Những ấn tượng sâu sắc về mầm non Nhật Bản
BÀI NGUYỄN THỊ THU. ẢNH PAYLESSIMAGE Jan 12, 2018
Không khí vui tươi, thân thiện, giáo viên luôn mỉm cười
Điều ấn tượng đầu tiên về mầm non Nhật không phải là cơ sở vật chất khang trang mà chính là ở thái độ của giáo viên với học sinh. Trẻ sẽ tin tưởng và nghe lời thầy cô khi trẻ cảm nhận được tình yêu và sự an toàn khi ở bên thầy cô. Trẻ sẽ mỉm cười vui vẻ khi chính thầy cô là người luôn vui vẻ mỉm cười với trẻ. Trẻ sẽ chỉ tự tin và hứng thú với mọi việc khi được thầy cô ghi nhận sự nỗ lực của bản thân và khích lệ sự cố gắng. Chính vì thầy cô là người cho trẻ những điều ấy nên trẻ em Nhật luôn là những em bé vui tươi, tự tin, chào hỏi khi gặp mọi người, Ngay từ lúc đón trẻ các thầy cô khi thấy trẻ trong tầm mắt mình đều sẽ chào trẻ trước bằng thái độ rất thân thiện, trìu mến “Cô chào Trung”, rồi chào phụ huynh, sau đó sẽ để trẻ tự cởi tất, giày để lên vị trí của mình rồi nhắc trẻ tạm biệt ba mẹ. Muốn trẻ chào hỏi trước hết người lớn phải là tấm gương cho trẻ học tập, vì thế mà các thầy cô chào hỏi chính là cách tốt nhất để trẻ tự học cách chào hỏi lại.
Ứng xử khéo léo, nhẹ nhàng khi uốn nắn
Với mỗi hành vi của trẻ dù là chưa tốt đi nữa, các thầy cô luôn có cách ứng xử rất khéo léo, nhẹ nhàng tiếp nhận mong muốn của trẻ rồi mới đưa ra phương án thay thế hoặc giải thích vì sao không nên làm. Với việc uốn nắn về thói quen tự lập như tự xúc ăn, tự mặc rồi thay quần áo, đi vệ sinh giáo viên luôn biết cách dẫn dụ để khích lệ hứng thú cũng như sự cố gắng của trẻ, tuyệt đối tôn trọng tâm trạng khi ấy xem trẻ có muốn làm hay không, chứ không hề có sự bắt ép. Có lẽ chính vì các cô đều tươi cười, vỗ tay khích lệ với từng nỗ lực nhỏ nhất của trẻ như khi trẻ tự đưa được thìa cơm vào miệng, tự tháo được chiếc giày, đã khiến trẻ luôn tự tin và tích cực trong mọi hành động.
Mình còn nhớ buổi đón con trai mình hôm đó, bé 22 tháng tuổi và chưa tự xỏ tất được, nhưng hôm ấy đòi xỏ tất. Mẹ banh miệng tất để bé giơ chân lên xỏ vào, rồi bé tự kéo tất lên nhưng kéo mãi chưa được. Cô giáo ngồi cùng khích lệ “Cố lên, sắp được rồi”, khiến bé thích thú cố gắng kéo mãi cũng gần được hoàn thiện, thế là cô giáo và mẹ cùng một cô giáo nữa ở gần đấy đều vỗ tay vui mừng khích lệ “Con rất cố gắng, con làm tốt lắm” khiến bé cười sung sướng. Đó là một trong những điều nhỏ mình học hỏi được từ chính các cô về cách ghi nhận và khích lệ với từng cố gắng nhỏ nhất của con.
Nuôi dưỡng tính tự lập và biết nghĩ cho người khác
Trường mầm non Nhật chú trọng nuôi dưỡng tính tự giác, tự lập cũng như những kỹ năng sinh hoạt trong tập thể đầu tiên rồi mới đến việc phát triển trí tuệ. Bắt đầu từ gần 1 tuổi trẻ đã được dạy tập xúc, tập cởi tất cởi giày, dọn dẹp đồ chơi, đến 2 tuổi sẽ là tự đi giày, đội mũ, mặc quần áo. Và đến 3 tuổi trở đi sẽ biết tự chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa, tự mang đồ và kiểm tra đồ của mình trước khi về, 4 và 5 tuổi sẽ không chỉ trải đệm cho mình ngủ mà còn trải đệm cho các em nhỏ 0-1-2 tuổi, thức dậy sau ngủ trưa sẽ gấp chăn đệm và chuẩn bị bữa ăn phụ. Ngoài ra còn có thời gian để các anh chị lớn chơi và chăm sóc cho các em nhỏ hơn như một môn học về kỹ năng sống.
Giáo viên rất chịu khó làm đồ chơi handmade
Ngoài thời gian trẻ được đi dạo ngoài công viên mỗi ngày để trải nghiệm và vận động, thì thời gian chơi tự do trong phòng hay chơi có chủ đích đều là những trò chơi và học mà giáo cụ hầu như là đồ các giáo viên tự làm. Nhất là những trẻ dưới 3 tuổi chưa thành thạo việc cắt thì giáo viên sẽ cắt tạo hình trước để cho các bé tập tô màu và tập dán. Những trò tập kịch, tạo hình đều được giáo viên chuẩn bị giáo cụ rất công phu và khéo léo.
Ăn nhiều rau và làm quen với nhiều loại thực phẩm
Giai đoạn ở mầm non, đặc biệt là giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi điều quan trọng nhất là cho trẻ tập nhai, tập làm quen với nhiều loại thực phẩm để phát triển vị giác cũng như hình thành thói quen ăn uống khoa học. Mỗi bữa ăn của trẻ đều được cân bằng bởi những thành phần dinh dưỡng chính là: tinh bột, chất đạm, chất xơ, vitamin và nước súp miso hoặc súp rau củ từ các loại thực phẩm phong phú. Trong bữa ăn giáo viên sẽ tao ra không khí vui vẻ, cùng trò chuyện với trẻ về những thực phẩm trong bữa ăn, dẫn dụ để trẻ tập thử ăn những loại rau mới, và không ngừng khen “ngon quá, ngon quá” để trẻ học tập cách thể hiện cảm xúc. Có lẽ chính vì thói quen này mà người Nhật rất hay khen và biểu hiện cảm xúc khi ăn như một cảm giác hạnh phúc với món ăn và biết ơn người nấu nướng. Với con trẻ sự biểu hiện cảm xúc trước một sự vật, sự việc hay hành động nào đó chính là kỹ năng rất quan trọng để nuôi dưỡng năng lực cảm thụ và khả năng biểu cảm.
Tích cực bổ sung nước
Điều khiến mình ngạc nhiên đó là ở mầm non các thầy cô rất chú ý đến việc bổ sung nước cho trẻ. Nhà trường thường cho trẻ uống nước trà lúa mạch vì có nhiều chất khoáng tốt cho sức khỏe. Với những trẻ 1 tuổi thì cứ tầm 30 phút sẽ được uống nước một lần. Những trẻ lớn hơn sẽ là 1 tiếng uống nước một lần và uống tập trung trước khi bắt đầu hoạt động chơi kéo dài khoảng 1 tiếng. Đặc biệt là ở dịp hè thì nhà trường luôn thông báo tư vấn với phụ huynh về nguy cơ mất nước của trẻ khi chơi ở ngoài để phụ huynh chú ý. Có lẽ chính vì thói quen được uống nhiều nước từ khi còn nhỏ này mà mọi người Nhật đều có thói quen uống rất nhiều nước.
Chăm sóc vệ sinh sạch sẽ cho trẻ
Yếu tố chăm sóc vệ sinh sạch sẽ cho trẻ luôn được nhà trường coi trọng. Mỗi ngày trẻ đều phải thay 1 bộ quần áo mới trước giờ ngủ trưa. Với những trẻ còn đang dùng bỉm thì mỗi ngày cha mẹ đều mang tới 5 chiếc bỉm vừa dùng vừa để dự phòng. Thầy cô sẽ nắm bắt thời gian đi vệ sinh của trẻ ngoài thời gian trẻ được đi vệ sinh có lịch là trưa, ngủ dậy, và trước khi về. Không gian trong nhà trẻ luôn sạch sẽ và tuyệt đối không có mùi uế. Trẻ sẽ được học cách chải răng và tự chải răng sau khi ăn trưa mỗi ngày từ tầm 3 tuổi.
Nhà vệ sinh sạch sẽ
Người Nhật vốn coi trọng sự sạch sẽ, đặc biệt là ở nhà vệ sinh. Người Việt Nam chúng ta hay quan niệm nhà vệ sinh thì gắn với hình ảnh “không sạch”, nhưng người Nhật lại coi nhà vệ sinh như một nơi “thư giãn vì đó là nơi để chúng ta trải qua một trong tứ khoái” vì thế mà nhà vệ sinh luôn được chú trọng giữ gìn. Trong nhà vệ sinh luôn được trang bị nước rửa tay, khăn khô để lau tay và dép đi trong nhà. Những dụng cụ dọn rửa nhà vệ sinh sẽ đều được cất vào kho, tủ đựng hay ở nơi ngoài tầm mắt mình nhìn thấy.
Trẻ mầm non sẽ được hướng dẫn cách đi vệ sinh, ngồi bồn ra sao, đi xong phải đậy nắp bồn, ngoài giấy vệ sinh ra không được bỏ bất cứ thứ gì vào bồn cầu, cách rửa tay, lau tay và chú ý vặn vòi nước đừng quá to nước sẽ bắn ra ngoài. Ngay từ nhỏ trẻ đã được dạy về thói quen là “phải giữ gìn sạch sẽ cho người dùng tiếp theo”, nó đến từ hành động rất nhỏ như đi dép xong thì hoặc để dép trên giá, hoặc để dép ngay ngắn quay đầu ở tư thế người tiếp theo chỉ việc xỏ chân vào. Chính vì thói quen này mà ở bất kỳ khu vệ sinh tập thể hay ở nhà nghỉ ryokan nào cũng đều có những đôi dép đi trong nhà vệ sinh, người Nhật đi xong sẽ để lại ngay ngắn trong tư thế sẵn sàng cho người tiếp theo xỏ chân.
Nhà trường tư vấn cho phụ huynh
Không chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh thông qua sổ liên lạc hàng ngày hay phổ biến các kỹ năng tự lập, mà trường mầm non còn là nơi tư vấn cho phụ huynh về mọi vấn đề khó khăn gặp phải trong quá trình nuôi dưỡng trẻ. Từ chuyện trẻ không chịu ăn, không chịu xúc, không nghe lời, thời kỳ phản kháng…đều được các giáo viên tư vấn rất tận tình. Chính từ sự tin tưởng với môi trường gửi gắm con mình mà phụ huynh có thể an tâm làm việc.
Nguyễn Thị Thu/kilala.vn