Hãy thừa nhận cảm xúc khi con cáu giận

Bài: Nguyễn Thị ThuNov 9, 2017

Khi bé cáu thì có hay ném đồ không chị, chứ con nhà em giờ mới hơn một tuổi rưỡi nhưng lúc nào cáu lên không thích là cầm đồ ném. Mẹ nó quát, đe nẹt mãi mà nó vẫn chưa chừa chị ạ. Đây là câu mình rất hay được hỏi, và cũng chứng kiến rất nhiều. Đó là trẻ có hành động hư và người lớn ra sức quát nạt, đe dọa để đứa trẻ dừng lại. Hoặc khi đứa trẻ nổi cáu chúng cào mặt mẹ, đánh mẹ.  Để đứa trẻ có thể kiềm chế được cơn tức giận là cả quá trình trẻ cần có thời gian trải nghiệm, và trong quá trình ấy rất cần ba mẹ làm là thừa nhận cảm xúc và dạy con những hành vi đúng đắn.

3 bước ứng xử khi con nổi cáu, không nghe lời

Có lần mình với Bon đi taxi, lúc ấy Bon đang rất cáu và khó chịu vì phải chờ đợi mẹ quá lâu. 
- Anh tài xế hỏi mình “Bé nhà chị có vẻ hay cáu nhỉ? 
- Mình bảo “À, cháu đang khó chịu vì phải ngồi đợi mẹ lâu quá đấy”. 
- Bon cáu kỉnh “Con không yêu mẹ, con không thích chú”. 
- Mình vẫn nhẹ nhàng “Mẹ xin lỗi đã để Bon phải đợi nhé. Mình nói thế chú lái xe sẽ buồn đấy. Ừ, tạm thời con có thể không thích bất cứ ai lúc này cũng được.”

Mình vẫn thường cho Bon là con có quyền không thích bất cứ ai trong 5 phút, không sao cả, vì người lớn hay trẻ con đều có quyền đó mà, quyền được ở một mình, được xả cảm xúc để trở nên bình tĩnh hơn. “Nhưng chỉ không thích mẹ trong 5 phút thôi rồi mình lại giảng hòa nhé”

Đối với con trẻ chúng chỉ có cách thể hiện cảm xúc của mình thông qua hành động hoặc là lời nói. Để đứa trẻ có thể kiềm chế được cơn tức giận, buồn bực, khó chịu như một người trưởng thành là cả quá trình trẻ cần có thời gian trải nghiệm rồi mới tự đúc rút ra cho mình, và trong quá trình ấy rất cần ba mẹ làm là thừa nhận cảm xúc và dạy con những hành vi đúng đắn.

giúp trẻ kiềm chế cảm xúc cấu giận
Đến người lớn cũng đã trải qua con đường trẻ đã đi mà còn không kiềm chế được cảm xúc, huống hồ con trẻ mới chỉ là những búp non chập chững vào đời.  (Ảnh: PIXTA)

Bước 1: Điều quan trọng nhất khi này không phải là cấm đoán mà chính là sự thừa nhận cảm xúc ấy của bé. Và nói thay cho trẻ cảm xúc ấy để dạy trẻ cách diễn đạt
- Ba mẹ biết là con đang nổi cáu. 
- Ba mẹ biết là con thích chơi cái này. 
- Ba mẹ biết con đang rất buồn.

Bước 2: Nói cho trẻ hậu quả của hành động ấy, nếu trẻ làm như thế thì sẽ gây ra hậu quả gì, có ảnh hưởng gì đến người xung quanh, và cảm xúc của ba mẹ sẽ ra sao. 
- Nhưng con ném đồ thì đồ chơi sẽ rất đau. 
- Mẹ không vui khi con ném đồ chơi như thế. 
- Con nói như thế thì mẹ rất buồn
- Con nói như thế thì mọi người đều không vui.
- Con làm bẩn như thế bác lao công lại mất công dọn đấy

Bước 3: Đưa ra những lời khuyên, hình phạt với trẻ tùy vào hoàn cảnh
- Nếu con ném đồ chơi thì mẹ sẽ cất đồ chơi này đi, và con không được chơi trong 1 tuần (ba mẹ nghiêm túc thực hiện đúng lời nói). 
- Với những gì liên quan đến sự an toàn của tính mạng hay ảnh hưởng đến người khác thì ba mẹ cần ngồi ngang tầm, nhìn vào mắt trẻ để nói một cách rõ ràng với giọng nghiêm túc những thông điệp ấy “Con không được ném đồ chơi nữa nhé. Con không được bẻ cành cây. Con không được nhảy thình thình trong thang máy Bon nhé”. 

Khi con đánh mẹ, nói không yêu mẹ thì phải làm sao?

Đây là câu hỏi mình nhận được từ rất nhiều mẹ. Giai đoạn bé tầm 2-3 tuổi khi không kiềm chế được cảm xúc cáu giận, bực tức vì ba mẹ không chiều theo ý mình là bé sẽ đánh, cào cấu. Mình cũng từng trải qua mấy tháng với Bon như thế. Mình hiểu rằng chỉ là con chưa biết cách kiềm chế cảm xúc, con chỉ biết thể hiện ra bằng hành vi ấy và chưa biết rằng mình đánh mẹ như thế là không được phép.

Thế thì giống như trên, điều đầu tiên vẫn là thừa nhận cảm xúc “Mẹ biết con cáu vì mẹ không cho con xem tiếp videp oto đúng không. Nhưng Bon đánh mẹ thì mẹ đau lắm. Mẹ rất yêu Bon, nhưng con đánh mẹ thì mẹ rất buồn”. Có 1-2 lần khi Bon cào mặt bạn, đánh bạn mình đã không kiềm chế được, đành cầm bàn tay Bon để tét lên bàn tay “Mẹ đánh vào bàn tay Bon xem con có đau không nhé. Nếu con đau thì bạn cũng đau như thế đấy”. 

thừa nhận cảm xúc của trẻ
(Ảnh: PIXTA)

Nhưng rồi sau đó mình nhận thấy việc mình đánh Bon như thế sẽ không hiệu quả, con không hối lỗi, con lại có thể học tính bạo lực từ hành vi đó của mẹ. Thế nên mình dùng phương pháp đánh vào tâm lí, để Bon dần hiểu rằng mình đánh ai đó, đánh mẹ mà mình yêu quý thì mẹ sẽ buồn, từ đó Bon không đánh mẹ nữa.

Quả thật, giai đoạn Bon đánh mẹ chỉ kéo dài 2-3 tháng là hết, đánh bạn chỉ kéo dài nửa năm là dần dần con biết học cách điều chỉnh hành vi của mình. Để học được điều ấy đứa trẻ phải tốn cả 3-4 tháng, thậm chí là mất cả 1 năm. Vì thế nếu có lời khuyên nào với các ba mẹ mình đều muốn nói rằng hãy thừa nhận và kiên nhẫn chờ đợi con. Rồi những cơn phản kháng, những tật xấu cũng sẽ qua đi chứ không bao giờ là kéo dài mãi, nếu ba mẹ ứng xử với con nhẹ nhàng thì chắc chắn con cũng sẽ nhẹ nhàng. Vì con cái là tấm gương phản chiếu mọi hành vi của cha mẹ mà. 

Những sai lầm của ba mẹ Việt Nam

Trong cách ứng xử trên có 3 bước như vậy, tuy đơn giản nhưng lại rất cần sự kiên trì ở ba mẹ. Với những trẻ chưa biết nói thì lại càng đòi hỏi độ kiên trì. Mình từng mất 2-3 tháng để rèn cho Bon thói quen không ném đồ chơi khi cáu lúc Bon gần 2 tuổi.

Mình nhận ra là ba mẹ ở Việt Nam thường hay quát vô tội vạ, chuyện bé xíu cũng quát như chuyện to khiến đứa trẻ sẽ không phân biệt được đâu là lúc ba mẹ thực sự nghiêm túc và cấm đoán thực sự. Vì thế càng những đứa trẻ hay bị ba mẹ quát chúng lại càng ngỗ nghịch, và không biết phân biệt đâu là việc nên làm và không nên làm, đâu là giới hạn được làm và không được làm.

Nếu ba mẹ ít khi thừa nhận cảm xúc của con, nói cho con cảm xúc con đang trải qua, và nói ra cho con chính cảm xúc của mình. Thì đứa trẻ sẽ không học được cách đọc cảm xúc của bản thân, đọc cảm xúc của người khác vì chúng vốn không có trải nghiệm về những điều ấy. 

sai lầm cha mẹ Việt khi dạy trẻ
Sai lầm cha mẹ Việt khi dạy trẻ (Ảnh: PIXTA)

Đừng nghĩ rằng trẻ chưa biết nói thì chưa hiểu đâu nhé! 

Qua những trải nghiệm với chính Bon và những gì mình quan sát ở Nhật thì mình nhận thấy trẻ con Nhật thể hiện cảm xúc của mình ra một cách tự nhiên và thường xuyên hơn trẻ con Việt Nam. Bon thường xuyên nói với mẹ cu cậu buồn lắm, vui lắm, thú vị lắm, yêu mẹ lắm, không yêu mẹ nữa, rồi thì sao mẹ cứ cáu với con nhỉ, sao mẹ không cười với con, khi mẹ không vui cũng bị đọc vị ngay. Mình thấy Bon cũng như nhiều đứa trẻ ở Nhật khác, rất biết thể hiện cảm xúc một cách phong phú nhờ việc con được dạy về điều này từ khi mới lọt lòng.

Khi dùng đến hình phạt phải cấm dùng đồ chơi hay cấm xem chương trình con yêu thích nhiều ba mẹ hay mắc sai lầm là đưa ra hình phạt cực đoan mà mình không thể thực hiện nổi, nên thành ra há miệng mắc quai. Ví dụ điển hình nhất là chuyện nếu con không dọn đồ chơi mẹ sẽ đem cho hết em A hàng xóm nhé, hay là vứt hết đi nhé. Thế nhưng cả đống đồ chơi đắt tiền thế, ba mẹ nào dám vứt đi thật. Nên nếu chúng ta chỉ dọa suông thì trẻ sẽ biết lời nói ấy của ba mẹ không có trọng lượng. Vì thế như mình nói đó là hãy chỉ đưa ra thách thức mà mình sẽ thực hiện được như là cất đồ chơi đi trong vòng 1 tuần chẳng hạn. 

nhầm lẫn giữa đứa trẻ tò mò với bạo lực
Mọi người đừng nhầm lẫn giữa việc một đứa trẻ tò mò với một đứa trẻ bạo lực phá đồ. (Ảnh: PIXTA)

Ví dụ như khi tò mò muốn tháo nắp ô tô hay mở ra xem vì sao ô tô không chạy có đứa sẽ biết lấy tô vít để mở, hoặc liên tục hỏi người lớn, còn đứa khác sẽ đập đập đến khi cái ô tô vỡ tan, sẽ là hai tính cách hoàn toàn khác nhau. Đứa trẻ biết trân trọng đồ đạc cũng là đứa biết cách tò mò một cách “nhân văn” hơn.

Ngoài ra, để dạy con cách trân trọng đồ vật mình thường hay lồng ghép cảm xúc của đồ vật vào để Bon học cách nâng niu nó. Khi rủ rê Bon dọn dẹp đồ đạc mà Bon làm chưa đến nơi đến chốn “Ồ Bon ơi còn một chiếc ô tô bị bỏ rơi này, tội nghiệp bạn ấy quá, mình phải đem trả bạn ấy về nhà thôi”. "Bon ơi, bạn kiến dễ thương lắm. Con giẫm lên bạn ấy sẽ đau đấy. Bon ném thế ô tô sẽ kêu huhu tớ đau lắm. Bon đừng ném tớ nhé”.

Nguyễn Thị Thu/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU