Mầm non Việt - Nhật: Nhiều nỗi lo chung
Bài: Phương Anh/Ảnh: Mầm non Bảo NgọcMar 27, 2018
Cuối tháng 2 vừa qua, 20 sinh viên Trường Đại Học Tohoku Fukushi đã có buổi gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm tại Trường Mầm Non Tư Thục Bảo Ngọc (449/17 Trường Chinh, P. 14, Q. Tân Bình, Tp. HCM). Rất nhiều vấn đề trong việc giáo dục mầm non tại Việt Nam và Nhật Bản đã được so sánh và phân tích kĩ lưỡng.
“Tại sao trẻ em Việt lại chơi trong nhà?”
Đó là câu hỏi của sinh viên Nhật Bản Ando Nao (học ngành Giáo dục mầm non, trường Đại Học Tohoku Fukushi) khi nhìn thấy nhiều trẻ em mầm non tại Việt Nam chơi trong nhà, trong lớp thay vì ra ngoài. “Ở trường mầm non Nhật, học sinh được khuyến khích vận động ngoài trời mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí ngay cả khi thời tiết rất lạnh vào mùa đông, trẻ em cũng phải ra ngoài vận động, chơi những trò chơi dưới tuyết.”Giải đáp về điều này, cô Phan Thị Thanh Hoa (Có kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề giáo dục và quản lí một số trường mầm non, Hiệu trưởng trường mầm non Bảo Ngọc) cho biết: “Do mật độ dân cư đông, nhiều trường mầm non ở Việt Nam phải xây dựng trong khu dân cư đông đúc, khu phố nhiều xe cộ, nên việc cho trẻ vận động ngoài trời là vô cùng nan giải. Do đó, để tạo nên môi trường đầy đủ nhất có thể cho trẻ, nhà trường phải tìm mọi giải pháp tăng cường phát triển vận động cho trẻ bằng cách thường xuyên tổ chức đi dã ngoại, xây dựng vườn ươm để trẻ tập trồng cây, xây dựng các khu vui chơi nửa trong nhà nửa ngoài trời trong phạm vi cho phép, mang cát từ biển về để trẻ chơi…”
Đồng tình với chia sẻ của cô Hoa, để giúp trẻ có hứng thú vận động hơn, cô Sato Ichiko (Phó Giáo Sư trường Đại Học Tohoku Fukushi kiêm Huấn luyện viên Đội bóng của trường, cô từng là thành viên đội bóng Quốc Gia Nhật Bản) góp thêm kinh nghiệm của Nhật Bản: “Đầu tiên, cha mẹ và thầy cô phải giúp trẻ tránh xa… smartphone. Đồng ý là việc chơi game trên điện thoại có tác dụng giải trí, thế nhưng rất dễ gây ghiện, khiến trẻ lười vận động hơn. Độ tuổi mầm non, cấp 1 và cấp 2 là độ tuổi vô cùng quan trọng để xây dựng khả năng vận động căn bản cho trẻ. Nên kết hợp các trò chơi vận động, nhảy múa vào ngay trong chương trình học của nhà trường để khiến trẻ thích thú vận động hơn.
Bên cạnh kĩ năng vận động, phụ huynh và các thầy cô giáo phải chú trọng đặc biệt dạy cho trẻ kĩ năng sống từ sớm. Tùy vào môi trường sống để dạy kỹ năng cho phù hợp. Tại Nhật, học sinh được dạy kĩ năng đi xe điện, kĩ năng ứng biến khi có động đất xảy ra ngay từ khi còn học mầm non và thường xuyên ôn lại, tổ chức thực hành mỗi năm 1 lần. Tại Việt Nam, có thể dạy cho trẻ cách di chuyển khi giao thông, học bơi lội từ sớm, dạy trẻ cách thoát hiểm, ứng phó tình huống đi lạc,…
“Phụ huynh bóng ma” – nỗi lo không chỉ riêng Nhật Bản!
Khi xem nhiều bộ phim Nhật, bạn sẽ thấy hình ảnh trẻ dù lớn hay nhỏ thì đều tự đeo balo, biết cách tự ăn, tự dọn dẹp từ rất nhỏ, cha mẹ chỉ là người đi cạnh bên trẻ chứ không xách đồ giúp trẻ. Ngay từ mầm non, trẻ em Nhật đã được các giáo viên khuyến khích tự mang túi đi học, tự chủ trong việc chuẩn bị dụng cụ học tập của riêng mình, một mình đón xe điện đến trường…
“Thế nhưng, ở Nhật, một hiện trạng lớn hiện nay trong giáo dục của các cha mẹ Nhật - đó là “Phụ huynh như bóng ma” – nói về hiện trạng những phụ huynh liên tục giám sát con mọi nơi, mọi lúc, chăm sóc con thái quá. Ở Nhật, xu hướng số con trong một hộ gia đình ít đi, nhiều người không muốn sinh con, có gia đình có con thì quá lo cho con, tự mình dẫn con đi học tới trường cấp 2, cấp 3, Đại học, thậm chí là dẫn con khi đi xin việc.”- cô Sato Ichiko cho biết.
Đồng ý với cô Sato Ichiko, cô Thanh Hoa chia sẻ: “Ở Việt Nam, tình trạng con một cũng đang ngày càng nhiều và tình trạng “phụ huynh như bóng ma” theo cách cô Sato Ichiko nói cũng không hiếm. Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh có thể vì quá bận làm việc, không dành đủ thời gian cho con, thiếu kết nối với nhà trường, không biết con mình học gì, đến trường như thế nào… để liên kết giữa nhà trường với phụ huynh, tạo sự thống nhất trong cách giảng dạy ở trường và ở nhà.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên dành mỗi ngày ít nhất 1 đến 2 tiếng để trò chuyện, hỏi thăm việc học của con, đừng chủ quan dựa vào nhà trường quá nhiều, nhưng cũng không nên theo dõi con quá sát sao, khiến con không rèn được tính tự lập và suy nghĩ chủ động”.
"Phụ huynh cũng nên dành mỗi ngày ít nhất 1 đến 2 tiếng để trò chuyện, hỏi thăm việc học của con, đừng chủ quan dựa vào nhà trường quá nhiều, nhưng cũng không nên theo dõi con quá sát sao, khiến con không rèn được tính tự lập và suy nghĩ chủ động”. - cô Thanh Hoa chia sẻ.
Đào tạo tay nghề giáo viên mầm non
Bên cạnh việc cập nhật kịp thời đổi mới chương trình giáo dục, liên kết giữa nhà trường và phụ huynh, một trong những điều cô Thanh Hoa băn khoăn nhất là chất lượng và số lượng của giáo viên mầm non hiện nay.
“Giáo viên mầm non là một nghề nghiệp đặc biệt, cần trái tim yêu thương trẻ và kinh nghiệm trong chăm nuôi và giảng dạy. Tuy nhiên, đối với những giáo viên trẻ - rất yêu nghề, nhưng chưa làm mẹ nên kĩ năng thấu hiểu con trẻ sẽ có phần hạn chế. Nhà trường cần tạo điều kiện cho giáo viên đi học tập bồi dưỡng các khoá học ngoài trường xen kẽ với đào tạo nội bộ, trau dồi kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, quản lý thời gian làm việc hiệu quả… và đặc biệt là khả năng thấu hiểu trẻ” – cô Hoa cho biết.
Cũng tương tự, bạn Ando Nao (Sinh viên đang học ngành mầm non) cho biết về quá trình học về mầm non của mình: “Trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non, bên cạnh 15 tiết học cách chơi với trẻ, những năm gần đây trường có tăng thêm 60 tiết học giao tiếp với trẻ. Thông thường một lớp mầm non Nhật chỉ 1 giáo viên đảm trách với khoảng 20- 30 trẻ nên phải thấu hiểu mới quản lý được lớp học của mình, đảm bảo các em được chăm sóc tốt nhất và luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái” .
Đừng quá “thần tượng hóa” trường mầm non Nhật
Trước nhiều ý kiến khen ngợi hệ thống trường mầm non Nhật với hệ thống cơ sở vật chất và đặc biệt là cách giáo dục trẻ em, cô Sato Ichiko cho rằng đừng nên “thần tượng hóa” trường mầm non Nhật vì hệ thống giáo dục nào cũng đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng.“Để xây dựng được một trường mầm non tốt, không chỉ nên đầu tư vào cơ sở vật chất trường, mà còn phải chú trọng vào xây dựng phương pháp dạy trẻ em phát triển toàn diện (kiến thức, sức khỏe, kĩ năng sống), đào tạo giáo viên, kết nối giáo viên và phụ huynh.
Hiện nay, do gánh nặng về kinh phí nên Nhật Bản đang phải đối mặt với việc thiếu trường mầm non và mẫu giáo, chất lượng các trường mầm non cũng không đồng đều. Để được gửi con, các bậc cha mẹ phải chờ đợi rất lâu mới có thể gửi con đi học vào trường tốt. Nhiều phụ nữ Nhật bận rộn đi làm mà lại không có chỗ gửi con đi học, nên phải gửi con ở những cơ sở bình thường, không phải những cơ sở “siêu tốt” như báo chí đăng tải ”- cô Sato Ichiko chia sẻ.
Phương Anh/ kilala.vn