Review Cậu ấm ngây thơ: Hành trình trưởng thành

Bài: Ngân HàJan 14, 2020

Nói đến văn học Nhật Bản, người ta hay nhớ về những áng văn với tông giọng nhẹ bẫng, mang theo chút buồn man mác đôi khi là sự tiếc nuối, hoài niệm. Tuy nhiên, "Cậu ấm ngây thơ" lại khác biệt hơn hẳn, toàn bộ truyện tựa như một làn gió xuân thổi với giọng văn trong trẻo rồi tùy biến gắn liền cùng hành trình trưởng thành của "cậu ấm", mang đến cảm giác mới lạ cho người đọc.

Tiểu thuyết “Cậu ấm ngây thơ” hay còn được biết với tên Botchan, được viết vào năm 1906 là một trong những tác phẩm đầu tiên trong sự nghiệp của đại văn hào Natsume Soseki (1867-1916). Tác phẩm đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường và được xếp vào hàng kinh điển ở Nhật.

Cậu ấm Botchan và câu chuyện trưởng thành

Cậu ấm (Botchan), nhân vật chính của truyện, vốn từ nhỏ đã quen với nhiều trò nghịch dại thiếu suy nghĩ khiến cậu không được hòa thuận với cha mẹ và anh trai. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Edo (Tokyo ngày nay), cậu ấm được trở thành một thầy giáo dạy Toán ở một vùng quê hẻo lánh thuộc tỉnh Ehime. Những tình huống hài hước tréo ngoe mà cậu gặp phải ở ngôi trường cậu dạy và ngôi nhà trọ lần lượt mở ra, hệt như một vở kịch đầy rẫy những trò hề.

câu chuyện trưởng thành của cậu ấm
Trích dẫn một đoạn nói chuyện trong chương 1 của Cậu ấm ngây thơ.

Mỗi nhân vật mà cậu tiếp xúc đại diện cho một kiểu người trong xã hội đông tây lẫn lộn thời Minh Trị (1868 - 1912) khi Nhật Bản bắt đầu mở cửa với Tây phương, từ đó đón nhận nhiều luồng tư tưởng và ảnh hưởng ngoại lai. Những giáo viên ở trường với tính cách đa chiều đều được cậu gán cho biệt danh để chỉ ra những đặc tính tức cười của họ: hiệu trưởng Tanuki (chồn) nói một đằng làm một nẻo, hiệu phó Áo Đỏ tỏ vẻ có học nhưng sính Tây đạo đức giả, anh chàng dạy vẽ Hề Trống thiếu lập trường và chỉ biết hùa theo tán dương Áo Đỏ, trưởng khoa toán Nhím thượng võ nhưng phải cái “phổi bò”, anh chàng giáo viên Anh văn nhút nhát Bí đỏ,...

Xuyên suốt câu chuyện, nhân vật chính được xây dựng với một hình tượng một người quân tử chính trực và cao thượng, người luôn giữ một tấm lòng ngay thẳng và chân thật hiếm có giữa dòng đời nhiều lừa lọc và đảo điên. Soseki đã khắc họa sâu trong lòng người đọc một nhân vật với cái cốt cách tốt, nhưng đồng thời cũng có những khuyết điểm rất đỗi thông thường.

Do tuổi đời còn trẻ, cộng với thế giới quan chưa được mở mang nhiều trước khi rời Tokyo, cậu ấm tin rằng lúc nào lẽ phải cũng thuộc về phía mình nhưng lại không ý thức được việc bản thân mình cũng hay xét nét, tự phụ và bốc đồng. Những khuyết điểm này càng được thể hiện rõ khi những hành xử và phát ngôn “ngựa non háu đá” đem lại cho cậu nhiều rắc rối và những tình huống khó xử. Tuy thế, chính những vấp váp này khiến cậu ấm ngày một hiểu ra về sự vận hành và chuyển mình trong xã hội cũng như đặc điểm của những người quanh mình. Chính những khuyết điểm rất “người” này của cậu đã khiến người đọc dễ đồng cảm và yêu mến cậu hơn.

Giá trị văn hóa và nghệ thuật của "Cậu ấm ngây thơ"

Tác phẩm kế thừa và phát triển rộng hơn những chủ đề trong văn học cổ điển Nhật Bản, ví dụ như mâu thuẫn giữa hai mặt nghĩa vụ (義理 giri) và cảm xúc (人情 ninjou) của một cá thể và mối trăn trở về bản sắc văn hóa khi đối mặt với đa luồng tư tưởng. Ở một góc độ rộng, tác phẩm đề cập đến vấn đề cần giáo dục không chỉ kiến thức mà cả sự duy trì những giá trị tinh thần cao đẹp cho lớp trẻ thời Minh Trị. Cuộc vận động xã hội để chuyển biến từ xã hội này sang xã hội khác không thể tránh khỏi những sự giao thoa nửa mùa của những kẻ như Áo Đỏ và Hề Trống. Chính vì thế, những tấm lòng thanh sạch và thuần khiết như cậu ấm càng cần được giữ gìn.

bìa truyện cậu ấm ngây thơ
Bìa truyện Cậu ấm ngây thơ.

Bối cảnh truyện đầu thế kỷ XX đã tái hiện lại một thời đại lịch sử và giới thiệu cho người đọc nhiều nét thú vị về văn hóa và phong tục Nhật Bản. Những nhà trọ với chiếu tatami, những phòng tắm suối nước nóng như một nơi để mọi người thư giãn và tụ tập, quán mì soba và tempura đều là những nét phong tục mang đậm truyền thống Nhật. Văn phong đời thường, tươi vui và hóm hỉnh đậm chất Edo của Soseki càng lôi cuốn người đọc vào những trận cười giòn giã. Hơn thế nữa, lồng ghép vào tác phẩm là những bài học sâu sắc về cách nhìn nhận con người trong xã hội, cũng như sự bảo vệ cần thiết của giá trị làm người giữa dòng đời vạn biến.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU