Người khuyết tật tỏa sáng tại bộ môn eSport

Nguồn: Japantoday
Aug 9, 2022

Ảnh: AFP

Các tuyển thủ đặc biệt này đã cho thấy nếu có đủ đam mê thì không gì có thể cản bước thành công.

Anh Shunya Hatakeyama là tuyển thủ của game Street Fighter, vì chứng loạn dưỡng cơ (Muscular Dystrophy – MD) của mình mà thay vì dùng tay, anh đã dùng cằm để tung ra những combo triệt hạ đối thủ. Và Hatakeyama không phải là người duy nhất chứng minh rằng trong eSport, khuyết tật không phải là rào cản.

thể thao điện tử

Shunya Hatakeyama bị chứng loạn dưỡng cơ. 

Game thủ Naoya Kitamura, người bị mù và dựa vào âm thanh để chơi Tekken 7, cũng hy vọng rằng kỹ năng của mình trong ngành công nghiệp tỷ đô sẽ giúp xã hội có cái nhìn cởi mở hơn với những người khuyết tật: “Khi tôi chọn một thao tác thì âm thanh mà nó tạo ra sẽ cho tôi biết đó là chiêu thức gì, sau đó tôi sẽ có thể đưa ra những chiến lược cho riêng mình”, anh chia sẻ với AFP, sau khi thực hiện một cuộc tấn công liên hoàn với nhân vật Lucky Chloe của Tekken.

Ngày nay, Tekken – game đối kháng này đang thực sự bùng nổ trên toàn thế giới, với doanh thu ở mảng eSport toàn cầu ước tính hơn 1 tỷ đô la và các fan hoàn toàn có thể mơ về một ngày nào đó nó sẽ có mặt tại Olympic.

thể thao điện tử

Anh Daiki Kato.

Dù là một trong những cường quốc về game, nhưng eSport tại Nhật lại phát triển chậm chạp, thụt lùi hơn hẳn so với “hàng xóm” Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy vậy, lĩnh vực này cũng đang dần khởi sắc.

Với mong muốn mang đến cho các game thủ khuyết tật Nhật Bản cơ hội tham gia những cuộc thi chuyên nghiệp, nhân viên phúc lợi xã hội Daiki Kato đã thành lập một công ty có tên ePara vào năm 2016.

Công ty của Kato tuyển dụng những người chơi như Hatakeyama và Kitamura, cả hai đều 28 tuổi và cho họ thời gian để luyện tập các kỹ năng xen kẽ với những công việc tại công ty, bao gồm làm việc trên trang web và giúp tổ chức các sự kiện chơi game.

Hatakeyama chủ yếu tham gia các giải đấu Street Fighter V mở rộng (dành cho người khuyết tật hoặc không khuyết tật), đã nói rằng vẻ đẹp của các trò chơi đối kháng là "bạn có thể vượt qua tâm lý và thi đấu với những người khác nhau. Khi tôi chơi trong một giải đấu, tôi không muốn tình trạng khuyết tật của mình trở thành một vấn đề”.

Hatakeyama sinh ra với căn bệnh teo cơ thoái hóa và phải sử dụng xe lăn từ khi mới 6 tuổi. Anh ấy luôn yêu thích game chiến đấu, nhưng trong những năm qua, cơ bắp của anh ấy yếu đi rất nhiều khiến anh ấy không thể cầm được một chiếc điều khiển.

esport cho người khuyết tật

Game thủ Tekken 7 - Naoya Kitamura, do mắt không còn nhìn thấy nên anh sử dụng tai để lắng nghe chiêu thức dựa vào âm thanh.

Chán nản, anh ấy đã dừng chơi game trong sáu năm cho đến khi anh ấy và một người bạn đã ra một quyết định vào năm ngoái là thiết kế và chế tạo một bộ điều khiển tùy chỉnh mà anh ấy có thể điều khiển bằng cằm của mình. Sử dụng các ngón tay để nhấn các nút trên bàn phím máy tính, Hatakeyama cho biết anh đã nhanh chóng “bắt nhịp” trở lại với trò chơi.

Giờ đây, anh ấy cũng huấn luyện những người chơi khuyết tật khác, nói chuyện với họ về các combo phức tạp và đưa ra những mẹo về các nhân vật khác nhau.

"Nếu tôi chưa bao giờ chơi game đối kháng, tôi không nghĩ rằng mình sẽ cố gắng tìm ra giải pháp mỗi khi gặp điều gì khó khăn", anh cho biết.

Nhiều game thủ của ePara là người mới tham gia eSports và chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu tại các giải đấu.

Giám đốc công ty Kato tin rằng có một thị trường ngày càng tăng dành cho game thủ khuyết tật và ông cho rằng ngày nào đó, các nhà sản xuất sẽ bắt đầu ngồi lại và bàn bạc nghiêm túc về vấn đề này.

Ông nói: “Nếu có nhiều người bị khiếm thính hoặc khiếm thị chơi trò chơi, các nhà sản xuất game tạo ra nhiều trò chơi phù hợp với những người này hơn”.

esport

Bộ dụng cụ chơi game đặc biệt dành cho người bị mù, giúp họ cảm nhận trận đấu thông qua âm thanh.

Kitamura, người bị mù mắt bẩm sinh, nói rằng eSports có thể giúp thay đổi nhận thức rằng người khuyết tật "chỉ cần được hỗ trợ". "Tôi thực sự giỏi với máy tính và tôi có thể làm được nhiều hơn những gì mọi người nghĩ. Chúng tôi không phải lúc nào cũng cần được giúp đỡ, mà tùy thuộc vào hoàn cảnh, chúng tôi vẫn có thể giúp đỡ người khác. Đó là sự hợp tác", anh nói

Kitamura cho rằng bản thân thuật ngữ eSports cũng giúp ích, thể hiện hình ảnh của một cuộc cạnh tranh nghiêm túc hơn là "chỉ những người chơi game".

Năm vừa qua, eSport đã có mặt tại Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games và cũng sẽ là môn thi đấu chính thức tại Đại hội thể thao châu Á - Asiad/ Asian Games, được dời lại tổ chức vào cuối tháng 09/2023. Nhiều người tin rằng Olympic và Paralympic sẽ cân nhắc đưa môn thể thao điện tử này vào danh sách thi đấu trong tương lai.

Xem thêmeSports: Ngành công nghiệp tiềm năng tại Nhật Bản

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU