Tiêu chuẩn chọn chồng của phụ nữ Nhật đã thay đổi như thế nào?
Bài: SAM
Sep 5, 2020
Ảnh: PIXTA
Tiêu chuẩn “Sanko” từng được nhiều người ưu chuộng
“Sanko” (三高) là cụm từ phổ biến nhất khi nhắc tới tiêu chuẩn chọn đối tượng kết hôn của những cô gái Nhật Bản vào giai đoạn cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990. Sanko là tiêu chuẩn 3 CAO được viết tắt từ 3 cụm từ:
- 高収入 (ko-shunyu): Thu nhập CAO
- 高学歴 (ko-gakureki): Học vấn CAO
- 高身長 (ko-shincho): Có chiều CAO
Cụm từ này được sinh ra vào thời kỳ Nhật Bản đang trong giai đoạn “Kinh tế bong bóng”. Trong khoảng thời gian này cả nước Nhật luôn sôi sục bầu không khí “Đi lên”. Trên tất cả mọi phương diện xã hội từ công việc đến bản thân, bạn bè hay đối thủ thì mỗi người đều không cho phép mình thua kém bất kỳ ai cả, ai ai cũng muốn cho mình cuộc sống phải tốt hơn người khác.
Trong giai đoạn này người Nhật luôn có tư tưởng rằng “những người nhận được sự giáo dục tốt sẽ có bước đệm tốt bước vào xã hội và kéo theo đó thì sẽ có được công việc với mức lương cao đồng nghĩa với một cuộc sống với điều kiện cao”. Vì thế sẽ không lạ khi những cô gái trong thời kỳ này lại đặt ra hình mẫu lý tưởng của mình là những chàng trai có “học vấn cao”, có “thu nhập cao” và ngoại hình lôi cuốn nhất định phải “có chiều cao” với kỳ vọng có một người chồng đem đến một cuộc sống tốt nhất cho mình.
3C – Cải cách quan điểm giá trị sống
Năm 1993 sau khi “bong bóng vỡ” nền kinh tế chậm lại thì quan điểm sống của người Nhật đã thay đổi rất nhiều, điều đó cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ về hình mẫu người chồng lý tưởng của các cô gái Nhật. Họ sống thực tế và quan tâm tới một cuộc sống gia đình thoải mái về mặt tinh thần hơn một cuộc sống xa hoa, đó chính là lý do có tiêu chuẩn 3C .
- Comfortable (快適 - Kaiteki): thoải mái – Đối với nữ giới thời kỳ này quan trọng hơn mức thu nhập cao là sự thoải mái của cuộc sống sau khi kết hôn với một mức thu nhập vừa đủ dễ chịu.
- Communicative (理解 - Rikai): thấu hiểu – Những đối tượng có địa vị và học vị ngang bằng hoặc nhỉnh hơn một chút sẽ đem lại cảm giác sẽ thấu hiểu nhau và dễ có tiếng nói chung trong sinh hoạt hàng ngày.
- Cooperative (協調 - Kyocho): hiệp lực – Giai đoạn này tỷ lệ nữ giới đi làm thay vì ở nhà nội trợ đã tăng lên rất nhiều, vì vậy họ mong muốn nửa kia của mình sau khi kết hôn có thể cùng nhau hợp sức cố gắng trong cả công việc lẫn chuyện gia đình và chăm sóc con cái.
Ngoài ra tiêu chuẩn 3C cũng có một số cách nói khác như: Cooperation (協力): hiệp lực, Comfort (快適): thoải mái, Consult (相談): trao đổi. Tuy nhiên tiêu chuẩn 3C này cũng hay bị nhầm với 3C khi nói về 3 thứ tài sản quan trọng thời kỳ đó cần có là : Color Television (Tivi màu), Cooler (Máy lạnh), Car (Xe hơi).
YONTEI – Tiêu chuẩn chọn chồng thời hiện đại
Theo như kết quả điều tra của một công ty Bảo hiểm nhân thọ vào năm 2012 thì mẫu nam giới lý tưởng của các cô gái Nhật thế kỷ 21 đã chuyển sang khái niệm mới đó là Yontei (四低) hay còn có thể nói là tiêu chuẩn 4 THẤP.
- 低姿勢 (Tei-shise): Tính gia quyền THẤP – Ít tính gia trưởng và không trọng nam khinh nữ.
- 低依存 (Tei-izon): Tính ỷ lại THẤP – Ít ỷ lại mà phó mặc việc gia đình, chăm sóc con cho vợ.
- 低リスク(Tei-risuku): Rủi ro THẤP – Ít có rủi ro sẽ ly hôn hoặc gây hôn nhân đổ vỡ.
- 低燃費 (Tei-nenbi): Chi phí sinh hoạt THẤP – Biết chi tiêu tiết kiệm và không phung phí tiền bạc.
Tiêu chuẩn chọn chồng của phụ nữ Nhật đã từ 3 CAO xuống còn 4 THẤP cho thấy trong giai đoạn nền kinh tế khủng hoảng này nữ giới đã không còn quá coi trong những hình mẫu xa vời mà chỉ mong muốn có một người chồng bình dị và sống cho gia đình, biết sẻ chia với mình nhiều hơn.
Nhật Bản xưa có câu thành ngữ “Trái tim phụ nữ dễ thay đổi như tiết trời mùa thu” (女心と秋の空), nhìn vào sự thay đổi cách chọn chồng thì quả nhiên khó biết lòng của các nàng để chiều theo. Tiếp sau đây, chúng ta cùng chờ xem sẽ còn bao nhiêu tiêu chuẩn được các nàng đặt ra nữa nhé!
kilala.vn