Giáo dục giới tính cho trẻ và những điều ba mẹ cần lưu ý
Bài: Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu
Oct 15, 2020
Nguồn tham khảo: Tạp chí Nikkei Dual
1. Giáo dục giới tính nên bắt đầu từ mấy tuổi ?
Nói đến giáo dục giới tính có thể nhiều người lớn sẽ nghĩ đến việc dạy trẻ những kiến thức liên quan đến chuyện giới tính của giới mình, chuyện sinh sản, và bảo vệ bản thân để chống bị xâm hại tình dục. Thế nhưng, trong một bài viết chia sẻ về chủ đề giới tính, nguyên giáo sư Đại học Giáo dục Kyoto – ông Sekiguchi Hisashi – đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phải dạy trẻ về ý thức “trân trọng bản thân mình”. Và trẻ cần được dạy điều này ngay trong giai đoạn từ 0 - 1 tuổi.Khi em bé sinh ra đời, điều đầu tiên bố mẹ và người chăm sóc cần trao cho em chính là ý thức về bản ngã. Thông qua sự kết nối và giao tiếp hằng ngày, trẻ phải cảm nhận được rằng sự tồn tại của mình là điều rất quan trọng, để từ đó sẽ giúp trẻ có ý rằng “mình không được để ai đó làm tổn thương đến bản thân mình”. Và từ đó trẻ cũng học được rằng “mình cũng không được phép làm tổn hại đến ai”. Cảm xúc về tính tự tôn và bản ngã ấy đã được bố mẹ gieo mầm thông qua những việc chăm sóc trẻ hàng ngày như ôm ấp, cưng nựng, mát-xa, cho bú hay thay bỉm,...
Rồi khi trẻ bắt đầu biết nói, cha mẹ chịu khó lắng nghe sẽ giúp trẻ cảm nhận được bố mẹ đang “tôn trọng” mình và “mình có thể tin tưởng, tâm sự bất cứ chuyện gì với bố mẹ”. Mối quan hệ tin tưởng ấy chính là suối nguồn để giúp trẻ cảm thất an tâm, sẵn sàng chia sẻ bất cứ điều gì với cha mẹ. Độ tuổi tiếp theo sẽ là những chỉ dẫn về giới hạn cho phép, nhận thức về vùng an toàn và các cách bảo vệ.
2. Lưu ý điều gì khi giáo dục giới tính cho trẻ ở giai đoạn 2 - 3 tuổi?
Dạy cho trẻ về “Vùng riêng tư”
Khi trẻ bắt đầu tò mò, hoặc sờ chạm vùng kín của mình, chính là thời điểm bố mẹ hãy dạy con về những vùng quan trọng của cơ thể. Cụ thể, “Vùng riêng tư” không được cho người khác chạm vào sẽ gồm: là vùng che kín khi mặc áo tắm đối với bé gái, và vùng mặc quần bỉm đối với bé trai. Với trẻ từ 3 tuổi, người cùng giới tính với trẻ nên dạy trẻ cách vệ sinh vùng kín của mình. Cần dạy trẻ rằng môi miệng không được tự ý hôn, hay khu vực riêng tư được áo tắm che là ngực, mông, đùi, vùng kín là tuyệt đối không được cho ai nhìn hay sờ với lí do rằng “Đó là Vùng riêng tư của riêng con và là duy nhất trên đời, con cần phải thật trân trọng”.
Có nhiều ba mẹ hay đùa với con rằng: “Ý xấu hổ chưa kìa” khi chỉ vào vùng kín của con, hay “Đừng sờ vào bẩn đấy” khi con chạm vào vùng kín của mình. Thật ra, những câu nói bâng quơ ấy có thể khiến trẻ nghĩ rằng những thứ trên “Vùng riêng tư” của mình là xấu, vùng kín là bẩn, bị nhìn là xấu hổ. Từ đó, nếu như trẻ bị ai đó tiếp xúc với “Vùng riêng tư”, trẻ sẽ nghĩ rằng mình bị làm chuyện xấu hổ, và trẻ không còn muốn nói ra sự thật với người mình tin tưởng nữa. Ba mẹ cần cho trẻ hiểu rằng “Vùng riêng tư” là cực kì đáng trân trọng với bản thân mình, không được tuỳ tiện để ai đó sờ, nhìn hay coi thường.
Giới hạn những đối tượng được tiếp xúc với “Vùng riêng tư”
Nên dạy trẻ giới hạn những đối tượng nào được phép tiếp xúc với “Vùng riêng tư”: bố mẹ hay cô giáo ở trường, ông bà hay anh chị, hay cô giáo, những người đó sẽ được sờ vào đâu. Khi ai đó ngoài bố mẹ muốn ôm hay hôn cần phải hỏi ý kiến trước. Thậm chí bố mẹ cũng nên tôn trọng quyền quyết định của trẻ như hãy hỏi xem: “Mẹ ôm con được không” hay “Mẹ thơm một cái nào”. Nếu trẻ không muốn thì nên tôn trọng chứ không nên cưỡng ép ôm hay thơm trẻ. Đương nhiên về mặt thực tế chẳng trẻ nào từ chối cái ôm và thơm của bố mẹ, nhưng làm như vậy sẽ giúp trẻ học được cách từ chối người khác khi họ muốn ôm hay thơm mình mà không hỏi ý kiến.
Những chỗ nào con được phép cởi đồ?
Một số lưu ý khác ở giai đoạn này
- Khi trẻ chạm ngực của người khác như cô giáo ở lớp chẳng hạn, đó là lúc cha mẹ cần dạy trẻ về sự tôn trọng “Vùng riêng tư” của bản thân và của người khác.
- Khi trẻ thích nói đùa trước mặt mọi người về bộ phận sinh dục của mình là “chim”, là thời điểm cần dạy trẻ rằng những điều đó người khác không muốn nghe.
- Khi trẻ nói đến chuyện về giới tính thì bố mẹ không nên cho đó là điều cấm kị, cần cởi mở để nói chuyện. Vì mọi thứ với trẻ lúc này đều là mới mẻ, và trẻ tiếp nhận trong tâm thế rất hồn nhiên, trực quan, bay bổng chứ không “trần trụi” như người lớn nghĩ.
3. Nhận thức về cơ thể của mình và cơ thể của người khác (từ 3 tuổi trở đi)
Tầm 3 tuổi trở đi, trẻ thường hay tò mò về bộ phận sinh dục của người khác như sờ ngực mẹ, hoặc nghịch bộ phận sinh dục của mình. Những lúc ấy bố mẹ đừng mắng trẻ mà hãy coi đây là cơ hội để dạy trẻ về việc tôn trọng cơ thể bản thân và cơ thể người khác. Với bé đã không còn bú mẹ nữa thì bố mẹ có thể nói “Đây là ngực của mẹ, là bộ phận rất quan trọng đối với mẹ nên mẹ không thích con sờ”, hay “Đây là vùng kín riêng tư của bố nên bố không muốn con sờ”. Từ đó trẻ hiểu rằng ngay cả với bố mẹ vùng riêng tư cũng không được chạm vào trẻ sẽ nhận thức được sự khác biệt về bản thân và người khác.
4. Ba bước dạy trẻ bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ xâm hại
Trung tâm chăm sóc và cứu trợ trẻ em ở bang Ohio của Mỹ (Child Assault Prevention-CAP) đã xây dựng chương trình giúp trẻ biết bảo vệ bản thân khi có nguy cơ bị xâm hại qua 3 bước sau: NO (KHÔNG ĐƯỢC) – GO (BỎ CHẠY) – TELL (NÓI RA).
Bước 1: NO – BIẾT NÓI KHÔNG
Hãy dạy con nói “Không được”, “Con không thích”, hay “Dừng lại”,...một cách rõ ràng và dứt khoát.
Bước 2: GO – BỎ CHẠY
Hãy tìm cách bỏ chạy đến chỗ sáng đèn hoặc có nhiều người qua lại.
Bước 3: TELL – NÓI RA
Hãy nói chuyện với người mình có thể tin tưởng (bố mẹ, thầy cô, cảnh sát...)
Tuy nhiên, điều quan trọng là làm cách nào để giúp trẻ phán đoán được khi nào thì cự tuyệt, khi nào thì nên bỏ chạy, nên nói chuyện với ai. Đó là điều bố mẹ cần quan sát và trao đổi với con.
5. Những lời hứa nào là tốt và nên thực hiện?
Thực tế là có rất nhiều trường hợp người xâm hại tình dục trẻ nhỏ lại là những người thân thiết, gần gũi với trẻ như thầy cô giáo, hàng xóm, họ hàng,... Vì thế cha mẹ nên dạy trẻ rằng, không phải mọi lời hứa mà ai đó muốn con hứa đều tốt. Nếu như con thấy lời hứa đó khiến con khó chịu, vi phạm vào những nguyên tắc tôn trọng cơ thể và cảm xúc của con, vi phạm vào những “Vùng riêng tư” không được phép, thì con không nên thực hiện. Hãy dặn dò con rằng nếu ai nói với con những câu như: “Không được nói với ai đâu, nếu nói ra sẽ bị ABC...” thì con nhất định không giữ lời hứa mà phải nói cho ba mẹ.
6. Khi trẻ có hành động xấu với bạn (khoảng từ 4 - 5 tuổi trở lên)
Khi thấy con có những hành động như tốc váy bạn, sờ chạm “Vùng riêng tư” của bạn, ba mẹ hãy coi đây là cơ hội để dạy con về giới tính, dạy về tầm quan trọng phải biết tôn trọng cả cơ thể lẫn cảm xúc và giới tính của người khác. Những chỗ con sờ là những vùng rất quan trọng với bạn ấy nên để tôn trọng bạn con tuyệt đối không làm vậy. Kể cả việc đùa cho vui cũng không được phép.
Còn nếu con bạn bị người khác trêu chọc, ba mẹ hãy tạo cho con sự tin tưởng để con có thể nói ra mọi suy nghĩ của mình, và coi đây là cơ hội để dạy con về những nguyên tắc “NO – GO – TELL”. Đối với bất kì trẻ nào cũng vậy, dù là đi trêu bạn hay bị người khác trêu thì việc ba mẹ xây dựng mối quan hệ tin tưởng được xây dựng trong cuộc sống hằng ngày để con cái có thể thoái mái nói ra mọi điều chính là điều quan trọng nhất. Nếu mối quan hệ ba mẹ và con cái không thân thiết, không gần gũi, ba mẹ không chịu lắng nghe con, quan sát con, yêu thương và thừa nhận con vô điều kiện thì không thể nào có được việc con sẵn sàng chia sẻ mọi điều với ba mẹ, hay lắng nghe lời khuyên bảo của ba mẹ cả.
7. Tham khảo các sách Ehon để dạy trẻ về giới tính
“Chuyện của bé Ai” và “Chuyện của bé Kai” là 2 cuốn Ehon dạy về giới tính cho trẻ của Nhật, do công ty sách Thái Hà Books phát hành, chính là những cuốn sách truyền tải rất rõ ràng thông điệp “Trân trọng bản thân” và “Bảo vệ bản thân” mà ba mẹ có thể tham khảo đọc cho con.
“Chuyện của bé Ai” là câu chuyện về bé gái tên là Ai, bé được dạy rằng cơ thể và tâm hồn của mình là duy nhất trên thế gian này, mình phải trân trọng nó. Bé được dạy về 3 bước bảo vệ bản thân khi bị ai đó xâm hại là phải “NO – GO – TELL” và vùng áo tắm che là “khu vực riêng tư” nên ai sẽ được và ai không được sờ vào những vùng nhạy cảm đó.
“Chuyện của bé Kai” là câu chuyện về bé trai tên là Kai bị mồ côi ba từ nhỏ, bé kể về hành trình được sinh ra do kết tinh từ tình yêu của ba và mẹ như thế nào, và bé tự nhủ mình sẽ phải sống bằng sự sống đã được ba trao tặng, và mình phải trân trọng nó.
kilala.vn