Vén màn bí mật của ngành công nghiệp Idol tại Nhật Bản

Bài: Hoàng ThiênJul 3, 2020

Nhắc đến Idol bạn nghĩ đến gì? Những sân khấu hoành tráng, những tạo hình cực đỉnh, vũ đạo đẹp mắt và… nhiều tiền? Thế nhưng, sự thật thì Idol có phải là “việc nhẹ lương cao” như nhiều người lầm tưởng? Trong khuôn khổ bài viết này, Kilala sẽ mang đến cho các bạn một cái nhìn tổng quan về Idol và ngành công nghiệp Idol tại Nhật Bản.

Nghề Idol chính xác là gì?

Nghề thần tượng trong tiếng Nhật gọi là "Aidoru - アイドル", được lấy từ chữ "Idol" trong tiếng Anh. Ở Nhật, Idol không chỉ mang nghĩa “thần tượng” mà là một thuật ngữ chung dùng để những nghệ sĩ trẻ, hoạt động solo hoặc nhóm nhạc, hoạt động trong lĩnh vực ca hát và cả những lĩnh vực giải trí khác. Khác với ca sĩ chỉ tập trung chuyên môn và kỹ năng vào ca hát, hay như diễn viên tập trung vào đóng phim,... Idol là người có thể hoạt động đa dạng ở nhiều mảng từ ca hát, vũ đạo, làm người dẫn chương trình giải trí, làm MC cho đến lồng tiếng, đóng phim, làm người mẫu đại diện. Tại Nhật, Idol có sức ảnh hưởng cực lớn, thu hút một lượng lớn người hâm mộ.

Làm Idol có dễ không?

Trong suy nghĩ của nhiều người có thể nghề Idol rất nhẹ nhàng, chỉ việc xinh đẹp, chịu khó hát hò, tham gia chương trình giải trí là có thể kiếm được nhiều tiền. Nhưng thực chất, ngành nào cũng có cái giá của nó và người theo đuổi buộc phải đánh đổi những thứ nhất định, chẳng hạn như thời gian cá nhân, vấn đề riêng tư…

nhóm arashi
Arashi - nhóm nhạc thần tượng hàng đầu Nhật Bản. (Ảnh: Japan Forward)

Ở Nhật Bản, Idol không chỉ được xem là nghệ sĩ giải trí mà còn là hình mẫu cho giới trẻ. Do đó, nhận thức của công chúng về họ phải tích cực. Một thần tượng là một sự phản ánh của xã hội, một hình ảnh của công dân trẻ lý tưởng. Do đó trong tình huống nào thì hình ảnh của họ phải gần như hoàn hảo.

Bởi vì điều này, các thần tượng sẽ phải làm việc rất chăm chỉ. Mỗi thần tượng sau khi ra mắt (debut) vẫn phải dành nhiều giờ để luyện tập, biểu diễn, lưu diễn. Do đòi hỏi về ngoại hình cao, họ cũng cần có chế độ ăn uống thích hợp, thậm chí là ăn kiêng khắc nghiệt để giữ dáng, thể hiện đúng “hình ảnh sân khấu” được công ty định sẵn, tương tác với người hâm mộ, tổ chức các buổi fan meeting, tạo fan-service tinh tế trong các trường hợp cần thiết. Nhìn chung thì đây là một công việc không hề an nhàn như mọi người vẫn nghĩ và nói đúng hơn là vô cùng áp lực.

Một Idol làm tốt tất cả những điều kiện trên thì có thể gặt hái được thành công trong thời gian hoạt động. Ở độ tuổi mà những người đồng trang lứa có thể đang lao đao tìm việc làm thì họ đã có được danh tiếng và khối tài sản kếch xù. Tuy nhiên, đó là nếu họ có thể thực hiện được tất cả những điều kiện trên, còn nếu như không thì sao? Nếu như mắc phải sai lầm, hoặc vi phạm hợp đồng, hoặc có hành vi không phù hợp, những Idol đó có thể sẽ phải giã từ con đường nổi tiếng trong sự chỉ trích từ người hâm mộ và công chúng.

buổi hòa nhạc
Buổi hòa nhạc của Arashi tại Tokyo Dome. (Ảnh: twitter)

Idol kiếm ra tiền từ đâu?

Người chi trả lương trực tiếp cho các Idol là công ty chủ quản của họ. Dựa theo tỷ lệ phần trăm thỏa thuận ban đầu trên hợp đồng mà Idol sẽ được chi trả bao nhiêu. Đôi khi, trong cùng một nhóm nhạc, các thành viên không được chi trả ngang nhau. Mức lương của thần tượng có thể dao động và thay đổi tùy thuộc vào mức độ họ quảng bá bản thân, mức độ phổ biến và các khoản thu khác từ nhãn hàng đại diện, tiền bản quyền sáng tác...

Thế thì tiền đó từ đâu ra? Nói là một phần tiền đến từ túi người hâm mộ cũng không sai. Tại Nhật Bản, dù các nền tảng nhạc số phát triển thì ngành công nghiệp băng đĩa vẫn chưa lui bước nhường chỗ. Thông thường, mỗi lần ra mắt album mới, các bài hát không chỉ được đưa lên nền tảng nhạc số mà cả phát hành đĩa, giống như những thập niên trước đây. Nhờ đó, số lượng tiêu thụ đĩa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các hoạt động, sự kiện sẽ được tổ chức nhằm mục đích tăng doanh số.

sự kiện bắt tay
Lượng người hầm mộ tại sự kiện bắt tay của AKB48. (Ảnh: Kotaku Australia)

Chẳng hạn như hoạt động “handshake event” vô cùng phổ biến trong giới hâm mộ, đây cũng là một hoạt động nhằm tăng doanh số album cho các thần tượng. Cụ thể, trong mỗi album phát hành sẽ có “vé” kèm theo, nếu ai may mắn “trúng số” thì sẽ có cơ hội được gặp mặt và bắt tay với thần tượng. Do số lượng may mắn có hạn nên, để gặp được thần tượng của mình thì những người hâm mộ này sẽ mua nhiều, thậm chí là rất nhiều album để có cơ hội “trúng số”. Tăng doanh số album cũng đồng nghĩa với việc thăng hạng trong các bảng xếp hạng và giúp thần tượng trở nên nổi tiếng hơn.

Ngoài album, phía công ty chủ quản của các Idol cũng sẽ sản xuất thêm những mặt hàng khác gọi là “goods” như khăn, áo phông, hộp cơm… Mà người hâm mộ đối với những sản phẩm này cũng sẽ chi tiền mua vô cùng nhiệt tình.

Mặt tối của ngành công nghiệp Idol

Hình ảnh ngây thơ thuần khiết

Hầu hết những Idol Nhật khi debut đều được công ty định hình cho hình ảnh ngây thơ, tươi sáng hoặc tràn đầy năng lượng, đặc biệt là những Idol nữ. Tại Nhật Bản, hình ảnh ngây thơ và thuần khiết có sức hút vô cùng mãnh liệt. Do đó, các thần tượng luôn trong trạng thái có phần ngây ngô, đáng yêu, và không được mang đến cảm giác “người lớn”. Đó cũng là lý do vì sao, một khi các thần tượng bí mật hẹn hò chẳng may bị phát hiện, sự nghiệp của họ coi như kết thúc.

Bóc lột và quấy rối tình dục

Đã có rất nhiều báo cáo về việc các nữ thần tượng bị quấy rối tình dục bởi các ông chủ và quản lý, phần lớn trong số đó là đàn ông. Đáng buồn thay, Nhật Bản vẫn còn một chặng đường dài cần nỗ lực trong việc ngăn chặn quấy rối tình dục.

Thêm vào đó, do ràng buộc thời gian hợp đồng, các công ty chủ quản thường tận dụng lúc “gà cưng” nổi tiếng mà khai thác họ một cách triệt để. Một Idol có thể sẽ phải quần quật làm việc đến tận 20 tiếng một ngày. Tuy nhiên họ vẫn phải chấp nhận vì nếu vi phạm hợp đồng, họ có thể sẽ phải bồi thường một khoảng tiền lớn.

Một số thần tượng không thể chịu nổi cường độ làm việc và áp lực của ánh hào quang đã rơi vào trầm cảm, thậm chí dẫn đến tự tử. Chẳng hạn như thành viên của nhóm nhạc thần tượng Enoha Girls – Honoka Ohmoto (16 tuổi) đã tự tử tại nhà riêng vào năm 2018. Gia đình của nữ thần tượng này đã kiện công ty quản lý phải bồi thường và làm rõ nguyên nhân cái chết của con gái họ. Sự việc này một lần nữa đã dấy lên một làn sóng trong dư luận và hé lộ bức màn tối trong ngành công nghiệp thần tượng của Nhật Bản.

“Chịu đựng fan” là một phần công việc

Bởi vì nhận được nhiều sự yêu thích, các thần tượng cũng sẽ có đối tượng fan cuồng mất kiểm soát. Dù là thần tượng nữ hay thần tượng nam đều có khả năng gặp phải đối tượng này. Thế nhưng, với thái độ chuyên nghiệp, họ buộc phải xem đó là một phần của công việc. Điển hình là tình huống của nhóm nhạc AKB48. Vào năm 2014, hai thành viên của AKB48 và một nhân viên đã bị một người fan nam “cuồng nhiệt” làm bị thương. Đến giờ trên tay hai thành viên đó vẫn còn lưu lại vết sẹo.

sự kiện bắt tay
Người hâm mộ rất gần Idol tại các sự kiện giao lưu. (Ảnh: Tokyo Girls Update)

Đằng sau những nụ cười, đằng sau những phần trình diễn mãn nhãn là mồ hôi nước mắt và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các Idol. Dù là người thường hay là Idol thì ai cũng phải cố gắng, làm việc vất vả và chịu đựng thiệt thòi, nhưng thành công hay không còn phụ thuộc một phần vào yếu tố may mắn. Vậy nên, nếu có lúc nào đó trong đầu bạn xẹt ngang ý nghĩ “Phải chi được làm Idol thì sướng!” thì hãy nghĩ rằng, liệu bạn có thể chịu đựng được tất cả những yếu tố trên và kiên trì đến cùng hay không.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU