Sorotouch - phiên bản hiện đại của bàn tính Soroban

Bài: Rin
Sep 14, 2022

Nguồn: Mainichi

Bàn tính gảy Soroban truyền thống nay được người Nhật phát triển thành ứng dụng trên điện thoại và máy tính bảng, thu hút sự chú ý từ trong nước lẫn quốc tế.

Bàn tính gảy Soroban là công cụ tính toán cổ xưa của người Nhật, lấy cảm hứng từ bàn tính Suanpan của Trung Quốc. Hiện nay Soroban nổi tiếng trên toàn cầu khi trở thành một phương pháp tính toán giúp trẻ em rèn luyện tư duy, cách tính nhẩm. 

Giờ đây, bạn không còn cần sở hữu một bàn tính vật lý để thực hành phương pháp này. Một doanh nghiệp Nhật đã khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn khi ra mắt ứng dụng SoroTouch, hướng dẫn mọi người cách tính toán bằng Soroban ngay trên các thiết bị di động.

Hiện tại, ứng dụng thu hút hơn 8.000 học sinh trong và ngoài nước sử dụng để rèn luyện khả năng tính nhẩm của bản thân.

cậu bé Shuhei Komatsu
Cậu bé Shuhei Komatsu (áo xanh lá) đang thực hiện phép tính nhẩm với SoroTouch. Ảnh: Mainichi

Với SoroTouch, người dùng thực hiện phép tính bằng cách chạm vào các hạt ảo trên màn hình tương tự như đang sử dụng bàn tính Soroban thật. Ứng dụng giống như trò chơi này cho phép trẻ em cảm thấy vui thích với việc phát triển kỹ năng tính toán hơn.

Tại sự kiện trực tuyến “SoroFes” diễn ra vào tháng 6 vừa qua, cậu bé Shuhei Komatsu, 8 tuổi thích thú hét lên: “Tuyệt quá! Con về nhất rồi!” Bé Komatsu ở Tokyo nằm trong số 639 trẻ đến từ 7 quốc gia tham gia thi tài tính nhẩm.

Cậu bé đã có thời gian luyện tập tính nhẩm với bàn tính Soroban thông qua ứng dụng Sorotouch. Komatsu có thể tính tổng của năm số có ba chữ số xuất hiện lần lượt chỉ trong 5 giây ở chế độ tính toán nhanh của ứng dụng. Mẹ bé, chị Akina, 38 tuổi chia sẻ: “Khi hai mẹ con đi mua sắm, con thường giúp tôi tính tổng số tiền”.

Được phát triển vào năm 2014, SoroTouch nổi bật với thiết kế các hạt ảo hiển thị trên màn hình giống với cấu trúc của bàn tính Soroban. Màu sắc của chúng sẽ thay đổi khi người dùng chạm vào, cho phép họ thực hiện các phép tính giống hệt bàn tính Soroban. Tuy nhiên, khác với Soroban, ở ứng dụng này, người dùng có thể sử dụng cả hai tay để tính toán.

Các tính năng của SoroTouch bao gồm “chế độ tính nhẩm” với màu của các hạt không thay đổi mà chỉ nhấp nháy trong giây lát khi được chạm vào. Điều này cho phép người dùng có thể học tính nhẩm một cách tự nhiên.

Được biết, công nghệ của SoroTouch được phát triển bởi Chika Yamauchi, 56 tuổi, người sáng lập công ty Digika Co., đặt trụ sở tại quận Chiyoda, Tokyo. Bà Yamauchi từng tham gia phát triển sản phẩm tài chính tại Citibank, khi ấy bà trông thấy một thương nhân Nhật Bản rất giỏi tính nhẩm bằng phương pháp Soroban nên nhận được sự tin tưởng của những người làm cùng trên khắp thế giới. Từ đó, bà đã nảy ra suy nghĩ rằng: “Kỹ năng này là cần thiết cho kinh doanh”.

bà Chika Yamauchi
Bà Chika Yamauchi, "mẹ đẻ" của ứng dụng SoroTouch. Ảnh: Mainichi

Sau khi nghỉ việc tại ngân hàng, Yamauchi đã mở một lớp học về Soroban tại nhà cùng với những người bạn trong cộng đồng các mẹ bỉm sữa. Năm 2012, bà đã cùng con gái thứ hai tham gia Giải vô địch thế giới tính nhẩm được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khi ấy, họ không thể cạnh tranh với các đối thủ khác, nên bà Yamauchi đã bắt đầu nghiên cứu về phương pháp bàn tính trên khắp thế giới.

Điều làm bà ngạc nhiên đó là ở nước ngoài, mọi người sử dụng cả hai tay để tính toán, và bà nhận ra: “Giáo viên tại Nhật dạy cách sử dụng Soroban, trong khi ở các nước khác, mục đích ban đầu của việc học sử dụng bàn tính là để ứng dụng tính nhẩm trong đời sống hằng ngày".

Sau nhiều lần thử nghiệm, Yamauchi đã phát triển thành công ứng dụng SoroTouch và cho ra mắt vào năm 2016.

Hiện tại, Chủ tịch của Digika là anh Yasunobu Hashimoto, 39 tuổi, từng là nhân viên phát triển kinh doanh ở thị trường nước ngoài của tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Nhật Bản Rakuten. Hashimoto gặp bà Yamauchi tại Nhật, và anh cũng là người từng học qua Soroban.

Sau đó, anh quyết định gia nhập Digika và đưa hoạt động kinh doanh của SoroTouch phát triển. Các trung tâm dạy SoroTouch đã lan rộng đến 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hơn 8.000 học sinh đang học kỹ năng tính nhẩm nhờ vào ứng dụng này. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU