Nuôi dạy trẻ thời smartphone

Bài: Nguyễn Thị Thu/ Ảnh: PIXTAJan 11, 2018

Nếu như thế hệ 7X, 8X lớn lên trong thế giới chưa có điện thoại di động hay máy tính bảng, và ứng dụng internet duy nhất chúng ta biết chỉ là Yahoo Messenger, thì ngày nay, chúng ta đã trở thành ba mẹ ở thời đại công nghệ với điện thoại thông minh (smartphone), lượng thông tin ngập tràn và rõ ràng là gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy con cái hơn ba mẹ chúng ta ngày xưa.

Ảnh hưởng của smartphone đối với trẻ

Tác động đến sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ

Những đứa trẻ xem điện thoại nhiều trước giờ đi ngủ sẽ khó vào giấc ngủ, vì ánh sáng xanh phát ra từ màn hình khiến cho mắt bị kích thích và khi cơ thể tiếp nhận ánh sáng này sẽ tự động chuyển thành cơ chế hoạt động vào ban ngày. Đặc biệt đối với trẻ con, giấc ngủ là điều vô cùng quan trọng, ngủ muộn hoặc ngủ không sâu sẽ khiến trẻ cáu giận, mệt mỏi. Việc tập trung một lúc lâu vào màn hình cũng là nguyên nhân khiến thị lực của trẻ bị giảm sút.

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, thiếu kỹ năng giao tiếp

Giai đoạn 0 - 3 tuổi là thời kì vàng để con hình thành nền tảng ngôn ngữ cũng như xây dựng sợi dây gắn kết với bố mẹ, kỹ năng giao tiếp với mọi người. Gia đình là nơi đầu tiên giúp trẻ xây dựng kỹ năng giao tiếp thông qua việc trò chuyện cùng nhau. Nếu sự tương tác trực tiếp với ba mẹ quá ít, trẻ sẽ không học được cách xây dựng mối quan hệ với người khác. Do đó, trẻ sẽ bị thiếu hụt kỹ năng đọc cảm xúc của người khác, hay “đọc” được không khí của buổi trò chuyện để từ đó có hành vi phù hợp.

nuôi dạy trẻ thời smartphone
(Ảnh: PIXTA)

Kỹ năng đọc hiểu kém đi

Dựa trên báo cáo năm 2015 của chính phủ Nhật thì có tới 33,6% giới trẻ ở độ tuổi lên 10 sử dụng điện thoại thay cho đọc sách, và tỉ lệ ấy ở độ tuổi 20 là 30,1%, và 40% sinh viên hầu như không đọc sách. Chính vì không chịu đọc sách giấy nên khả năng đọc hiểu cũng kém đi, ảnh hưởng đến năng lực học tập chung của trẻ.

Rất nhiều công ty Nhật đã lên tiếng về việc những nhân viên mới vào yếu kém kỹ năng viết văn bản, cách diễn đạt hành văn, cũng như kỹ năng sử dụng máy tính, bởi vì họ đã quen với việc nhắn tin trên điện thoại. Theo nhận xét của giáo sư Ogo Yoichiro ở trường đại học Kanagawa, sinh viên mới vào học chỉ biết đánh máy bằng một tay, không biết cách viết email đúng chuẩn,...

Mắc các bệnh về tâm lí như trầm cảm, không cảm thấy hạnh phúc vì "Chứng bệnh nghiện điện thoại"

Nghiện điện thoại có thể coi là một căn bệnh mới trong quá trình trưởng thành của đứa trẻ hiện đại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả người lớn lẫn giới trẻ đều đang mắc các chứng bệnh về tâm lí nhiều hơn: dễ nổi cáu, khó kiềm chế cảm xúc hơn, và ít cảm thấy hạnh phúc hơn, tâm lí dễ bị tổn thương hơn. Đôi khi chỉ một vài lời bình luận ác ý từ bạn bè trên mạng cũng khiến đứa trẻ trở nên không còn tự tin vào bản thân hay thậm chí tự tử. Chính việc ít tương tác trực tiếp với mọi người sẽ khiến trẻ bị thiếu đi những năng lực sống giúp chúng vượt qua những cú sốc về tâm lí.

Cho trẻ sử dụng smartphone hiệu quả

Một điều tra ở Mỹ năm 2015 với 10.000 phụ huynh Mỹ có con ở độ tuổi 10 đang sử dụng smartphone đã cho kết quả, việc cấm con sử dụng smartphone là vô hiệu. Thay vì cấm đoán, ba mẹ cần nghĩ đến những cách sử dụng smartphone hay thiết bị công nghệ một cách hiệu quả hơn. Dưới đây là 5 quy tắc mà Hiệp hội nhi khoa đã khuyến cáo mọi ba mẹ Nhật:

❖ Trước khi trẻ tròn 2 tuổi, hãy hạn chế cho trẻ tiếp xúc với tivi, video hay thiết bị công nghệ

❖ Không được cho trẻ vừa bú sữa, vừa ăn, vừa xem tivi hay điện thoại, các thiết bị công nghệ

❖ Với trẻ từ 2 tuổi trở lên, tổng thời lượng tiếp xúc với các thiết bị công nghệ bao gồm tivi, smartphone, máy tính bảng... nên tối đa là 2 tiếng/ngày 

❖ Trong phòng của trẻ không nên để tivi, máy tính cá nhân

❖ Ba mẹ và con cái hãy cùng nhau trao đổi để đưa ra quy tắc chung trong gia đình về việc sử dụng các thiết bị công nghệ

dạy trẻ sử dụng smartphone hiệu quả
(Ảnh: PIXTA) 

Ngoài ra, tùy theo từng lứa tuổi mà ba mẹ cần có sự linh hoạt trong cách áp dụng:

 Với trẻ dưới 10 tuổi

Trẻ ở độ tuổi này có nhu cầu sử dụng điện thoại chưa cao và vẫn trong tầm kiểm soát của ba mẹ. Vì thế việc tạo thành thói quen sử dụng smartphone hay những thiết bị công nghệ có quy tắc rõ ràng và có sự hạn chế về thời gian là điều dễ dàng nhất và cũng cần thiết nhất. Các nhà khoa học đều khuyến cáo rằng ba mẹ chỉ nên cho trẻ xem tối đa 30 phút mỗi lần để không ảnh hưởng đến thị giác.

Ngoài ra, ba mẹ nên đưa ra những quy tắc trong bữa ăn như không xem tivi, điện thoại hay máy tính bảng để ba mẹ và các con cùng nghiêm túc thực hiện. Khi con muốn sử dụng điện thoại của ba mẹ thì phải xin phép, nếu không có sự đồng ý thì con không được lấy dùng, điều này sẽ dạy trẻ học cách tôn trọng đồ đạc của người khác kể cả ba mẹ.

Dùng đồng hồ bấm giờ để nhắc con thời gian quy định cho việc sử dụng smartphone, máy tính bảng đã hết, nếu không giữ lời hứa thì từ lần sau sẽ không được dùng. Thi thoảng cũng có thể cho phép con sử dụng thêm 5 phút để làm phần thưởng cho sự cố gắng.

▪ Với trẻ trên 10 tuổi

Trước khi mua điện thoại cho con, ba mẹ nên cùng thống nhất với con về "những quy tắc sử dụng điện thoại-mạng internet trong gia đình". Ba mẹ có thể tham khảo một vài quy tắc như:

❖ Không dùng điện thoại nói chuyện với bạn sau 10 giờ tối
❖ Không dùng mạng internet để làm tổn thương bạn bè, người khác như bình luận ác ý
❖ Không công khai trên mạng xã hội những thông tin riêng tư của cá nhân, gia đình
❖ Không nghe theo lời rủ rê gặp mặt của người lạ quen biết trên mạng
❖ Khi có vấn đề gì khó khăn, rắc rối, phải trao đổi ngay với người thân và người xung quanh

Ba mẹ cần trò chuyện với con về những mặt tích cực và mặt trái của việc dùng smartphone để truy cập internet. Từ đó để con trẻ tự đưa ra những quy định cho chính mình, chứ không phải là sự áp đặt từ ba mẹ. Cách giáo dục này sẽ giúp trẻ xây dựng tính tự chủ, học cách làm chủ được bản thân. Điều quan trọng nhất khi trao đổi về việc sử dụng điện thoại với các con đang trong độ tuổi mới lớn chính là nếu trẻ vi phạm quy định đã đề ra thì sẽ chịu hình thức phạt nào. Và ba mẹ nên nghiêm túc thực hiện để trẻ học được tính chịu trách nhiệm.

Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU