Nuôi dưỡng tính kiên trì cho con

Bài: Nguyễn Thị Thu/ Ảnh minh họa: PIXTAJan 6, 2018

“Bé nhà tôi việc gì cũng chỉ làm giữa chừng là bỏ cuộc”.

“Bé nhà tôi rất thiếu tự tin và hay thất vọng khi làm sai cái gì”.

“Bé nhà tôi rất sợ bị thua hay thất bại, nên không có tính chủ động trong mọi việc”.

Đây là tâm sự của các bậc cha mẹ có con trong lứa tuổi 4, 5 trở đi đến hết tiểu học, giai đoạn mà các bé thường có xu hướng dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng và thiếu tự tin khi đối diện với một vấn đề khó nào đó. Bé nhà bạn nằm trong nhóm nào?

Nuôi dưỡng tính kiên trì và nhẫn nại cho trẻ không khó, nhưng nó lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và cách ứng xử tinh tế của ba mẹ trong những tình huống hàng ngày. Đôi khi sự nôn nóng, cáu giận của cha mẹ khi con làm sai hay mắc lỗi chính là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ thiếu tự tin và hay bỏ cuộc giữa chừng.

Bạn ứng xử như thế nào trước những lỗi sai của con?

nuôi dưỡng tính kiên trì cho con

(Ảnh minh họa: PIXTA)

Cách các bé được trải qua thất bại, cũng như suy nghĩ của cha mẹ trước thất bại của con là 2 nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến tính kiên trì của trẻ. Kiểu cha mẹ thường la mắng khi con làm sai: Khi con làm hỏng cái gì là cha mẹ liền mắng mỏ: “Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi, không được làm thế, phải chú ý chứ!”. Hay khi con bị điểm kém ở trường: “Mẹ đã nhắc phải học hành cho đàng hoàng bao nhiêu lần rồi”.

Trước mỗi thất bại của con, ba mẹ luôn dùng những từ ngữ phủ định và la mắng theo cảm tính. Đó là nguyên nhân đầu tiên khiến con mất tự tin để có thể duy trì sự nỗ lực đến cùng. Kiểu cha mẹ không muốn con mình thất bại: Những bậc cha mẹ càng nhiệt tâm với chuyện nuôi dạy con cái thì lại càng dễ rơi vào khuynh hướng này. Chỉ cần con gặp một chút khó khăn là chạy đến giúp ngay: “Con phải làm như vầy mới đúng này”, hay “Cứ như vậy thì con sẽ làm sai đấy”. Thế là ba mẹ đã tước đoạt đi cơ hội được trải nghiệm thất bại của con. Đặc biệt là ở giai đoạn 2 - 3 tuổi, trẻ còn chưa thành thục các kỹ năng thì nhiều bậc cha mẹ càng có khuynh hướng thích “vẽ đường trước cho hươu chạy” thay vì để con hươu đó tự suy nghĩ và học hỏi từ thất bại.

Hãy cho con quyền làm sai

Trước hết, cha mẹ hãy cho mình quyền được thất bại. Chính những cha mẹ gặp nhiều thất bại mới là những người dễ dàng nuôi dưỡng tính kiên trì cho con nhất. Họ sẽ nghĩ con thất bại cũng được, làm sai cũng được bởi đó chính là cơ hội để con học hỏi.

Bạn cũng đừng giúp con trốn tránh thất bại. Khi con muốn làm gì đó mà lóng ngóng, đừng sợ con làm hỏng mà vội vàng làm thay. Khi con làm mất đồ đạc, đừng vội mua đồ mới thay thế. Đừng dọn phòng, đừng chuẩn bị dụng cụ học tập cho con. Ngay cả khi con bị bạn bè nói xấu hay bỏ rơi, khoan ra mặt can thiệp thay con.

Những bậc cha mẹ luôn la mắng, chỉ trích khi con làm sai, và cấm đoán khi con muốn tự làm sẽ khiến đứa trẻ trở nên sợ thất bại, và thiếu tự tin vào bản thân. Thay vào đó, hãy cho con hiểu dù con có làm sai hay thất bại, ba mẹ vẫn luôn yêu và tin tưởng con. Hãy dạy con chịu trách nhiệm trước lỗi sai như tự mình sửa đổi, hoặc giúp con tìm ra nguyên nhân của thất bại.

Dùng ngôn ngữ tích cực khích lệ tinh thần của con

Khi con nói: “Con không làm được, mẹ giúp con với!” 

Thay vì bỏ mặc “Mẹ không biết đâu, con tự nghĩ đi”, hãy hỏi con: “Con không biết làm chỗ nào, nói cho mẹ nghe. Mẹ con mình cùng nghĩ xem nhé”. Cũng đừng chỉ ngay: “Con hãy làm như thế này” mà hãy đưa ra lựa chọn cho con tự suy nghĩ: “Mẹ nghĩ có cách khác, như vầy, con nghĩ sao”. Cũng đừng vội dùng những câu khích lệ như “Mẹ tin con sẽ làm được” vì nó không có tác dụng trong lúc tinh thần trẻ đang đi xuống, thay vào đó, hãy hỗ trợ ở mức mà trẻ cần. 

Khi con muốn bỏ cuộc: “Con không muốn làm nữa”

“Hãy nói cho mẹ nghe lí do nào?” “Con không biết” “Ồ vậy thì con nghĩ xem, đến tối nói lại cho mẹ nhé”. Trẻ con thường bất an và sợ bị thất bại hơn người lớn tưởng tượng. Vì thế khi con nói không muốn làm nữa, ba mẹ hãy khéo léo dẫn dắt để dò hỏi nguyên nhân, sau đó dùng những câu nói thể hiện sự đồng cảm để giúp con lấy lại sự tự tin: “À đúng là như thế nhỉ. Mẹ cũng từng bị như vậy đấy”. Sau đó hãy khích lệ: “Thất bại cũng được mà con. Chỉ cần con cố gắng hết sức là được. Còn nếu mình không thử tiếp tục, làm sao vượt qua nỗi sợ thất bại nhỉ”.

rèn luyện tính kiên trì cho trẻ

Hãy tạo cơ hội cùng con vượt qua khó khăn, chẳng hạn cùng con chơi một môn thể thao nào đó, leo núi, đạp xe hay đi bộ, ghép một bộ ghép hình, làm một dự án nhỏ... Tất cả đều là trải nghiệm tuyệt vời để giúp con nuôi dưỡng tính kiên trì (Ảnh minh họa: PIXTA)

Thừa nhận sự cố gắng

Khi con đã cố gắng mà vẫn thất bại, hãy thừa nhận sự cố gắng của con: “Mẹ tin con đã rất cố gắng. Kết quả hơi đáng tiếc nhỉ”. Hãy coi trọng quá trình cố gắng của con hơn là nhìn vào kết quả.

Giúp con rút ra bài học từ thất bại

Khi con bị điểm kém trong kì thi, đừng chỉ trích: “Mẹ nói rồi mà không nghe”. Hãy gọi tên cảm xúc con đang trải qua: “Mẹ biết con đang buồn”. Hãy nêu ra điểm cố gắng của con: “Con đã hơn 2 điểm so với bài trước rồi đấy”. Sau đó hãy hỏi để con tự rút ra bài học: “Vậy lần sau theo con mình nên làm gì?”

Xây dựng nền tảng kiên trì từ những việc nhỏ hàng ngày

Trải nghiệm niềm vui “Con làm được rồi này” chính là những viên gạch đầu tiên để xây dựng động lực cố gắng cũng như tính kiên trì cho trẻ. Vì chỉ khi trẻ được trải qua niềm vui đạt được kết quả nhờ sự cố gắng, trẻ mới hiểu mình cần phải kiên trì để thực hiện nó đến cùng. Giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi chính là giai đoạn quan trọng nhất để xây dựng nền tảng này cho con.

Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU