Những món ăn của mùa thu

Bài và minh họa: Lăng Vi / Ảnh: PIXTA, FlickrSep 26, 2017

Mùa thu Nhật Bản không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh lãng mạn hữu tình mà còn bởi những nguyên liệu thực phẩm, món ăn theo mùa ngon lành, nhiều dinh dưỡng như cá thu đao, hạt dẻ, nấm Matsutake,...

Hương vị mùa thu chính là Sanma! 

Theo bảng khảo sát quy mô toàn Nhật Bản của công ty DO HOUSE vào năm 2014, đối tượng là người Nhật trong lứa tuổi 20 - 60, với câu hỏi “Nhắc đến hương vị mùa thu, bạn nghĩ đến thực phẩm nào?”, vị trí đầu bảng đã thuộc về Sanma - Cá thu đao, chiếm 52,5%. Các thứ hạng từ 2 đến 5 lần lượt là Hạt dẻ (43,2%), Nấm Matsutake (30,9%), Quả hồng (26,6%) và Quả lê (26,2%).

Cá thu đao (Sanma)

cá thu đao Sanma nướng muối
(Photo:  tsuppyinny / PIXTA)

Sanma có hương vị tuyệt hảo nhất là trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 khi mà lượng mỡ trong cá lên đến 20%. Cách thưởng thức cá thu đao kinh điển nhất là nướng muối (Shioyaki) và dùng chung với củ cải trắng mài nhuyễn và một ít chanh hoặc nước tương Nhật. Cá thu đao không phải là thực phẩm đắt tiền nhưng lại sở hữu hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là EPA và DHA - những chất cần thiết cho sự phát triển não bộ và võng mạc mắt.

Hạt dẻ 

mù hạt dẻ ở Nhật

Ở Nhật Bản, mùa hạt dẻ bắt đầu từ khoảng cuối tháng 8 kéo dài đến hết tháng 11. Hạt dẻ khá đa dạng về chủng loại nhưng thường thấy nhất là loại Ginyose, Tanzawa và Tsukuba,... Hái nấm và nhặt hạt dẻ là hoạt động được mong chờ nhất vào mùa thu. Tỉnh Ibaraki là địa điểm nhặt hạt dẻ nổi tiếng nhất Nhật Bản với nhiều nông trại trái cây mở cửa cho khách tham quan.

Nấm Matsutake

nấm Matsutake
(Photo: rc! )

Mùa thu thật đáng mong chờ khi có nấm Matsutake! Hương thơm kích thích vị giác, dinh dưỡng giàu khoáng chất, nấm Matsutake thường được thưởng thức bằng cách nướng than, nấu với cơm, canh Osuimono,... Tuy nhiên không phải ai cũng có cơ hội nếm qua loại nấm nổi tiếng đắt đỏ này. Cố đô Kyoto, tỉnh Hyogo và tỉnh Nagano là những nơi nổi tiếng về nấm Matsutake. 

Món ngọt mùa thu của phái nữ Nhật Bản

Theo bảng khảo sát quy mô toàn Nhật Bản của công ty DO HOUSE vào năm 2014, đối tượng là phái nữ người Nhật trong lứa tuổi 20 - 60, với chủ đề "Món ngọt mùa thu”, vị trí thứ nhất là món Suiito Poteto - Khoai lang nghiền, chiếm 37,2%. Các thứ hạng từ 2 đến 5 lần lượt là Khoai nướng (30,4%), Bánh ngọt hạt dẻ (19,6%), Bánh ngọt táo (18,8%) và Purin bí đỏ (14,6%).

Khoai  lang nghiền (Suiito Poteto)

khoai lang nghiền Suiito Poteto
(Photo: Hungry Works / PIXTA)

Với người Nhật, Suiito Poteto là tên một món ngọt làm từ khoai lang. Khoai lang được luộc chín, nghiền nhuyễn mịn, trộn với đường, bơ, sữa, nặn thành hình tùy thích rồi đem đi nướng. Hương thơm kích thích dạ dày quyện từ khoai và bơ khi nướng cùng vị ngọt bùi beo béo chính là điểm quyến rũ của món này.

Khoai nướng 

Khoai lang nướng
Khoai lang nướng là biểu tượng mùa thu Nhật Bản (Photo: miku / PIXTA)

Không chỉ ở hương vị, người Nhật yêu thích cảm giác cầm trên tay củ khoai nóng hổi, vừa thổi phù phù vừa thưởng thức. Khoai nướng là một trong những biểu tượng đại diện cho mùa thu Nhật Bản.

Bánh ngọt hạt dẻ 

bánh hạt dẻ Mont Blanc
(Photo: hiro201 / PIXTA)

Hạt dẻ là nguyên liệu của nhiều món bánh ngọt vào mùa thu như bánh bông lan kem, bánh pie hay bánh tart,... Nhưng nổi bật nhất chính là Mont Blanc với đế bánh nhẹ mềm phủ kem hạt dẻ ngọt béo.  

Khoai lang viên

bánh Khoai lang viên
(Photo: mashiko / PIXTA)

Món bánh nướng từ khoai lang nghiền và hạt dẻ là món yêu thích của người lớn lẫn trẻ con Nhật Bản vào mùa thu.

Nguyên liệu (10 viên)
Hạt dẻ …………...….…….. 200g
Đường …………...……….. 200g
Nước …………….....……. 200ml
Khoai lang …….…...…….. 300g
Bơ ………….….…..…....….. 20g
Đường ……......... 2 muỗng canh
Lòng đỏ trứng .......... 1 - 2 trứng

Thực hiện:

hướng dẫn làm khoai lang viên
(Minh họa: Lăng Vi)

① Làm hạt dẻ nấu đường
Hạt dẻ tách vỏ, luộc sơ rồi vớt ra. Đun hạt dẻ cùng 200ml nước, 100g đường trong 10 phút với lửa nhỏ. Cho thêm 100g đường còn lại, đun 10 phút. Đậy nắp, để nửa ngày hoặc qua đêm để hạt dẻ thấm vị ngọt. Cắt hạt lựu để làm khoai lang viên.

② Luộc khoai chín, nghiền mịn. Trộn đều bơ, đường, khoai lang và hạt dẻ rồi vo thành 10 viên kích thước bằng nhau. Phết lòng đỏ trứng lên bề mặt. 

③ Xếp khoai lên khay nướng, phủ giấy bạc rồi nướng đến khi khoai vừa chuyển màu vàng nâu là hoàn thành. 

Bài: Lăng Vi / kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU