Thoạt nhìn, mì Somen sẽ khiến chúng ta liên tưởng ngay đến sợi bún của Việt Nam. Nhưng Somen có nguyên liệu và cách chế biến hoàn toàn khác. Được làm từ bột mì, Somen có thể dùng nóng vào mùa đông và dùng lạnh vào mùa hè.
Mì Somen, "bún" của Nhật Bản
Nguyên liệu tương tự như Udon nhưng sợi mì Somen có đặc điểm là kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 1,3mm nếu làm bằng máy và 1,7mm nếu làm bằng tay. Trong khi đó, tên gọi Udon là chỉ những sợi mì làm từ bột mì có kích thước trên 1,7mm.
Nguyên bản của mì Somen ra đời vào thời đại Nara với tên gọi là “Sakubei”. Khi đó, Sakubei là một loại bánh kẹo có hình dáng như sợi dây thừng được làm từ bột nếp. Công việc sản xuất Somen bắt đầu vào thời Kamakura và đến thời Muromachi tên “Somen” mới được sử dụng. Lúc bây giờ, Somen phổ biến như là một món ăn nhẹ trong đền chùa. Hình thức hiện giờ của Somen, cách làm và cách chế biến hầu như là được hình thành vào giai đoạn này. Được ghi chép nhiều trong các văn thư, Somen khi đó cũng chỉ xuất hiện trong đền chùa và những bữa tiệc Hoàng gia nên chưa phổ biến đến tầng lớp bình dân.
Cho đến năm 1750 của thời đại Edo, Somen chính thức được người dân biết đến rộng rãi và đến nay đã trở thành một trong những món mì tạo nên dấu ấn Nhật Bản sánh vai cùng Udon, Soba và Ramen.
Ngày 7 tháng 7 là “Ngày Somen”!
Nhiều địa phương có phong tục ăn mì Somen vào ngày 7 tháng 7, tức ngày Lễ Tanabata hay còn gọi là Lễ Thất tịch. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của “Ngày Somen” nhưng đáng tin cậy nhất có lẽ là những dòng ghi chép trong quyển Engishiki vào thời đại Heian. Engishiki là văn thư ghi chép về những lễ nghi, phong tục trong Hoàng gia. Theo đó, vào ngày Thất tịch, giới Hoàng tộc có nghi thức dùng bánh Sakubei - nguyên bản của Somen ngày nay - để xua đuổi bệnh tật.
Món ăn giải nhiệt ngày hè
Món ăn làm từ Somen nổi tiếng và được người Nhật yêu thích nhất, đặc biệt khi vào hè, là Hiyashi Somen. Tương tự như Zaru Soba, Hiyashi Somen cũng được ăn bằng cách nhúng sợi mì ướp lạnh vào nước chấm Mentsuyu rồi thưởng thức. Sợi mì mát lạnh thấm đượm vị đậm đà tròn đầy của nước chấm từ tảo biển và khô cá tạo cho thực khách cảm giác vừa thỏa mãn vừa thích thú.
Bên cạnh đó, Nagashi Somen cũng là một hình thức thưởng thức mì Somen rất thú vị. Sợi mì Somen được thả trôi trên ống trúc hoặc tre, thực khách đứng bên cạnh cầm sẵn bát nước chấm pha một ít phụ liệu khác như hành lá, mè rang, gừng băm,... sẽ dùng đũa vớt mì và dùng thỏa thích. Trông có vẻ đơn giản nhưng Nagashi Somen đòi hỏi thực khách phải rất tập trung và khéo léo vì sợi mì trơn tuột khó gắp. Với trẻ con thì Nagashi Somen không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn là hoạt động vui chơi thú vị.
Lăng Vi / kilala.vn