Hashima: Hòn đảo hoang tàn từng là một trong những nơi đông dân nhất thế giới
Bài: Natsume
Oct 28, 2022
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Jordy Meow
Trong thời kỳ hoàng kim của mình, đảo Hashima với nỗ lực thu hút người lao động đã trở thành quê hương của những thứ xa xỉ chưa từng có ở các vùng khác của Nhật Bản. Tuy nhiên giờ đây tất cả chỉ còn lại kí ức.
Gunkanjima – 軍艦島 hay đảo Hashima/ Thiết giáp hạm là một hòn đảo nhỏ bị bỏ hoang ngoài khơi Nagasaki. Ban đầu chỉ là một gò đất nhỏ nhô ra biển, nhưng nhanh chóng biến thành một thành phố thu nhỏ thịnh vượng sau khi than đá được phát hiện vào cuối những năm 1800.
Đảo Hashima đã hỗ trợ cuộc cách mạng công nghiệp của Nhật Bản suốt từ đầu đến giữa những năm 1900 khi than lần đầu tiên được phát hiện trên đảo vào khoảng năm 1810.
Mitsubishi Goshi Kaisha đã mua hòn đảo này vào năm 1890 và bắt đầu khai thác than từ các mỏ dưới biển, trong khi đê chắn biển và quá trình khai hoang lấn biển được tiến hành xây dựng. Và khi sản xuất than mở rộng, hòn đảo cũng vậy.
Từ năm 1893 - 1931, Hashima đã trải qua 6 lần mở rộng khác nhau do con người tạo ra, dẫn đến hình dạng siêu thực như hiện tại, đã trở thành một địa điểm mê hoặc các nhà thám hiểm, nhà làm phim, nhiếp ảnh gia như: chương trình Life After People của History Channel; tập thứ tư của loạt phim tài liệu What on Earth của Science Channel; xuất hiện trong quảng cáo máy quay của Sony; Google đã gửi một nhân viên đến hòn đảo với ba lô Street View để nắm bắt tình trạng của nó ở chế độ xem toàn cảnh 360 độ và cho phép người dùng đi bộ ảo trên đảo; hình ảnh của đảo được dùng cho phim Skyllfall (2012); live-action Attack on Titan; phim kinh dị Thái Lan Hashima Project;...
Công việc khai thác than trên đảo rất rủi ro, nhưng đi kèm với mức lương cao nên mọi người đổ xô đến đó với gia đình của họ. Có thời điểm trên hòn đảo, với chu vi chỉ 1,2 km, là nơi sinh sống của 5.300 người, khiến nó trở thành thành phố đông dân nhất trên thế giới.
Trong thời kỳ hoàng kim của mình, Gunkanjima, với nỗ lực thu hút người lao động, đã trở thành nơi sở hữu những thứ xa xỉ chưa từng có ở các vùng khác của Nhật Bản. Những ngôi nhà tại đây cũng được xây dựng bằng kỹ thuật hiện đại nhất thời bấy giờ. Các căn hộ nhiều tầng được làm từ bê tông cốt thép và được xây dựng vào khoảng thời gian khi công nghệ này lần đầu tiên được công nhận trên toàn thế giới.
Tại Gunkanjima thậm chí còn có nơi được cho là trang trại trên sân thượng đầu tiên của Nhật Bản. Mặc dù hòn đảo có giao hàng trái cây và rau quả hàng ngày, nhưng cư dân tin rằng nông nghiệp là một phần quan trọng của giáo dục và họ đã tạo ra trang trại trên sân thượng để dạy con cái cách làm nông nghiệp.
Và tất nhiên thành phố thu nhỏ với số dân lớn cũng có tất cả các tiện ích hiện đại khác: trường học, bệnh viện, nhà tắm công cộng, đền thờ và sân chơi trên sân thượng của riêng họ. Không thể thiếu các trò giải trí: rạp chiếu phim, hồ bơi, quán bar và tiệm Pachinko. Vào thời điểm đồ điện tử chỉ dành cho những người rất giàu có, nhưng mọi nhà ở đây đều có tủ lạnh, tivi và máy giặt.
Nhưng thời kỳ hoàng kim của người dân nơi đây kết thúc khi dầu thô thay thế than đá, Gunkanjima đã thu hẹp lại nhanh chóng. Các hoạt động chính thức ngừng vào năm 1974 và những cư dân cuối cùng rời đảo vào 01/1974. Trong gần 50 năm, hòn đảo này đã dần xuống cấp. Ngày nay, nó là một thị trấn ma nhưng những tàn tích còn sót lại đủ để vẽ nên bức tranh về nơi chắc chắn phải là một trong những nơi độc đáo nhất của Nhật Bản.
Mặc dù hòn đảo có cung cấp các tour du lịch, được mở cửa trở lại vào ngày 22/04/2009, sau 35 năm đóng cửa, nhưng hơn 90% diện tích đất không được đi vào do nguy cơ sụp đổ. Ngày nay, hòn đảo này đã được quản lý như là một phần của thành phố Nagasaki kể từ khi sáp nhập với thị trấn cũ Takashima vào năm 2005.
Trong quá trình xét duyệt của UNESCO, việc này đã vấp phải sự phản đối của Hàn Quốc vì khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, các thường dân nhập ngũ của Hàn Quốc và tù nhân chiến tranh Trung Quốc bị buộc phải làm việc trong điều kiện rất khắc nghiệt và đối xử tàn bạo.
Nhưng Nhật Bản đã thừa nhận vấn đề này như một phần của lịch sử đảo, đặc biệt lưu ý rằng "có một số lượng lớn người Hàn Quốc và những người khác làm việc trong điều kiện khắc nghiệt vào những năm 1940 tại một số địa điểm bao gồm đảo Hashima". Điều này khiến Hàn Quốc đồng ý rút đơn phản đối.
Hòn đảo đã được chính thức công nhận là Di sản thế giới của UNESCO vào tháng 07/2015, là một phần của "Các địa điểm của Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản: Sắt thép, Đóng tàu và Khai mỏ".
Xem thêm: Tsushima: Hòn đảo bí ẩn, nổi tiếng qua tựa game Ghost of Tsushima
kilala.vn