Toà Marunouchi thuộc ga Tokyo
Ga Tokyo là khu phức hợp nhộn nhịp và rộng lớn bậc nhất cả nước, dễ dàng khiến ai nhìn thấy lần đầu cũng phải choáng ngợp. Nhắc đến nút giao thông quan trọng này, toà nhà Marunouchi là thứ đầu tiên mọi người liên tưởng đến. Tòa nhà này được xây dựng vào năm 1914 và đôi lúc được gọi với mỹ danh “Cánh cửa của Tokyo”. Nó đã gần như bị phá huỷ trong Thế chiến II, nhưng trải qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt là lần đại trùng tu 5 năm hoàn thành vào 2012, diện mạo hoành tráng của thời trước chiến tranh đã được trả lại cho nơi này. Xây bằng gạch đỏ nổi bật theo phong cách châu Âu, toà Marunouchi luôn rực rỡ, nhưng ấn tượng nhất là vào mùa đông và khi đêm xuống. Nơi đây là địa điểm du lịch, kinh doanh sầm uất, là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất của Tokyo.
Ga Kyoto
Kyoto trong suy nghĩ của nhiều người là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống Nhật Bản, nổi bật với hàng loạt kiến trúc cổ như đền, chùa, lữ quán. Tuy nhiên, ga Kyoto lại là một khối kiến trúc vô cùng hiện đại, bề thế. Nhà ga 15 tầng với mái vòm cao vút này được xây dựng nhân kỷ niệm 1200 năm thành lập cố đô, đại diện cho sự phát triển vượt bậc về công nghệ hiện đại của thành phố. Ga Kyoto có một lối đi bộ trên không miễn phí để du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh nhà ga và cả thành phố sầm uất bên dưới.
Ga Kanazawa
Không chỉ nổi tiếng là một trong những nhà ga ấn tượng nhất Nhật Bản, ga Kanazawa của tỉnh Ishikawa thường xuyên xuất hiện trong danh sách các nhà ga đẹp nhất thế giới. Hình ảnh biểu tượng của nhà ga này là cổng Tsuzumimon (鼓門) lớn màu đỏ lấy ý tưởng từ hình ảnh cái trống – nét văn hóa truyền thống của Kanazawa. Ban ngày, nhà ga với cổng Tsuzumimon hiện lên bề thế và sáng rỡ, đến đêm lại khoác màu huyền bí khi trên cổng xuất hiện nhiều mảng sáng tối khác nhau tạo cảm giác không gian ba chiều đặc sắc. Đây là địa điểm mà bất cứ du khách nào đến Kanazawa cũng phải thử thăm thú một lần để mục kích độ hoành tráng của nó.
Ga Takanawa Gateway
So với các nhà ga khác trong danh sách, Takanawa Gateway là cái tên “sinh sau đẻ muộn” nhất. Nhà ga này cũng ở Tokyo, vừa được khánh thành vào tháng 3/2020. Phần mái vòm lớn được tạo hình nếp gấp mô phỏng nghệ thuật gấp giấy origami của Nhật. Nhà ga có kiến trúc hiện đại, không gian mở thoáng đãng, cung cấp các dịch vụ sử dụng trí tuệ nhân tạo và robot quảng cáo, robot vệ sinh. Ga Takanawa Gateway chính là đại diện cho sự giao thoa giữa Nhật Bản và quốc tế.
Ga Hitachi
Ga Hitachi thuộc tỉnh Ibaraki được thiết kế bởi kiến trúc sư đẳng cấp quốc tế Sejima Kazuyo – nữ kiến trúc sư duy nhất của Nhật từng thắng giải Pritzker, vốn được mệnh danh là “giải Nobel của ngành kiến trúc”. Nhà ga này thiết kế chủ đạo đều là kính, như thể một chiếc hộp thuỷ tinh khổng lồ nơi bạn có thể nhìn thẳng ra Thái Bình Dương. Tuỳ theo thời điểm và thời tiết, bạn sẽ cảm giác như được hòa mình vào những trạng thái khác nhau của thiên nhiên, tựa như thưởng thức một bộ phim điện ảnh trên màn hình khổng lồ vậy.
Ga Onagawa
Ga Onagawa của tỉnh Miyagi hiện nay được hoàn thành vào năm 2015, sau khi nhà ga cũ bị tàn phá bởi cơn sóng thần năm 2011. Nhà ga có ba tầng với khu mua sắm, đài quan sát nhìn ra vịnh và cả suối nước nóng trong nhà. Đặc biệt, mái vòm được khắc hoạ mô phỏng theo hình ảnh cánh chim tung bay, bên trong nhà ga cũng trang trí nhiều hình ảnh thiên nhiên Nhật Bản tươi đẹp, như để nhắc nhớ thảm họa đã qua và hy vọng vào một tương lai rực rỡ.
Ga Mojiko
Tọa lạc ở cảng Mojiko 120 năm tuổi của Fukuoka là nhà ga Mojiko – ga tàu đầu tiên được Nhật Bản công nhận là Tài sản văn hoá quan trọng. Ga không lớn nhưng nổi bật với lối kiến trúc thời Phục Hưng, kiểu thiết kế đối xứng gọn gàng và sắc xanh nhạt, điều khó thấy ở những nhà ga khác. Ga Mojiko đem lại cảm giác hoài cổ, là địa điểm ưa thích của các nhiếp ảnh gia và du khách.
Xem thêm: Một ngày làm việc của người lái tàu Tokyo Metro!
kilala.vn