Chia sẻ cùng con từ khi con còn nhỏ
Khi còn nhỏ, trẻ sẽ tự động cảm thấy gần gũi với những ai tiếp xúc và dành tình thương cho chúng nhiều nhất. Trong phương pháp Shichida (Cách nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi rưỡi) có hai phương pháp được các bậc cha mẹ Nhật Bản áp dụng nhiều nhất là “5 phút thủ thỉ” và “cái ôm 8 giây”. Hai phương pháp này không chỉ rèn luyện phẩm chất cho một đứa trẻ, dạy chúng về lòng nhân ái, biết chăm sóc cho những người khác mà còn giúp trẻ cảm nhận được tình yêu của cha mẹ.
5 phút thủ thỉ
Trước khi con ngủ, hãy dành 5 phút để thủ thỉ và trò chuyện cùng con. Bạn có thể nói về những hoạt động trong ngày, kể những câu chuyện ngắn trước khi ngủ, hoặc chỉ đơn giản là ôm ấp và thì thầm lời yêu thương, Mục đích của phương pháp này là dùng những lời lẽ yêu thương, những mong muốn tích cực dành cho con, giúp điều chỉnh những nét tính cách không tốt và cải thiện chức năng não bộ cũng như trí nhớ. Phương pháp này có thể giúp trẻ biết vâng lời và tự tin hơn.
Cái ôm 8 giây
Đây là phương pháp giúp trẻ được nuôi dưỡng động lực và tính độc lập. Phương pháp này bắt đầu từ cách thử cho bé làm những việc nhà nhẹ nhàng và sau đó hãy tặng bé một cái ôm cùng lời cảm ơn thủ thỉ. 8 giây đó được xem là thời gian truyền tình yêu thì cha mẹ sang các bé.
Giáo sư Shichida tin rằng, bằng cách này, đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc của cha mẹ và sẽ thúc đẩy trẻ làm nhiều điều tốt, điều hay. Tuy nhiên phương pháp “cái ôm 8 giây” sẽ chỉ có kết quả tốt khi cha mẹ phải thật chú tâm, yêu thương quan tâm con cũng như tôn trọng và tin tưởng vào những khả năng của bé.
Chia sẻ cùng con khi bước vào giai đoạn dậy thì
Bước vào giai đoạn dậy thì, tâm lý của cả bé trai và bé gái cũng có những thay đổi nhất định. Trong giai đoạn ngấp nghé tuổi trưởng thành, các bé trở nên nhạy cảm hơn, nhiều suy tư hơn và bắt đầu có bí mật của riêng chúng. Do đó, khi cha mẹ không chia sẻ đúng cách với con, khả năng lớn sẽ khiến con cái cô đơn, nghĩ rằng mình không được tôn trọng, cảm thấy bất mãn hoặc trầm trọng hơn là mắc phải những căn bệnh về tâm lý. Do đó, cha mẹ cần trang bị những “bí quyết” nhất định để đồng hành cùng con.
Hãy là người chủ động bắt chuyện
Đừng đợi đến khi con chủ động chia sẻ mà hãy là người khơi gợi câu chuyện trước. Bạn có thể bắt đầu từ những chủ đề thường nhật nhất như chuyện trường lớp, sinh hoạt hay những tâm lý rung động đầu đời. Nhờ đó cha mẹ sẽ hiểu được những tình huống phát sinh đối với con mình và giải quyết kịp thời hơn. Điều quan trọng là hãy giữ thái độ tỉnh táo và trung lập. Mọi phản ứng gay gắt và mang tính áp đặt của người lớn có thể mang đến phản ứng ngược.
Tôn trọng con
Con cái tuổi dậy thì đồng nghĩa với việc các con đặt một bước chân vào quá trình trưởng thành. Tuy nhiên, phần lớn trong suy nghĩ của cha mẹ, con dù ở tuổi nào cũng rất nhỏ, rất bé bỏng nên đôi khi quên mất một phần tôn trọng dành cho con cũng như không gian cá nhân của riêng con. Và nếu điều này tiếp diễn, con sẽ có xu hướng dựng lên một bức tường để bảo vệ “lãnh thổ” của riêng mình. Do đó, tôn trọng con chính là điều mà cha mẹ cần lưu ý vì khi tôn trọng chúng như một người trưởng thành, chúng cũng sẽ tự khắc biết tôn trọng cha mẹ mình.
Luôn đặt mình ở vị trí của con mà suy nghĩ
Hãy nhớ một điều rằng, người lớn đã từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa lần nào được làm người lớn. Ở vị thế của một người trưởng thành, trước khi xem chuyện của con trẻ là những việc “vặt”, hãy thử nhớ lại xem ngày còn nhỏ bản thân có từng trải qua những trăn trở đó không, cảm xúc khi ấy thế nào. Vì vậy, đừng xem những vấn đề con gặp phải chẳng là gì. Hãy nghĩ lại thật kỹ càng và chia sẻ với con một cách nghiêm túc nhé!
Nếu cảm thấy bản thân sai hãy xin lỗi con
Người lớn có cái tôi riêng nhưng con trẻ cũng có lòng tự trọng của chúng. Đừng để những vấn đề nhỏ hóa to và trở thành một điều gì đó uất ức mà con cái sẽ nhớ mãi trong lòng. Do đó, nếu nhận thức được bản thân sai sót trong quyết định hoặc có lỡ làm điều lỗi với con, hãy chân thành nói một lời xin lỗi. Không có gì to tát đâu, chỉ cần nhẹ giọng nói: “Ban nãy ba/mẹ sai rồi, ba/mẹ xin lỗi con nhé!” Một lời xin lỗi không khó nói, đừng để điều này trở thành gút mắc trong tâm lý con và có thể ảnh hưởng đến tính cách của con khi trưởng thành.
kilala.vn
Những câu nói nhạy cảm không nên nói với con
Con còn trông chờ gì ở ba/mẹ nữa?
Ăn mặc, tóc tai kiểu gì kia?
Sao con lại có thể sống như thế này nhỉ?
Sao không gọi/không nói cho ba mẹ biết?
Nhìn con người ta kìa, nhìn lại mình xem!
Lớn rồi nên không nghe ba mẹ nữa đúng không?