Khi những người đàn ông trung niên Nhật Bản vào bếp

Bài: Natsume
Dec 14, 2022

Nguồn: Washington Post

Khi tuổi thọ của người Nhật tăng lên, nhiều người vợ đã bắt đầu buộc những ông chồng của mình phải vào bếp hoặc phụ giúp việc nhà. Nhiều người trong số họ cảm thấy lúng túng và cần đến sự trợ giúp.

Đàn ông Nhật hầu như không vào bếp

Nhật Bản là một quốc gia Á đông còn chịu ảnh hưởng nặng nề định kiến về giới và duy trì điều này qua nhiều thế hệ. Người Nhật có một câu ngạn ngữ cổ là “Danshi chubo ni hairazu” tạm dịch “đàn ông nên xấu hổ nếu bị bắt gặp vào bếp”, điều này đã khiến nhiều người e ngại hoặc lấy làm lý do cho việc từ chối nấu ăn phụ vợ. Dẫn đến việc những người đàn ông đến tuổi về hưu nhưng lại chưa từng một lần cầm dao cắt đồ ăn hay rửa chén. 

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Economic Cooperation and Development), đàn ông Nhật Bản đảm nhận ít trách nhiệm gia đình và chăm sóc con cái hơn bất kỳ đàn ông ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Chỉ 14% trong số họ có thể tự nấu ăn cho chính mình.

đàn ông vào bếp

Việc đàn ông Nhật phụ vợ các công việc nhà là một điều xa xỉ. Ảnh: istock

Yasuyuki Tokukura, người điều hành nhóm phi lợi nhuận Fathering Japan và tư vấn cho chính phủ về các vấn đề giới tính trong các hộ gia đình, cho biết: “Vấn đề lớn nhất là nam giới không coi mình là người có trách nhiệm khi làm việc nhà. Sự phân công lao động truyền thống vẫn tồn tại bất chấp việc ngày càng nhiều phụ nữ đã bắt đầu bước chân ra ngoài xã hội. 

Điều này khiến sự oán giận âm ỉ thường của người phụ nữ lên đến đỉnh điểm khi sự nghiệp của một người đàn ông kết thúc và vợ anh ta bắt đầu đặt câu hỏi về việc tại sao họ vẫn phải tiếp tục làm việc nhà nếu như người chồng giờ đây không còn mang tiền về nữa?”

Việc thay đổi của xã hội cũng như vai trò của con người đã khiến cho những người đàn ông trung niên phải suy nghĩ lại về việc bếp núc, tuy vậy nhiều người cảm thấy lúng túng khi mới bắt đầu.

học nấu ăn

Lớp học nấu ăn dành cho những người đàn ông trung niên

Chính phủ bắt đầu có sự hỗ trợ và sự ra đời của những trung tâm cộng đồng cung cấp các lớp học miễn phí về nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ và ủi quần áo, cho nhưng người đàn ông trung niên.

Bên cạnh đó là những trường tư nhân cũng dành riêng cho việc này và đơn cử là Kaji Osu của Motohiko Onoue. Thoạt nhìn, Motohiko Onoue trông không giống một đầu bếp, với áo sơ mi, quần tây xanh và giày da, ông có vẻ ngoài của một nhân viên văn phòng, khi xuất hiện tại lớp học hàng tuần của mình. Đây là một phần của khóa học kéo dài 6 tuần, trong đó không chỉ hướng dẫn học viên những kỹ năng sử dụng dụng cụ làm bếp cơ bản, nấu những món  ăn hàng ngày mà cả việc vệ sinh căn bếp, loại bỏ vết bẩn trên quần áo. 

Motohiko Onoue

Ông Motohiko Onoue.

Khi Onoue bắt đầu mở khóa học của mình cách đây 5 năm, ông đã bị những người đàn ông khác cười nhạo: “Một ngôi trường dạy nội trợ cho nam giới? Thật lố bịch!”. Nhưng Onoue không quan tâm, ông nhận thấy được tiềm năng ở thị trường ngách này kể cả khi việc thu hút học viên thời ấy cũng không dễ dàng. Ông đẩy mạnh việc hoạt động cùng các cơ sở cộng đồng để quảng cáo khóa học của mình với những người về hưu. Onoue thậm chí chủ động tư vấn cho học viên về những khó khăn mà họ dễ gặp phải.

Để khuyến khích sự sáng tạo và tư duy của mọi người, tại Kaji Osu không có công thức và trình tự cố định, học viên chỉ được nhận những tài liệu và hướng dẫn cơ bản để tự tìm hiểu và thực hiện dưới sự hỗ trợ của các nhân viên tại Kaji Osu.

hướng dẫn nấu ăn

công thức

Những người đàn ông được hướng dẫn và tự làm những món ăn.

Những khóa học này không chỉ phổ biến với những người đàn ông góa vợ hoặc ly hôn để có thể tự chăm sóc bản thân, mà còn hữu ích với những người muốn giúp đỡ vợ mình trong những năm tháng rảnh rỗi.

Câu chuyện về những người đàn ông đi học sau khi nghỉ hưu

Ông Masahiro Yoshida treo áo vest lên và đeo vào chiếc tạp dề hồng, đánh dấu thời điểm bước vào bếp sau 65 năm. Giống như hầu hết những người đàn ông Nhật Bản, mẹ ông Yoshida là người chuẩn bị mọi bữa ăn cho ông đến khi kết hôn, về sau vợ ông phụ trách chuyện này. Sau khi nghỉ hưu cách đây 4 năm, vợ ông đã đề nghị cùng chia sẻ công việc chuẩn bị bữa ăn. Để tránh lúng túng, ông Yoshida đã đăng ký khóa học tại trường nấu ăn Better Home.

masahiro yoshida

Ông Masahiro Yoshida học nấu ăn để phụ vợ sau khi về hưu.

Hay như ông Takashi Kaneko quyết định đăng ký học sau khi vợ ông qua đời vì ung thư gan 4 năm trước. Thời gian ấy, ông sống chủ yếu bằng thực phẩm đông lạnh và cảm thấy tuyệt vọng vì mình khoing có nhiều bạn bè. “Khi các con tôi đến thăm, thường là vợ tôi sẽ chuẩn bị bữa ăn cho chúng để chúng cảm thấy thoải mái sau những ngày mệt mỏi, và tôi muốn thay vợ tôi làm điều ấy”, ông Kaneko chia sẻ về quyết định đi học của mình.

takashi kaneko

Ông Takashi Kaneko muốn thay người vợ quá cố chuẩn bị những bữa ăn ngon cho các con.

Một trong những học viên lớn tuổi nhất của Kaji Osu là ông Kikuo Yano, 80 tuổi, với mục đích tham gia lớp học để tạo bất ngờ cho người vợ “đầu ấp tay gối” 43 năm của mình.

“Thời gian qua vợ tôi đã làm tất cả mọi thứ mà không hề có sự trợ giúp của tôi. Tôi không biết làm gì để có thể phụ giúp nhưng nếu tôi học cách làm thì tôi sẽ làm được”, kiến trúc sư đã về hưu thừa nhận. 

Kikuo Yano

Ông Kikuo Yano vẫn quyết tâm chinh phục một lĩnh vực mới để mang đến niềm vui cho gia đình.

Bây giờ hàng ngày ông dậy sớm để ủi quần áo và tự hào khoe rằng chiếc áo ông đang mặc được chính tay ông ủi. Ông Yano cũng đang học nấu món cà ri một cách nhuần nhuyễn và dự định sẽ nấu cho gia đình trong dịp năm mới. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU