Áo đấu tuyển Nhật Bản thay đổi như thế nào qua các kỳ World Cup?
Bài: Happy
Nov 21, 2022
Nguồn: Nippon
Đồng phục của “những chiến binh Samurai xanh” luôn thu hút sự chú ý với thiết kế kết hợp các khía cạnh văn hóa Nhật Bản cùng với khát vọng thành công trên sân cỏ.
Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng đã đến lúc FIFA World Cup 2022 khởi tranh trên đất Qatar. Để hòa cùng bầu không khí sôi động của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, hãy cùng Kilala nhìn lại những mẫu áo đấu của Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Nhật Bản qua các kỳ World Cup nhé!
Áo đấu cho FIFA World Cup 2022 tại Qatar với nghệ thuật Origami
Áo thi đấu của đội tuyển nam Nhật Bản tại Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 ở Qatar tiếp nối truyền thống này với thiết kế lấy cảm hứng từ nghệ thuật gấp giấy cổ xưa Origami.
Mẫu trang phục thi đấu trên sân nhà của các chiến binh Samurai có màu xanh lam truyền thống với mặt trước áo đấu có hoạt tiết Origami thể hiện các đường kẻ và các bước gấp.
Theo Goal, trang tin điện tử về bóng đá thế giới, adidas – hãng thể thao tài trợ cho đội tuyển Nhật Bản muốn đem những yếu tố truyền thống của mỗi quốc gia lên bộ trang phục và quạ Yatagarasu đã được chọn xuất hiện trên áo đấu của các Samurai Blue.
Cảm hứng về thiết kế với họa tiết Origami được cho là bắt nguồn từ trận chung kết FIFA World Cup 2002 do Nhật Bản và Hàn Quốc đồng tổ chức. Kết thúc trận đấu, khoảng 3 triệu con hạc giấy orizuru , bay phấp phới trên không tại Sân vận động Quốc tế Yokohama (nay là Sân vận động Nissan) để chúc mừng tân vương của bóng đá nam thế giới.
Origami như biểu tượng của lời cầu nguyện mang lại cả niềm vui và chiến thắng. Trong khi đó loài quạ 3 chân Yatagarasu là sinh vật thần thoại đại diện cho thần linh, mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng. Chính vì vậy mẫu áo đấu lần này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh đội quân Samurai chinh chiến tại Qatar.
Ngoài ra, một thay đổi quan trọng so với các mẫu áo trước đó là vị trí của lá cờ Nhật Bản. Trước đây, lá quốc kỳ thường được đặt phía trên logo của đội bên ngực trái, nhưng lần này đã được chuyển sang mặt sau của áo đấu và đặt ở vị trí giữa hai vai. Ý nghĩ của việc làm này là để đại diện cho trách nhiệm của đội tuyển đối với quốc gia và bày tỏ tình cảm tới người hâm mộ.
Số áo của cầu thủ cũng được thay đổi từ màu trắng sang vàng để tăng cường khả năng hiển thị trên TV và điện thoại thông minh.
Khi được hỏi về bộ đồng phục mới, tiền vệ Minamino Takumi (hiện đang thi đấu cho câu lạc bộ AS Monaco tại Ligue 1 – Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia Pháp) cho biết anh rất tự hào khi được thi đấu trên sân trong sắc xanh của tuyển Nhật Bản và nói rằng thiết kế này đã thúc đẩy các cầu thủ cống hiến hết mình.
Nhìn lại những bộ đồng phục trong các kỳ World Cup trước đây.
Lần đầu tiên đội tuyển nam Nhật Bản tham dự World Cup là ở Pháp vào năm 1998. Đồng phục mà đội mặc cho giải đấu được thiết kế bởi công ty Asics của Nhật Bản. Đến năm 1999, Hiệp hội bóng đá Nhật Bản JFA đã ký hợp đồng với hãng đồ thể thao khổng lồ adidas vầ kể từ World Cup 2022, hãng đã cung cấp đồng phục cho đội tuyển Nhật Bản trong mọi chiến dịch.
FIFA World Cup 1998 tại Pháp (thành tích: bị loại từ vòng bảng)
Đồng phục thi đấu của đội tuyển nam Nhật Bản tại giải đấu diễn ra ở Pháp năm 98 được đặt biệt danh là “áo đấu ngọn lửa” vì phần họa tiết trang trí trên tay áo có hình dáng giống như ngọn lửa được thể hiện đằng sau Bất Động Minh Vương* vị thần hộ vệ chính trong Chân Ngôn Tông của Nhật Bản.
*Bất Động Minh Vương hay Acala là một hộ pháp chủ yếu được thờ phụng trong Kim Cương thừa, là hoá thân phẫn nộ của Đức Đại Nhật Như Lai để hàng phục những chúng sinh quá cứng đầu và hộ trì tam bảo trong những đời vị lai.
FIFA World Cup 2002 Nhật Bản Hàn Quốc đồng tổ chức (thành tích: vòng 16 đội)
Biểu tượng: Núi Phú Sĩ
Thiết kế đơn giản nhằm thể hiện vẻ đẹp Nhật Bản với đường ống kéo dài dọc theo cả hai tay áo từ cổ tượng trưng cho núi Phú Sĩ phản chiếu trên mặt hồ.
FIFA World Cup 2006 tại Đức (thành tích: bị loại từ vòng bảng)
Ý tượng chủ đạo: Kiếm khí
Ý tưởng thiết kế áo đấu năm 2006 bao hàm truyền thống và kỹ thuật kiếm khí của người Nhật, lấy cảm hứng từ “Samurai Blue”, biệt danh gắn liền với đội tuyển bóng đá Nhật Bản. Áo có hoa văn gợn sóng như xuất hiện trên một lưỡi kiếm Nhật, nổi bật trên nền xanh thẳm của đại dương bao quanh đất nước mặt trời mọc, vút lên bầu trời xanh nhạt tượng trưng cho thế giới.
FIFA World Cup 2010 tại Nam Phi (thành tích: vòng 16 đội)
Ý tưởng chủ đạo: Đôi cánh cách mạng
Mẫu áo đấu tại World Cup 2010 của các chiến binh Samurai gắn liền với biểu tượng “đôi cánh cách mạng” dựa trên niềm hy vọng đội tuyển Nhật Bản sẽ vào đến bán kết của “thuyền trưởng” Okada Takeshi.
Họa tiết in trên mặt trước của áo đấu được lấy cảm hứng từ đôi cánh của quạ Yatagarasu, quạ ba chân trong thần thoại Nhật Bản xuất hiện trên biểu tượng của JFA.
FIFA World Cup 2014 tại Brazil (thành tích: bị loại từ vòng bảng)
Ý tượng chủ đạo: Mô hình vòng tròn
Thiết kế của bộ đồng phục dựa trên ý tưởng về một tập thể kết thành hình tròn bao gồm cả cầu thủ và người hâm mộ. Phía sau có một đường màu neon duy nhất, đại diện cho vòng tròn khổng lồ được hình thành khi các cầu thủ trong đội hợp lực với những người ủng hộ họ. Mười một dòng tỏa ra từ biểu tượng trên ngực, biểu thị sự tỏa sáng của các cầu thủ như Keisuke Honda trên sân.
FIFA World Cup 2018 tại Nga (thành tích: vòng 16 đội)
Ý tưởng chủ đạo: Màu sắc chiến thắng
Đồng phục thi đấu của đội tuyển Nhật Bản tại giải đấu trên đất Nga 4 năm về trước chứng kiến sự trở lại của “màu xanh Nhật Bản” ban đầu, một màu xanh chàm truyền thống tượng trưng cho chiến thắng.
Hoa văn trên áo dựa trên các mũi khâu chần, gắn kết nguyện vọng của các cầu thủ, đội ngũ nhân viên và cổ động viên, những người đã kiến tạo nên di sản của bóng đá Nhật Bản với hy vọng truyền cảm hứng cho đội tuyển trong giải đấu tại Nga. Thiết kế cổ chữ V gợi nhớ đến mặt trước của trang phục của các Samurai, được viền màu đỏ nổi bật.