Vai trò của người mẹ trong nền giáo dục Nhật Bản

Bài: Thư Hiên. / Minh hoạ:KGP_PaylessJul 13, 2017

Còn nhớ, sau thảm kịch sóng thần năm 2011, nhiều người Việt Nam đã sửng sốt khi chứng kiến cách người Nhật vượt qua khó khăn và duy trì trật tự xã hội giữa cảnh đổ nát. Rốt cuộc thì điều gì đã làm nên một nước Nhật như thế? Câu trả lời hiển nhiên là: nền giáo dục tiên tiến của đất nước Nhật Bản. Và phía sau thành công đó là sự đóng góp không nhỏ của các bà mẹ.

Những đứa con khoẻ mạnh và sẵn sàng đến trường  

Vai trò của người mẹ trong nền giáo dục Nhật Bản

Theo số liệu thống kê mới nhất, tỉ lệ trẻ em từ 0-14 tuổi ở Nhật Bản đang ở mức thấp báo động. Từ 35,4% năm 1950 giảm còn 12,9% năm 2013. Và dự kiến đến 2050, tỉ lệ trẻ em ở Nhật chỉ còn chiếm 9,7% dân số. Trẻ em quả thật là báu vật tương lai của đất nước này. 
Có một câu ngạn ngữ Nhật nói rằng “người Nhật có 4 nỗi sợ: động đất, gió bão, hoả hoạn và… người cha”. Trong nhiều gia đình, người cha giống như khách vậy, đi làm từ sáng sớm và về nhà khi con đã ngủ. Họ chỉ dành thời gian cho vợ con vào mỗi cuối tuần. Chính vì vậy, người mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc và nuôi dạy con. Bên cạnh vai trò xã hội của người cha, trách nhiệm chính của hầu hết các bà mẹ là nuôi dưỡng một đứa con khoẻ mạnh, và thiết lập cho con những thái độ mang tính nền tảng để chuẩn bị đến trường như sự tự giác, khả năng thích nghi hay ý thức trách nhiệm…

Trên thực tế, các trường mẫu giáo ở Nhật chủ yếu là “chơi mà học” rèn luyện kỹ năng thay vì tập viết chữ hay học Toán. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ em Nhật Bản có thể đọc viết 46 ký tự Hiragana, cộng trừ 1 chữ số trước khi vào lớp Một nhờ được mẹ dạy ở nhà, thông qua các cuốn sách hay trò chơi…

Thành quả của phương pháp giáo dục mềm dẻo 

Vai trò của người mẹ trong nền giáo dục Nhật Bản

Không ít bà mẹ Việt Nam chạnh lòng trước hình ảnh tự lập của trẻ em Nhật Bản. Những cậu bé tiểu học mảnh khảnh nhưng không hề ốm yếu, tự tin đi bộ đến trường, vai mang cặp và tay xách ba bốn loại túi lỉnh kỉnh khác.

Phải chăng tính tự lập và trách nhiệm đã có sẵn trong bộ gen người Nhật, hay đó chính là kết quả của một phương pháp giáo dục mềm mại? Có thể thấy rằng các bà mẹ Nhật Bản hầu như rất hiếm khi la mắng con mà thay vào đó, cố gắng xoa dịu cảm xúc của đứa trẻ: “Nếu không muốn ăn, con có thể không ăn cũng được, nhưng con sẽ đói đấy”. Vài lần sau, đứa trẻ sẽ tự nguyện ăn hết phần ăn của mình, một cách thích thú. Khi hai anh em giành đồ chơi với nhau, thay vì bắt anh phải nhường em, người mẹ sẽ nói: “Con nhìn kìa, hình như em đang buồn phải không? Con hãy giúp mẹ dỗ dành em nhé!”

Cách giáo dục này từ từ dẫn dắt đứa trẻ thực hiện các trách nhiệm của nó một cách tự nguyện và hoàn toàn không có cảm giác bị ép buộc. Theo nguyên tắc đó, những đứa trẻ Nhật Bản dần dần trở nên tự giác trong việc học tập, cũng như sẵn sàng tuân thủ các nguyên tắc và lề thói chung trong xã hội.

Obento – mang theo sự bảo bọc của mẹ đến trường 

Vai trò của người mẹ trong nền giáo dục Nhật Bản

Các trường mầm non ở Nhật Bản đòi hỏi người mẹ phải đầu tư nhiều thời gian và tâm sức để hỗ trợ và đồng hành cùng con mình. Ví dụ dễ thấy nhất là phần đông bà mẹ Nhật phải tự làm rất nhiều công cụ như các loại túi xách, bao vở… theo kích thước và mẫu mã nhất định. Nếu có buổi học thể thao hay dã ngoại, mẹ phải chuẩn bị quần áo và cơm hộp cho con mang theo. Thỉnh thoảng, họ còn phải tham gia những hoạt động khác nhau ở trường như dọn dẹp, làm vườn…  Bên cạnh đó là những buổi họp phụ huynh hoặc câu lạc bộ các bà mẹ. Chưa kể các sự kiện chính thức như các lễ hội hay ngày kỷ niệm… diễn ra khá thường xuyên và cha mẹ luôn phải có mặt.

Đến trường là bắt đầu hội nhập và thích nghi với một môi trường tập thể, cũng là lúc đứa trẻ dần rời xa vòng tay người mẹ. Nhưng quá trình đó diễn ra rất chậm rãi. Ở đây, những hộp cơm Bento mà những đứa trẻ mang theo đến trường mỗi ngày đóng một vai trò lớn. Mỗi ngày, các bà mẹ Nhật lại tự tay chuẩn bị bữa ăn cho con mang đến lớp. Nó là biểu tượng của mối dây kết nối mẹ con, là hoá thân của vòng tay bảo bọc yêu thương. Cùng với nó, đứa trẻ an tâm làm quen môi trường xã hội lần đầu tiên của đời mình.

Có thể nói, hơn bất cứ đất nước nào, thành công của Nhật Bản là minh chứng rõ rệt cho sự kết nối cần thiết giữa gia đình và nhà trường, bắt rễ ngay từ mẫu giáo. Sau khi ngả mũ trước thành quả giáo dục của xứ hoa anh đào, có lẽ, các bà mẹ Việt Nam cần phải tự hỏi: “Chúng ta đã dành đủ thời gian cho con mình hay chưa?”

Hoikuen & Yochien

Vai trò của người mẹ trong nền giáo dục Nhật Bản

Ở Nhật Bản có hai loại trường dành cho trẻ trước khi vào tiểu học. Hai loại hình này đôi khi khiến nhiều người nước ngoài dễ nhầm lẫn, nhưng thật ra chúng có những khác biệt nhất định về mục tiêu, trách nhiệm và cách thức hoạt động. Điểm giống nhau là cả hai loại hình này đều không chú trọng việc dạy chữ hay làm toán, mà giống như một sân chơi để phát triển tính cách, kỹ năng cá nhân và rèn luyện xu hướng hoà nhập cộng đồng.

Yochien: trường mẫu giáo, do Bộ Giáo dục quản lý. Có cả trường công và trường tư. Nhận trẻ từ 3-6 tuổi. Giữ trẻ chỉ 5 tiếng/ngày. Một số trường yêu cầu học sinh phải mang theo bữa trưa từ nhà. Yochien không quy định các điều kiện nhập học, ngoại trừ độ tuổi và tất nhiên, học phí. Mục tiêu của Yochien là giáo dục, chuẩn bị cho trẻ em những kỹ năng và phẩm chất cơ bản trước khi vào tiểu học. Lớp học do các giáo viên phụ trách và chương trình giảng dạy dựa trên mục tiêu giáo dục.

Hoikuen: nhà trẻ, do Bộ Phúc lợi quản lý. Có trường công và trường tư. Nhận trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi. Bạn có thể gửi con 8-10 tiếng/ngày và cả thứ Bảy. Hoikuen được lập ra để đáp ứng nhu cầu xã hội, do ngày càng có nhiều bà mẹ đi làm, dành riêng cho những gia đình có hoàn cảnh không thể chăm sóc con. Thông thường bạn phải nộp tờ khai thuế thu nhập để chứng minh là mình có đi làm. Việc chăm sóc trẻ ở Hoikuen do các bảo mẫu phụ trách theo quan điểm của phúc lợi xã hội.

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU