Hành trình Nhật Bản có được Sân vận động quốc gia mới

Bài: Aki Kanou
Apr 8, 2020

Ảnh bìa: PIXTA

Được xây dựng trên khu vực sân vận động cũ, sân vận động Quốc gia mới của Nhật Bản sẽ là nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện thể thao quy mô lớn. Đây cũng là nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc của Olympic Tokyo 2020.

Kiến trúc sân vận động mới

Vào tháng 2/2012, chính quyền Tokyo chính thức xác nhận dự án phá bỏ sân vận động cũ để xây dựng sân vận động mới. Đến tháng 11/2012, những phác thảo đầu tiên về sân vận động mới xuất hiện trong bản thiết kế của kiến trúc sư Zaha Hadid. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thiết kế như thế quá áp đặt lên cảnh quan Tokyo, hơn nữa là việc tăng chi phí ước tính đến khoảng 300 tỷ yên. Thiết kế của Hadid nếu được thực hiện sẽ quá tốn kém và sẽ lấn vào khu vườn của đền Meiji.

Sân vận động Quốc gia mới theo bản thiết kế của KTS Zaha Hadid

Sân vận động Quốc gia mới theo bản thiết kế của KTS Zaha Hadid (ảnh: archdaily / arch2o.com).

Vì vậy, vào khoảng cuối 2015, chính phủ Nhật Bản đã quyết định không dùng thiết kế này mà yêu cầu các nhà thiết kế hợp tác với nhà thầu địa phương để có thể ước tính chi phí và thời gian xây dựng. Cuối cùng, quá trình thiết kế và xây sân vận động mới là do sự hợp tác của văn phòng kiến ​​trúc sư Nhật Bản Kengo Kuma, công ty xây dựng Taisei Corp và công ty thiết kế Azusa Sekkei Co. Về kiểu dáng, Sân vận động Olympic quốc gia được thiết kế với mặt tiền phủ thực vật, duy trì sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên của khu vực lân cận.

Kiến trúc sư Kengo Kuma
Kiến trúc sư Kengo Kuma (ảnh: christiesrealestate.com).

Với thiết kế mới, thay vì chọn mái che có thể thu vào; mái nhà cố định sẽ được xây trên khu vực ghế khán giả. Mái hiên của mái che làm từ gỗ, được thu thập từ 47 quận của Nhật Bản. Ngoài ra, một phần của thiết kế gồm bảo tàng thể thao và đường bộ treo (sky walkway) đã bị loại bỏ. Các phòng chờ và ghế VIP, các bãi đỗ xe dưới lòng đất đều được giảm số lượng. Những cắt giảm này khiến tổng diện tích sân vận động mới giảm đi 198.500 m2, nhỏ hơn 13% so với dự kiến ​​ban đầu. Theo yêu cầu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, điều hòa không khí cho sân vận động cũng sẽ không được lắp đặt. Bộ trưởng Olympic - ông Toshiaki Endo cho biết: "Trên thế giới, chỉ có 2 sân vận động được lắp đặt điều hòa không khí. Và lắp điều hòa chỉ có thể làm mát từ 2 - 3°C mà thôi".

Những cột mốc chủ yếu

Theo như dự kiến, sân vận động cũ được tháo dở vào mùa xuân năm 2014. Tuy nhiên, quá trình này bị trì hoãn đến đầu năm 2015. Đến khi được thực hiện, kế hoạch dở bỏ sân vận động cũ buộc phải kéo dài bởi việc đập bê tông cần được tiến hành thận trọng để hạn chế một lượng bụi lớn thải ra làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

sân vận động Quốc gia Mới (Tokyo)
Sân vận động Quốc gia Mới (Tokyo) (ảnh: PIXTA).

Việc phá hủy sân vận động cũ đã hoàn thành vào tháng 5/2015.

Từ ngày 28/8/2015, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành các tiêu chuẩn mới cho việc tái thiết Sân vận động Quốc gia. Sức chứa cố định sẽ là 68.000 người với các ghế “cứng” và có thể nâng lên 80.000 người nếu sử dụng ghế tạm thời trên đường chạy điền kinh.

Ngày khởi công  xây dựng sân vận động mới bắt đầu vào ngày 11/12/2016, muộn hơn khoảng 14 tháng so với kế hoạch.

bên trong sân vận động quốc gia mới
Bên trong sân vận động quốc gia mới (ảnh: inhabitat.com).

Sân vận động Quốc gia mới được hoàn thành vào ngày 30/11/2019. Lễ khánh thành sân vận động chính thức diễn ra vào ngày 21/12/2019. Sự kiện thể thao khai mạc sân vận động là trận chung kết Cúp Hoàng đế 2019 đã diễn ra vào ngày 1 tháng 1 năm 2020.

Bộ trưởng giáo dục Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết chính phủ sẽ không đưa ra đề xuất tư nhân hóa sân vận động mới sau khi diễn ra Olympic 2020. Sân vận động dự kiến ​​sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào nửa cuối năm 2022.

kilala.vn

Tên chính thức: Sân vận động quốc gia mới

Chi phí: 157 tỷ yên (~1,25 tỷ đô la)
Thời gian xây dựng: 11/12/2016 - 30/11/2019
Thiết kế bởi: Kengo Kuma
Nhà thầu: Tổng công ty Taisei

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU