đã được sản xuất để sử dụng cho áo giáp và kiếm.
Khi việc mang kiếm chính thức bị cấm và xã hội không còn dựa trên tầng lớp Samurai nữa, kỹ thuật bện lâu đời này cũng không hề biến mất mà vẫn gắn liền với đời sống khi trở thành phụ kiện cho các trang phục truyền thống trang trọng, chẳng hạn để cột Obi của Kimono hoặc áo Haori của nam giới.
Chủ yếu có ba kiểu bện khác nhau là bện tròn, bện vuông và bện dẹt, mỗi loại sẽ sử dụng giá bện tương ứng. Tuy nhiên, số lượng nghệ nhân lành nghề và các cửa hàng bán dây bện Iga Kumihimo hiện nay đã giảm xuống, máy bện được sử dụng cho quá trình bện và có thể sản xuất hàng loạt khiến dây bện bằng tay trở nên khá hiếm trên thị trường. Mặc dù vậy, Iga Kumihimo từng chiếm tới 90% thị phần sản xuất dây bện thủ công ở Nhật Bản.
kilala.vn