Chị Đặng Thị Tuyến hiện là phiên dịch cho nghiệp đoàn quản lý thực tập sinh Việt Nam ở thành phố Nagaoka, tỉnh Niigata, Nhật Bản. Dù trải qua quá trình sinh nở cách đây đã 5 năm, thế nhưng những kỉ niệm ấy đối với chị cũng không thể nào quên.
Khám thai, nhận phiếu khám răng miễn phí: Khi bắt đầu mang thai, tôi đến bệnh viện khám và được các y tá, bác sĩ ở ở Bệnh viện Nisseiki Nagaoka (hay Bệnh viện chữ thập đỏ Nagaoka) hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình. Khám xong, tôi nhận giấy giới thiệu để ra tòa thị chính nhận sổ Mẹ con. Đây là quyển sổ rất quan trọng mà mỗi bà mẹ khi sinh đều nhận được. Sổ có mã số sẽ theo bé đến năm 10 tuổi. Ngoài ra, mẹ còn nhận được phiếu khám răng miễn phí vì bị đau răng lúc mang thai sẽ rất nguy hiểm và giấy tờ dành cho bà bầu để được ưu tiên ở những khu vực như bãi đỗ xe, hoặc mẹ bầu không cần thắt dây bảo hiểm khi lái xe...
Mỗi lần khám, bà bầu được yêu cầu lấy nước tiểu, sau đó đo chiều cao, cân nặng, huyết áp, siêu âm. Sau khoảng 3-4 lần khám thai, các mẹ phải lựa chọn bệnh viện mình sẽ sinh con và làm thủ tục đăng ký sinh tại đó. Thông thường, mẹ bầu khám ở đâu sẽ sinh ở đó.
Phải kiểm soát cân nặng: Suốt giai đoạn thai kỳ, bác sĩ sẽ kiểm soát cân nặng của sản phụ chặt chẽ. Hầu hết các mẹ Nhật đều tăng cân rất ít nhưng thai nhi vẫn phát triển tốt. Cân nặng của bé lý tưởng là 3 kg nên bác sĩ không khuyến khích mẹ tăng cân quá nhiều, bởi việc đó sẽ ảnh hưởng đến huyết áp, tăng lượng đường trong máu và gây khó sinh hơn.
Nếu mẹ bầu không kiểm soát được cân nặng, nhân viên y tế sẽ phát một bảng theo dõi và yêu cầu ghi đầy đủ thực đơn hàng ngày rồi nộp lại cho họ. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ cho những lời khuyên để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất.
Hiểu được lo lắng của những người mẹ, các buổi học tiền sản được thực hiện ngay tại bệnh viện hoặc tòa thị chính. Tôi được tham gia các lớp học về chăm con và thực hành theo nhóm trên búp bê như cách thay bỉm, tắm, mặc quần áo, đặt bé nằm, quản lý cân nặng của con hay cách hít thở khi có dấu hiệu sinh. Sau các buổi học, người tham gia được nhân viên bệnh viện đưa đi thăm khoa sản, từ quầy tiếp tân, phòng chờ sinh, phòng sinh, phòng hậu sinh, cách sử dụng các thiết bị như nhà tắm, nhà vệ sinh, máy giặt, lò vi sóng, phòng chơi của bé, phòng tiếp khách... nhằm giúp các mẹ yên tâm hơn.
Chồng phải "đeo bụng bầu giả": Tòa thị chính có nhiều buổi học tối khuyến khích các gia đình gồm cả vợ và chồng cùng tham dự. Tại đây, các ông chồng sẽ được đeo trước ngực cái địu nặng tầm 3 kg để thử cảm giác mang thai của vợ, từ đó đồng cảm, thương bà xã hơn. Sau đấy, chính các anh phải thực hành tắm cho con theo trình tự thay đồ, gội đầu, tắm rửa, lau người rồi đóng bỉm. Mọi thao tác đều thực hiện trên trên hình nộm búp bê.
Tôi và chồng đều làm ở công ty nên cơ quan làm giúp các thủ tục bảo hiểm. Mỗi bé sẽ được hỗ trợ 80 triệu đồng. Số tiền này gia đình có thể nhận trực tiếp hoặc chuyển thẳng vào tài khoản của bệnh viện để tính vào chi phí sinh.
Bước vào những tháng cuối, thai phụ được chỉ định khám một tuần một lần. Lúc này, bác sĩ sẽ phân tích và đánh giá khả năng sinh thường hay sinh mổ, phụ thuộc vào kích thước của tử cung và độ rộng vòng đầu cùng cân nặng của bé. Trong trường hợp không được chỉ định mổ nhưng lúc sinh gặp khó khăn bắt buộc phải mổ, chi phí sẽ rẻ hơn so với sinh thường.
Có lẽ vì là sinh con đầu nên trước ngày dự sinh hai tuần, tôi thấy dấu hiệu chuyển dạ. Sáng hôm đó, tôi bắt đầu bị đau lưng âm ỉ. Cơn đau đến khoảng 20 phút một lần và mỗi lần tầm một đến hai phút. Nhớ lời dặn của bác sĩ, tôi vẫn cố nán lại ở nhà. Đến 21h, cơn đau nhanh hơn một chút, tôi lo lắng gọi điện đến bệnh viện để thông báo tình trạng cho bác sĩ. Đây là thủ tục cần thiết trước khi đến bệnh viện để nhân viên y tế hướng dẫn và chuẩn bị được chu đáo hơn. Nếu không biết tiếng, các mẹ nên nhờ bạn bè gọi giúp.
Nhận cuộc gọi, bác sĩ yêu cầu tôi đến bệnh viện ngay. Tại đây, tôi được thăm khám và có máy đo tần suất cơn đau với nghe nhịp tim của mẹ và bé. Sau hơn hai tiếng, tim thai hoàn toàn khỏe mạnh và tử cung của tôi chưa có dấu hiệu mở, cũng không rỉ nước ối. Bác sĩ cho phép tôi ra về và không quên động viên, trấn an hãy bình tĩnh theo dõi tiếp các dấu hiệu tại nhà. Nếu có gì, hãy liên lạc ngay cho họ.
Các sản phụ không kêu la hay nói chuyện ồn ào: Ngày hôm sau, tôi vẫn đau âm ỉ nhưng vẫn chỉ ở mức 15 phút một lần nên không đến viện. Tới đêm, cơn đau bất ngờ nhanh hơn khiến tôi trằn trọc, bứt rứt, không chợp mắt đến sáng. Tôi cùng chồng và mẹ nuôi người Nhật đến bệnh viện. Lúc này, bác sĩ nói tử cung đã mở 5 cm và chỉ định tôi nhập viện. Chồng nắm tay tôi và xoa lưng vợ liên tục. Tôi hét lên vì đau quá. Cả phòng chờ sinh có đến 5 người mà chỉ nghe thấy mỗi tiếng của tôi. Tôi xấu hổ vì nhìn sang các mẹ Nhật khác ai cũng nhăn nhó, đi đi lại lại nhưng tuyệt nhiên không kêu la hay nói chuyện ồn ào. Tôi thật sự khâm phục khả năng chịu đựng của họ. Vì đây là không gian chung nên ai cũng có ý thức trật tự, hạn chế tối đa việc làm ảnh hưởng đến người khác. Dù là ở đâu, người Nhật cũng luôn giữ được ý thức, phong cách như vậy.
Giữ vững niềm tin: Cứ hai tiếng tôi lại được đưa vào phòng khám để đo tần suất cơn đau và nhịp tim. Chờ mãi đến chiều tử cung của tôi cũng chỉ mở được 6 cm. Tôi đã quá mệt vì suốt đêm qua không ngủ và hôm nay cũng không ăn uống được gì. Bác sĩ luôn nhẹ nhàng cầm tay tôi và động viên rất nhiều. Tôi nghĩ đau thế này sẽ chết mất, không thể chịu đựng thêm và liên tục bảo chồng nói với bác sĩ xin cho tôi được mổ ngay lập tức. Tôi khóc và cầu xin được tiêm thuốc kích sinh. Các y tá cùng bác sĩ trưởng đã vào trấn an tôi rằng hãy tin ở họ và tôi sẽ sinh được bình thường.
Lúc này tôi không muốn tin gì cả và lâm vào trạng thái tuyệt vọng hoàn toàn. Đến 20h, dường như con tôi muốn ra nhưng tử cung mãi không chịu mở thêm. Cuối cùng, tôi được truyền và chỉ 15 phút sau, cổ tử cung liên tục mở 7 cm rồi 9 cm. Lúc được 11 cm, cả kíp trực gồm hơn 10 người bác sĩ, y tá đến bên tôi. Người hướng dẫn cách hít thở, cách rặn, người đo huyết áp, người khám tử cung, người hỗ trợ bác sĩ chính. Lúc rặn, do đau quá nên tôi nhắm tịt mắt lại và bỗng nhiên nghe thấy tiếng oe oe. Đó là giây phút hạnh phúc nhất đời mà tôi không bao giờ quên được. Ca sinh kết thúc, mẹ tròn con vuông, tôi không bị rạch hay khâu. Các bác sĩ đã chứng minh tôi làm được, chỉ cần có niềm tin. Lúc sau, bác sĩ bế bé vào với bố mẹ và chụp ảnh kỷ niệm rồi chúc mừng chúng tôi.
Sau khi sinh, các mẹ phải ở lại bệnh viện một tuần. Hai ngày đầu bé được ở riêng để mẹ nghỉ ngơi. Bé được đặt trong nôi, luôn luôn có một thiết bị đo nhịp thở của bé. Nếu có gì bất thường, thiết bị sẽ ngay lập tức phát âm thanh lớn báo động để bác sĩ kịp thời xử lý. Cứ 10h hàng ngày, các bé được tắm rửa sạch sẽ rồi cho ra chỗ mẹ bú xong lại về phòng riêng.
Tôi được hướng dẫn cách vắt sữa bằng máy. Ba tiếng một lần, tôi vắt sữa để cho thông dòng sữa và cho bé uống. Nếu sữa không đủ, bé sẽ được uống thêm sữa ngoài. Ở đây không kiêng khem như nhà mình nên các mẹ vẫn phải tắm gội sạch sẽ hàng ngày. Bữa ăn cho bà đẻ được mang đến ngày ba bữa bữa rất ngon miệng, có cả cá biển và rau cải. Hàng ngày, mẹ phải tham dự các buổi học về cách chăm con, pha nước tắm cho bé và cho bú. Người nhà không được phép ở lại bệnh viện nên ban ngày hầu như chỉ có các mẹ với nhau.
Trước khi vào phòng của bé, mọi người phải thay dép, rửa tay bằng cồn tiệt trùng. Các con được xét nghiệm vàng da và kiểm tra thính giác cùng chức năng trao đổi chất. Sau một tuần, ngày cuối cùng vào bữa ăn trưa, bệnh viện sẽ có thiệp chúc mừng kèm bánh sinh nhật. Bé khỏe mạnh sẽ được nhận giấy chứng sinh và xuất viện. Sau một tháng, con sẽ tái khám sức khỏe và khi đó, gia đình mới phải thanh toán viện phí.
Có giấy chứng sinh mang ra tòa thị chính sẽ nhận được các chế độ dành cho trẻ sơ sinh như giấy chúc mừng, phiếu nhận túi bóng đựng bỉm sử dụng trong một năm trị giá một triệu đồng (ở Nhật phải mua loại túi rác chuyên biệt mất phí), tài liệu hướng dẫn liên quan đến chế độ dinh dưỡng cho cả mẹ và con trong nhiều thời kỳ, lịch hướng dẫn tiêm phòng.
kilala.vn