Học người Nhật mẹo sắp xếp đồ chơi trẻ em khi sống trong căn hộ
Bài: Natsume
Jul 16, 2022
Nguồn: savvytokyo
Ảnh: Pinterest
Có bao giờ bạn mong ước căn nhà của mình sẽ đẹp như trên Pinterest, nhưng lại không thể làm được điều đó? Vấn đề có lẽ nằm ở việc sắp xếp và bài trí đồ dùng trong nhà, trong đó có đồ chơi của con trẻ.
Sự có mặt của các thành viên nhí trong gia đình sẽ khiến ước mơ về một ngôi nhà gọn gàng, sạch sẽ theo phong cách tối giản gần như bất khả thi, thay vào đó là một "mớ hỗn độn" lặp lại ngày qua ngày. Đặc biệt, những gia đình sống trong căn hộ thì không gian cũng sẽ hạn chế hơn, chính vì thế thử thách dành cho những người làm cha mẹ là làm cách nào để sắp xếp đồ đạc của con cái một cách ngăn nắp, khoa học và hòa hợp với thiết kế trong nhà.
Dưới đây là một số mẹo nhỏ mà người Nhật thường áp dụng để giữ cho không gian sống của họ gọn gàng hơn.
1. Hạn chế sự lộn xộn
Điều mà có lẽ ai cũng biết đó là để có một căn nhà “clean” hơn, cần phải hạn chế tối đa việc có quá nhiều đồ đạc trong cùng một không gian. Để làm được điều này, việc chọn lọc và sắp xếp những thứ linh tinh như đồ chơi là điều cần thiết.
Vậy sao bạn không để tất cả chúng vào một khu vực lưu trữ riêng, như tủ, kệ, giỏ...? Khi cần chơi, những đứa trẻ sẽ lấy ra, và sau khi chơi xong thì những món đồ đó sẽ được đựng gọn gàng trong không gian của riêng chúng.
2. Phân chia theo từng mục riêng biệt
Một sai lầm thường thấy là thu gom tất cả đồ chơi, sách của trẻ vào chung một cái giỏ. Điều này có vẻ thuận tiện trong lần thu dọn đầu tiên, nhưng theo thời gian, chúng lại khiến mọi thứ trở nên lộn xộn, khó tìm kiếm khi cần đến.
Cha mẹ hãy phân chia những món đồ của con thành từng khu riêng biệt, theo các mục đích sử dụng khác nhau. Ví dụ đồ chơi nhựa để một kệ, sách để 1 kệ, đất sét để trong một hộp riêng... Đây cũng là cách để dạy cho các bé biết sắp xếp đồ đạc một cách khoa học, ngăn nắp, và nếu bé cần lấy món đồ nào thì có thể tự chủ động, không phải lục tung tất cả để tìm kiếm. Đồng thời, khi dọn dẹp cũng sẽ dễ dàng biết được chỗ món đồ đó nên được cất ở đâu.
Sau khi đã sắp xếp xong, việc cuối cùng bạn cần làm là phân loại chúng bằng nhãn dán để biết được món đồ mình cần tìm nằm ở đâu mà không cần nhìn vào bên trong.
3. Sử dụng kệ có thể di chuyển
Nếu cần lấy nhiều món đồ ở cùng một nơi, thay vì phải ôm đồm nhiều thứ thì bạn chỉ cần kéo theo một chiếc kệ. Các loại kệ ngày nay cũng sử dụng chất liệu nhẹ, dễ di chuyển nên các em nhỏ cũng có thể tự làm được. Việc dùng kệ có bánh xe cũng giúp quá trình dọn vệ sinh sàn nhà dễ dàng hơn.
4. Sử dụng những hộp nhỏ
Một xu hướng có thể thấy trong các ngôi nhà ngăn nắp là có nhiều hộp và thùng lưu trữ nhỏ. Chất liệu của hộp cũng khá đa dạng, từ gỗ, vải, kim loại, nhựa... nhưng điểm chung của chúng là giúp bạn phân chia những món đồ nhỏ, cùng mục đích sử dụng để có thể dễ dàng tìm kiếm hơn.
Ví dụ một chiếc hộp lớn sẽ bao gồm nhiều hộp nhỏ, trong đó mỗi hộp sẽ có “vai trò riêng”, như hộp đựng đồ tô màu sẽ gồm hộp bút vẽ, hộp cọ, hộp đựng các hũ màu... Khi cần sử dụng, bạn chỉ cần bê hộp lớn là đã có tất cả mọi thứ cần thiết.
Hay những bộ quần áo theo mùa đẹp nhưng không mặc thường xuyên sẽ được gấp lại và đặt vào những thùng vải đầy màu sắc, cất trên tủ quần áo của các bé.
Điều này còn giúp bạn có thể kiếm soát được những thùng đựng nào có chứa đồ dùng nhỏ, cần để xa tầm tay của trẻ em để tránh việc trẻ nuốt phải những thứ không mong muốn.
5. Săn những món đồ đựng trong các cửa hàng giá rẻ
Đôi khi “của rẻ không phải là của ôi” vì những chiếc hộp đựng thường sẽ được đặt ở một chỗ, có thể chúng cũng bị dơ và cần thay đổi theo thời gian, nên việc mua sản phẩm quá mắc tiền chỉ làm tiêu tốn chi phí sinh hoạt của gia đình.
Bí quyết là hãy “săn lùng” tại các cửa hàng đồng giá, bạn sẽ tìm được những món chất lượng nhưng chỉ phải trả một mức giá khá "hời". Và thường những nơi này sẽ bán những chiếc hộp cùng kiểu nhưng có nhiều kích thước khác nhau, điều này giúp cho căn nhà của bạn trở nên đồng bộ hơn.
Xem thêm: Chọn đồ chơi cho con như thế nào?
kilala.vn