Sự khác biệt giữa trẻ tốt nghiệp trường Hoikuen và Yochien

Bài: Nguyễn Thị Thu/ Ảnh: PIXTASep 15, 2017

Hệ thống mầm non ở Nhật được chia ra làm 2 loại chính, gọi là “Hoikuen” (nhà trẻ) và “Yochien” (mẫu giáo). Thời gian gần đây còn xuất hiện mô hình kết hợp giữa Hoikuen với Yochien gọi là “Kodomo Ninteien”. 
Hoikuen
Dành cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi
Thời gian giữ trẻ: từ 8 - 12 tiếng/ngày
Là cơ sở giữ trẻ nằm dưới sự quản lí của Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản
Chủ yếu dành cho những cha mẹ đang đi làm muốn gửi con cả ngày.
Yochien
Dành cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi
Thời gian giữ trẻ: ngắn hơn Hoikuen, thường từ 9 giờ sáng đến 2 giờ hoặc 5 giờ chiều
Nội dung giảng dạy ở Yochien trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 2 giờ chiều đều nằm trong chương trình của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Cơ sở vật chất và môi trường giáo dục ở Yochien cũng phải đạt những tiêu chuẩn do Bộ giáo dục đề ra.

1) Hoikuen là nơi NUÔI DẠY trẻ, còn Yochien là nơi GIÁO DỤC trẻ

Chính từ sự khác nhau về mục đích thành lập nên phương châm giáo dục chính của HoikuenYochien cũng có những nét đặc trưng riêng. Nếu như Hoikuen giống như một nơi thay cha mẹ chăm sóc và nuôi dạy trẻ, thì Yochien được coi là nơi giáo dục trẻ ở thời kì tiền tiểu học. 

Sự khác biệt giữa trẻ tốt nghiệp trường Hoikuen và Yochien

(Ảnh: PIXTA)

2) Hoikuen dạy trẻ KỸ NĂNG SỐNG TỰ LẬP, Yochien dạy trẻ kỹ năng XÃ HỘI

Hoikuen rất chú trọng đến việc dạy cho trẻ những thói quen tự lập trong sinh hoạt (như tự đi vệ sinh, tự mặc quần áo, tự dọn dẹp), rèn luyện thể chất, xây dựng các mối quan hệ tình cảm, nuôi dưỡng cảm xúc và tạo cho trẻ niềm vui thích đối với bữa ăn cũng như quý trọng thực phẩm. Thông qua việc được nuôi dưỡng những cảm xúc yêu thương - buồn - vui, được giáo viên dành nhiều thời gian ôm ấp, khích lệ và được chú trọng đến quá trình phát triển cá nhân, trẻ ở Hoikuen sẽ cảm thấy bản thân được yêu mến và thừa nhận. Chính bởi cảm giác “được an toàn” khi sinh hoạt trong môi trường Hoikuen, trẻ sẽ dần hình thành động lực để cố gắng và tự mình làm được nhiều việc.

Sự khác biệt giữa trẻ tốt nghiệp trường Hoikuen và Yochien
(Ảnh: Vân Anh)

Trong khi đó, ở Yochien, những hoạt động đều có mục đích và được chia nhỏ thành những tiết học giống như khi trẻ vào tiểu học. Trẻ sẽ được chú trọng xây dựng những kỹ năng ứng xử với bạn bè, nuôi dưỡng năng lực giao tiếp xã hội cũng như tinh thần đoàn kết trong tập thể và khẳng định bản thân mình trong tập thể. Ở Yochien, các trải nghiệm đều hướng đến việc nuôi dưỡng cho trẻ tinh thần làm việc gì cũng phải cố gắng đến cùng và củng cố sự tự tin cho trẻ thông qua những hoạt động tập thể.

3) Trẻ ở Hoikuen thì TỰ LẬP hơn, trẻ ở Yochien thì CHỈN CHU hơn

Chính bởi phương châm chú trọng giáo dục cho trẻ những thói quen sinh hoạt hằng ngày, những đứa trẻ ở Hoikuen sẽ có chiều hướng cứng cáp hơn về kỹ năng mềm trong cuộc sống, có tinh thần tự lập, việc của bản thân thì bản thân sẽ tự làm. Chúng cũng được cho là có khả năng thích ứng tốt hơn so với trẻ ở Yochien, đồng thời cũng thể hiện cái tôi rõ rệt hơn.  

Sự khác biệt giữa trẻ tốt nghiệp trường Hoikuen và Yochien
(Ảnh: PIXTA)

Còn những đứa trẻ ở Yochien sẽ chỉn chu hơn và thiên về những kỹ năng giao tiếp xã hội. Khi đã làm việc gì, trẻ sẽ có xu hướng làm đâu ra đó, gọn gàng và biết thỏa hiệp với bạn bè hơn. Hằng năm, các trường Yochien sẽ tráo đổi học sinh với nhau để trẻ có cơ hội giao tiếp và làm quen với nhiều bạn mới. Thông qua đó, trẻ sẽ học được cách thích ứng với môi trường mới và những quy tắc giao tiếp, ứng xử với bạn bè.

4) Chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1

Dù là tốt nghiệp Hoikuen hay Yochien thì trẻ cũng sẽ vào học chung lớp 1 với nhau. Khi đó, cha mẹ sẽ cần phải chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng gì trước khi vào lớp 1?
Trẻ tốt nghiệp Hoikuen sẽ rất cứng cáp, tự lập nhưng trước khi vào tiểu học, cha mẹ cần dạy bảo thêm cho trẻ cách tuân thủ nguyên tắc sinh hoạt tập thể như lắng nghe người khác nói. Ngoài ra, có thể dạy trẻ làm quen với việc tập trung trong thời gian nhất định bằng cách đọc sách tranh (ehon) hay vẽ tranh,...
Còn với trẻ tốt nghiệp Yochien thì chính vì thời gian ở với mẹ nhiều hơn, đến 3 tuổi mới đi vào môi trường tập thể, thời gian ở trường cũng không nhiều nên cha mẹ sẽ cần dành nhiều thời gian để rèn luyện cho trẻ tinh thần tự lập và những kỹ năng tự phục vụ bản thân, như cho trẻ được tự mình chuẩn bị cặp sách, trang phục, dọn dẹp bàn học,...

Sự khác biệt giữa trẻ tốt nghiệp trường Hoikuen và Yochien

Tuy nhiên, dù là tốt nghiệp môi trường nào đi nữa thì điều quan trọng nhất cha mẹ cần làm là thừa nhận và tôn trọng cảm xúc của con, ở bên cạnh hỗ trợ cho con khi con có những xáo trộn về tâm lí trong môi trường mới. (Ảnh: PIXTA)  

Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU