Đến Nagasaki, khám phá “Cung đường lịch sử"

Bài: HappyJan 8, 2023

Không chỉ từng là trung tâm giao lưu quốc tế thời Edo (1603 – 1868), Nagasaki còn được biết đến là một trong hai thành phố của Nhật Bản phải hứng chịu thảm kịch bom hạt nhân. 

Ngày nay, Nagasaki là một trung tâm văn hóa lớn và là một vùng đất lịch sử linh thiêng của Đất nước Mặt trời mọc. Trong bài viết này, hãy cùng theo chân Kilala khám phá những địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử của Nagasaki nhé!

Bảo tàng Bom Nguyên tử Nagasaki (Nagasaki Atomic Bomb Museum)

Nằm trên một quả đồi nhỏ ở phía Bắc thành phố Nagasaki, Bảo tàng Bom Nguyên tử Nagasaki được thành lập từ năm 1955 là nơi lưu giữ những tài liệu và bằng chứng về hậu quả nặng nề của quả bom nguyên tử “Fat Man” mà quân đội Mỹ đã ném xuống thành phố này vào tháng 8/1945.

nagasaki atomic bomb museum
Ảnh: visit-kyushu.com

Được xây dựng nhằm tưởng nhớ và bày tỏ sự chia sẻ với những nạn nhân của thảm kịch bom nguyên tử, bảo tàng hiện lên với sự nghiêm trang xen lẫn chút trầm mặc. 

Ở không gian bên trong, sự tàn khốc của chiến tranh, sức công phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân được hữu hình hóa thông qua từng hiện vật, chứng tích.

hậu quả bom nguyên tử
Ảnh: Kyodo News

Đó là hình ảnh tháp nước bị hư hại của Trường Trung học cơ sở Keiho nơi chỉ cách tâm vụ nổ 800m, hay một chiếc mũ sắt bị biến dạng vì sức nóng của quả bom, những bộ quần áo cháy xém, đồ chơi trẻ hem bị hỏng, một chiếc đồng hồ dừng chạy ngay khoảnh khắc thảm họa giáng xuống Nagasaki...

Những hình ảnh, câu chuyện về ký ức kinh hoàng đó chính là lời cảnh tỉnh với thế giới, đồng thời là thông điệp kêu gọi mạnh mẽ nhất hướng tới nhân loại về việc giã từ vũ khí hạt nhân. 

Công viên Hòa bình Nagasaki (Atomic Bomb Hypocenter & Peace Park)

Mặc dù ngày nay Nagasaki đã hồi phục một cách thần kỳ và trở thành vùng đất phát triển nhộn nhịp nhưng từng trải qua nhiều đau thương trong chiến tranh, ở đây có rất nhiều địa điểm tham quan mang tính lịch sử.

Công viên Hòa bình Nagasaki được xây dựng vào năm 1955, 10 năm sau sự kiện đau lòng của cả nước Nhật, nằm trong khu phức hợp bao gồm Bảo tàng Bom nguyên tử Nagasaki. Tọa lạc trên phần đỉnh của ngọn đồi từng bị phá hủy bởi bom nguyên tử là những công trình lưu giữ ký ức của người Nagasaki về một thời đã qua, đồng thời nhắc nhớ thế hệ mai sau về giá trị của hòa bình.

công viên hòa bình
Cột đá đánh dấu tâm chấn vụ nổ bom năm 1945. Ảnh: encirclephotos.com

Trong khu vực công viên, có một cột đá đen trơn nhẵn đơn giản, đánh dấu vị trí quả bom năm ấy phát nổ. Cách đó không xa là một cột trụ bị hỏng của nhà thờ Urakami, nơi đã bị phá hủy trong vụ nổ. 

Công viên còn có tháp hạc giấy, chuông Nagasaki, đài tưởng niệm... Đặc biệt là bức tượng hòa bình nổi tiếng của Nagasaki – tác phẩm của điêu khắc gia Seibo Kitamura. Cạnh bên bức tượng là dòng suối hòa bình như xoa dịu linh hồn các nạn nhân, những người đã thiệt mạng trong lúc tìm nước chữa nóng.

tượng hòa bình
Bức tượng hòa bình biểu tượng của Nagasaki.  

Unzen Jigoku

Unzen Jigoku hay Unzen Hell (Địa ngục Unzen) ở thành phố Unzen, tỉnh Nagasaki là một địa điểm với lịch sử rùng rợn khi đây từng là nơi hành quyết người theo Đạo Cơ Đốc vào đầu những năm 1600, thời kỳ Cơ Đốc giáo bị cấm tại Nhật Bản. 

Lúc bấy giờ, những tín đồ Cơ Đốc giáo đã bị tra tấn nặng nề để buộc phải từ bỏ đức tin và đã có biết bao Cơ Đốc nhân tử vì đạo tại đây.

đài tưởng niệm tử vì đạo
Đài tưởng niệm tử vì đạo ở Unzen Jigoku.

Tuy nhiên, không chỉ là một nơi đáng sợ trong lịch sử, Unzen Jigoku còn là một địa điểm tuyệt vời để tận hưởng suối nước nóng tự nhiên ở tỉnh Nagasaki. Người nói rằng, trong khu vực Unzen Jigoku, từ lòng đất có khoảng 30 trường địa nhiệt bơm ra mỗi giây, sự ướt át hòa lẫn cùng mùi lưu huỳnh tạo nên cảnh tượng tựa như địa ngục.

suối nước nóng unzen

Chùa Daion-ji (Chùa Đại Âm)

Tọa lạc thị trấn Kajiyama, thành phố Nagasaki, tỉnh Nagasaki là ngôi chùa mang tên “大音寺- Daion-ji” (Đại Âm Tự). Đây là ngôi chùa của giáo phái Jodo được xây dựng trên ngọn núi Shokakusan. 

Chùa Đại Âm được thành lập năm 1614 bởi bởi Denyo Sekitoru, người tỉnh Chikugo (phía nam Fukuoka ngày nay) và là một trong năm nhà sư của Nagasaki. Trong thời kỳ Edo, ngôi chùa phát triển thịnh vượng khi được chính quyền Mạc phủ Tokugawa xem trọng, nhưng từng chịu thiệt hại nặng nề bởi vụ đánh bom nguyên tử tháng 8/1945 vào Nagasaki. 

đại âm tự
Đại Âm Tự ở Nagasaki là nơi vợ chồng công nữ Ngọc Hoa an nghỉ. Ảnh: nagasaki-tabinet.com

Có một điều có lẽ chưa được biết đến rộng rãi, đó là Daion-ji có mối liên hệ vô cùng đặc biệt với Việt Nam. Như đã biết, Nagasaki trở thành vùng đất gắn bó với người Việt nhờ vào mối lương duyên giữa nàng công nữ Ngọc Hoa và chàng thương nhân Nhật Bản Sotaro Araki. Và Chùa Đại Âm ở Nagasaki chính là nơi vợ chồng nàng công nữ an nghỉ, được người dân Nagasaki thờ phụng để ghi nhớ những đóng góp to lớn của họ cho nền thương nghiệp địa phương.

Ngày nay, tại mộ phần của hai người trong khuôn viên chùa, vẫn còn những dòng chữ ghi nhận công đức của thương nhân Araki và ca ngợi vẻ đẹp cùng sự phúc hậu của công nữ Ngọc Hoa.

Những địa danh hấp dẫn và các nét đặc sắc trong văn hóa - lịch sử của Nagasaki sẽ xuất hiện trong 3 tập phim tài liệu “Nagasaki tôi yêu”, phát sóng trên VTV1 từ ngày 07/01/2023. Đừng quên bấm theo dõi fanpage Nagasaki Tôi Yêu để khám phá thêm nhiều điều thú vị về vùng đất cảng xinh đẹp này nhé!

nagasaki tôi yêu

kilala.vn

Lịch phát sóng chương trình trên VTV1:

- Tập 1:07h30 ngày 07/01/2023.

- Tập 2: 07h30 ngày 08/01/2023.

- Tập 3: 07h30 ngày 09/01/2023.

Lịch phát lại chương trình:

Trên VTV1:

- Tập 1: 22h30 ngày 11/01/2023.

- Tập 2: 22h30 ngày 12/01/2023.

- Tập 3: 22h30 ngày 13/01/2023.

Trên VTV2:

- Tập 1: 20h25 ngày 16/01/2023.

- Tập 2: 20h25 ngày 17/01/2023.

- Tập 3: 20h25 ngày 18/01/2023.

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU