Organic Food - Trở về với tự nhiên
Bài: Nguyên Giang / Ảnh: PIXTA, FlickrSep 5, 2017
Sau khi đã “bội thực” với các loại nông sản công nghệ cao kiểu biến đổi gen hay kích thích tăng trưởng, rất nhiều người tiêu dùng bắt đầu quay về với thiên nhiên, tìm đến thực phẩm hữu cơ. Đó không chỉ là xu thế tất yếu ở các nước phát triển mà cũng ngày càng lan tỏa ở cả Nhật Bản lẫn Việt Nam.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ trên toàn cầu
Thị trường thực phẩm hữu cơ thế giới đã tăng gần như từ không có gì đến hơn 70 tỷ USD trong 30 năm qua. “Organic” đã tạo được tiếng vang vì quy trình sản xuất theo hình thức cao của nông nghiệp sinh thái và đảm bảo cho người tiêu dùng khỏi nỗi lo về nguồn gốc và xuất xứ của thực phẩm.
Theo Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM), đến cuối năm 2013, thế giới có 170 quốc gia ứng dụng nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích 43.1 triệu ha, chiếm khoảng 1% diện tích đất nông nghiệp trên toàn thế giới. Tổng doanh thu từ thị trường thực phẩm hữu cơ thế giới đạt khoảng 72 tỷ USD trong năm 2013, tăng gần 5 lần so với năm 1999 (theo Organic Monitor). Dự đoán thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Người Nhật sẵn lòng trả giá cao cho sản phẩm hữu cơ
Người Nhật là một trong số những người tiêu dùng đòi hỏi khắt khe nhất trên thế giới và rất xem trọng vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm, cũng như có ý thức rất cao về vấn đề môi trường sinh thái. Chính vì thế, Nhật Bản được xem là thị trường hữu cơ tiềm năng nhất trong khu vực Châu Á. Người tiêu dùng đánh giá cao nhãn chứng nhận hữu cơ và thể hiện sự sẵn sàng trả giá cao cho mặt hàng có chứng nhận này.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đã vượt quá nguồn cung, đặc biệt sau sự ra đời của luật thực phẩm hữu cơ, có hiệu lực vào tháng 4/2001, yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn quốc gia mới. Từ “Hữu cơ” chỉ được sử dụng cho các loại thực phẩm được chứng nhận và đóng dấu niêm “Organic JAS”.
Nhật Bản có 10.611 ha đất nông nghiệp hữu cơ, chiếm 0.3% tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước. Có 2.130 nhà sản xuất hiện đang ứng dụng loại hình này. Theo khảo sát của IFOAM Nhật Bản, thị trường thực phẩm hữu cơ Nhật trong năm 2010 đạt khoảng 1.3 đến 1.4 tỷ USD. Tuy nhiên, thị phần hữu cơ chỉ chiếm 0.24% tổng sản lượng nông nghiệp nội địa.
Như vậy, rõ ràng thị trường hữu cơ của Nhật vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Điều này một phần do nguồn cung nội địa hạn chế, các kênh phân phối chưa phát triển, và đặc biệt là do quy định nhập khẩu của Nhật cực kỳ nghiêm ngặt.
Người Việt ngày càng quan tâm đến thực phẩm hữu cơ
Thực phẩm hữu cơ có lẽ vẫn còn khá mới mẻ với đa số người Việt. Tuy nhiên, nó đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng thành thị lựa chọn, vì những lo ngại về an toàn thực phẩm. Hệ thống các cửa hàng thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đang bán các mặt hàng khá phong phú với khoảng 300 sản phẩm từ các loại rau quả, trái cây, thịt, sữa… Ngoài những sản phẩm nuôi trồng trong nước, còn có các sản phẩm có chứng nhận hữu cơ quốc tế nhập khẩu từ Malaysia, Úc, Ấn Độ, Mỹ…
Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng là rất lớn nhưng quy trình sản xuất hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, năng suất thấp nên rất ít doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Thị trường cũng vì thế mà thiếu hụt nguồn cung.
Diện tích nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vào khoảng 37.490 ha, chiếm 0.4% tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước, và có 6.829 nhà sản xuất hiện đang ứng dụng loại hình canh tác này.
Thực tế cho thấy để tìm được một mảnh đất hội đủ điều kiện canh tác hữu cơ ở Việt Nam là rất khó, vì đất thâm canh nhiều năm đã tích tụ phân bón và thuốc trừ sâu. Do vậy, muốn bắt đầu canh tác hữu cơ, nhà nông phải chứng minh mảnh đất đó có ít nhất 3 năm không canh tác hoặc không sử dụng hóa chất. Trong quá trình canh tác chỉ được dùng phân bón hữu cơ tự ủ theo quy trình hoặc có chứng nhận quốc tế. Đồng thời việc phân tích mẫu đất cũng rất phức tạp, cần đến hơn 200 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu.
Nguyên Giang / kilala.vn
Đón xem trên Kilala vol.15:
Thực phẩm hữu cơ là gì ?
Vì sao thực phẩm hữu cơ được ủng hộ ?