Yonmoku - Bài học giáo dục sâu sắc của học sinh Nhật

Bài: Nguyễn Thị Thu/ Ảnh: PIXTA Dec 30, 2017

"Yonmoku 四黙 - 4 hành động im lặng" là một trong những triết lí giáo dục sâu sắc giúp nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh được hầu hết các trường học Nhật Bản áp dụng trong các hoạt động tập thể. Vì sao lại cần có thời gian im lặng? Bởi vì việc im lặng khi hành động sẽ giúp trẻ có thể tiết kiệm được năng lượng, đồng thời giúp trẻ có thể tập trung vào một công việc nhất định. Yonmoku bao gồm các hành động sau đây:

1. Chodokusho - đọc sách buổi sáng trong im lặng (đọc thầm)

bài học giáo dục của học sinh Nhật
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Các trường học Nhật Bản thường dành ra 15 phút buổi sáng, từ khoảng 8 giờ 15 phút cho hoạt động tự đọc sách trong yên lặng này. Các em được tự do đọc những cuốn sách mình thích, có thể là sách tự mang đến hoặc mượn từ thư viện. “Sách chính là dinh dưỡng của tâm hồn”- việc đọc sách buổi sáng không chỉ giúp nuôi dưỡng một tâm hồn phong phú cho học sinh, mà còn tạo ra không khí yên tĩnh, dễ tiếp thu bài hơn. Mỗi ngày đọc từng chút một thì dần dần số sách các em đọc sẽ tăng lên, giúp các em trở nên yêu thích việc đọc sách hơn.

2. Mokudo seiso - Vệ sinh lớp học trong im lặng

Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, việc vệ sinh lớp học đã được giao cho các lao công, vậy thì vì sao một nước tiên tiến và giàu có như Nhật Bản vẫn “đày ải học sinh” như vậy? Bởi vì đối với người Nhật, việc lau dọn lớp học là hoạt động thiết thực để dạy học sinh “biết suy nghĩ đến người khác”, “biết ơn mọi người”, “tính nhẫn nại”, “sự tinh ý”, và “tinh thần vươn lên phía trước”. Các em được dạy rằng vệ sinh lớp học không phải chỉ là hoàn thành việc mình được phân công, mà hãy cùng nhau dọn dẹp để trường lớp chung của chúng ta sạch hơn. Việc vệ sinh lớp học được bắt đầu từ bậc tiểu học cho đến trung học. Sau hiệu lệnh lau dọn, thường là khoảng 10 phút sau giờ nghỉ trưa, các em học sinh sẽ đẩy bàn vào cuối lớp rồi quét nền nhà, dùng khăn lau. Các nhóm khác sẽ lau cửa kính, sàn hành lang. Tất cả đều được tiến hành trong im lặng. Sự im lặng không chỉ giúp các em tập trung hơn, mà còn để các em cảm nhận được một cách sâu sắc giá trị của bản thân đối với tập thể “À, hành động của mình có một giá trị nhất định đối với mọi người”.

3. Mokko - Suy nghĩ trong im lặng

bài học suy nghĩ trong im lặng
(Ảnh minh họa: Pixta)

Chỉ thực hiện khoảng 1 - 2 phút sau khi chào buổi sáng, trước giờ tan lớp, hoặc sau khi dọn vệ sinh lớp học xong. Tuy rất ngắn nhưng vô cùng quan trọng vì đó chính là thời gian để các em chỉnh đốn tác phong, nhắm mắt và thở sâu, thông qua đó lấy lại tâm thế bình tĩnh, suy nghĩ về một ngày vừa trôi qua với các hoạt động đã làm để tự mình đánh giá và cảm nhận, đồng thời giúp các em nâng cao năng lực tập trung, năng lực tư duy và loại bỏ đi những cảm xúc bất an lo lắng. Nhờ hoạt động này mà không ít học sinh đã có những suy nghĩ sâu sắc cho chính tương lai của mình.

4. Mokudo ido - Di chuyển trong im lặng

Khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản năm 2013, hình ảnh những đoàn người bình tĩnh xếp hàng nhận đồ hay di chuyển trong im lặng mà không hề có sự náo loạn hay tranh giành đã khiến thế giới vô cùng cảm phục. Cách hành xử ấy của người Nhật chính là nhờ bài học giáo dục “im lặng khi di chuyển” mà bất cứ ai cũng được dạy khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Không chỉ khi tham gia các buổi diễn tập gặp thiên tai như động đất, hay hỏa hoạn, mà ở bất cứ nơi nào tập trung đông người, học sinh Nhật cũng được dạy phải giữ im lặng, di chuyển nhẹ nhàng, nhanh gọn. Vì thế mà người Nhật luôn biết cách giữ trật tự và tránh gây ồn ào ảnh hưởng đến người xung quanh.

Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU