Nhận biết thiên hướng tính cách của con
Tính cách của người lớn và trẻ nhỏ được phát triển theo hai thiên hướng: hướng nội và hướng ngoại. Đôi khi, giữa bố mẹ và con cái tồn tại sự khác biệt về khuynh hướng tính cách, ví dụ như, bạn là người hướng nội nhưng con lại hướng ngoại hoặc ngược lại, những khác biệt này cũng sẽ tạo nên không ít khó khăn và rào cản giữa bố mẹ và bé.
Từ sau 3 – 4 tháng tuổi, bố mẹ đã có thể nhận thấy thiên hướng tính cách của con thông qua cách bé phản ứng với thế giới bên ngoài. Nhưng thiên hướng tính cách sẽ bộc lộ rõ nhất khi bé chuyển tiếp từ môi trường gia đình đến môi trường xã hội, đặc biệt ở tuổi bắt đầu đi học.
Trẻ hướng ngoại là trẻ thích các hoạt động giao lưu và có xu hướng tìm kiếm nguồn năng lượng từ thế giới bên ngoài, thích gây sự chú ý và cảm thấy thoải mái khi ở trong đám đông. Ở lớp học, chúng sẽ là những đứa trẻ hay trêu chọc bạn và lớn tiếng trả lời nhưng cũng là đứa trẻ nhiệt tình trong những hoạt động ở lớp,… Những đứa trẻ hướng ngoại dễ dàng tiếp thu thông tin khi được nói chuyện, giao tiếp, chúng tỏ ra buồn chán khi phải ở một mình.
Ngược lại, trẻ hướng nội là trẻ mẫn cảm với môi trường bên ngoài, không thích có nhiều người lạ xung quanh, chỉ thích giao tiếp với nhóm người gần gũi. Trẻ hướng nội được nạp năng lượng khi có không gian riêng và ở một mình. Trong lớp học, chúng sẽ là những đứa trẻ trầm tính, rụt rè, nhưng lại là đứa hay quan sát và có chiều sâu cảm xúc… Những đứa trẻ hướng nội tiếp thu thông tin tốt khi được làm việc với một nhóm nhỏ, chúng tỏ ra thu mình khi phải tiếp xúc với đám đông.
Hiểu đúng về thiên hướng tính cách của con
Tính cách của trẻ được hình thành từ cả yếu tố khí chất bên trong và môi trường bên ngoài. Không trẻ nào chỉ nghiêng hẳn về một kiểu hướng nội hay hướng ngoại. Bố mẹ thường mắc sai lầm khi nhìn nhận tính cách hướng nội như những khuyết điểm khi trẻ lớn lên trong một môi trường xã hội đòi hỏi tính hướng ngoại. Khi chưa thực sự hiểu nhu cầu của thiên hướng tính cách bên trong trẻ, bố mẹ thường dùng “quyền làm người lớn” và “quyền làm bố mẹ” để buộc trẻ phải điều chỉnh hành vi, vô tình sẽ gây ức chế cảm xúc và tâm lý không thoải mái cho trẻ.
Sự thành thục các kỹ năng xã hội không được quyết định bởi số bạn mà trẻ có ở trường, hay việc trẻ có thích đám đông không? Mỗi thiên hướng tính cách đều có những thế mạnh riêng. Bạn nên tập trung vào các ưu điểm, thay vì nghĩ rằng bé nhút nhát hãy luôn nhớ rằng đó là đứa trẻ có nội tâm sâu sắc; thay vì la mắng vì trẻ nghịch ngợm hãy nghĩ rằng trẻ có bản tính hoạt bát. Những suy nghĩ tích cực này sẽ giúp bố mẹ loại bỏ rào cản định kiến về tính cách trẻ, đến gần và hiểu trẻ hơn. Sau khi đã hiểu rõ thiên hướng tính cách của con, bố mẹ có thể dễ dàng giúp bé cảm thấy thoải mái, hạnh phúc tận hưởng vùng an toàn của mình, giúp con phát huy những ưu điểm và tìm điểm cân bằng trong cả hai thiên hướng tính cách.
Cách ứng xử với bé
Với mọi thiên hướng tính cách, bố mẹ nên tôn trọng cảm xúc, tính cách riêng của bé. Dưới đây là một số cách cụ thể với từng kiểu tính cách.
Với bé có tính cách hướng nội
Tôn trọng những khoảng thời gian chơi một mình của trẻ, thay vì, phàn nàn về việc bé có ít bạn hoặc ép bé kết bạn, bố mẹ nên khuyến khích bé xây dựng tình bạn với những trẻ khác có cùng sở thích. Các bé hướng nội hướng đến những tình bạn sâu sắc và lâu dài, luôn mất nhiều thời gian hơn để xây dựng một mối quan hệ.
Thay vì thúc giục trẻ, hãy chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ khi có sự thay đổi, cho trẻ thời gian làm quen với môi trường mới. Ngày đầu tiên đi học của bé sẽ rất khó khăn, bố mẹ nên nói với bé về việc này trước đó. Thay vì nhanh chóng ôm bé vào lòng khi bé tỏ ra lo lắng hãy nắm tay đi bên cạnh, trấn an và kích lệ bé.
Không nên phê bình khi trẻ tỏ ra nhút nhát. Nếu trẻ không chịu chào hỏi người lạ,thay vì nói những câu gây tổn thương cảm xúc như: “Con không có miệng à?” thì hãy nói với bé: “Con chưa chào vì con chưa quen nhỉ? Vậy khi ra về hãy chào tạm biệt nhé! Nhưng là người lịch sự lúc nào cũng chào hỏi nhau đấy!”
Lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của con, những trẻ hướng nội sẽ không nói ra ngay cảm xúc và nhu cầu của bản thân khi không cảm thấy an tâm, để hiểu con bố mẹ nên động viên và khơi gợi, cho bé thời gian và cảm giác an toàn.
Với bé có tính cách hướng ngoại
Kiên nhẫn lắng nghe bé, những đứa trẻ hướng ngoại luôn nôn nóng thể hiện điều mình muốn nói nhưng ở tuổi của trẻ khả năng diễn đạt chưa trôi chảy, bố mẹ dễ mất kiên nhẫn để hiểu hết điều bé muốn nói. Đừng phớt lờ bé hoặc nói thay bé vì bé sẽ quên những điều cần nói và đánh mất cơ hội rèn luyện kỹ năng diễn đạt.
Tôn trọng nhu cầu tự trải nghiệm cái mới của trẻ, những đứa trẻ hướng ngoại được mô tả như là những đứa trẻ thiếu thận trọng và có xu hướng nhảy bổ vào những điều mới lạ. Bé có thể ngay lập tức bắt chuyện với người lạ điều này khiến bạn lo lắng. Thay vì mắng và cấm trẻ tiếp xúc với người lạ hãy tập cho trẻ nhận dạng và ứng xử với tình huống xấu.
Cho bé lời khen ngợi đúng lúc, trẻ hướng ngoại luôn tìm thấy động lực từ những tác động bên ngoài, một lời khen ngợi dựa trên những nỗ lực của trẻ sẽ giúp trẻ tìm thấy niềm vui và tạo cảm hứng hoạt động đó vào lần sau.
Không nên quát mắng khi trẻ thiếu khiên nhẫn và thiếu tập trung, trẻ hướng ngoại bị hấp dẫn bởi những điều mới mẻ đồng thời cũng rất mau chán nản, đặc biệt là khi thực hiện việc đó trẻ gặp nhiều khó khăn. Đừng chê trách hay mắng con vì khuyết điểm này, với mỗi cố gắng của trẻ bố mẹ nên kèm theo lời khen ngợi và động viên.
kilala.vn