Thống kê ở Nhật có hơn 1 triệu người sống tách biệt với xã hội, tự mình cô lập trong phòng kín, họ được gọi là “Hikikomori”. Để lôi kéo được Hikikomori ra khỏi phòng để tái hòa nhập với cuộc sống gia đình và xã hội, dịch vụ “cho thuê” anh chị em có tên gọi “Rental Sister – Rental Brother” đã ra đời. Tên gọi này được đăng ký bản quyền và ở Nhật hiện có 6 người theo nghề này. Kilala đã có cuộc gặp gỡ với chị Ayako Oguri – với kinh nghiệm hơn 10 năm làm “Rental Sister” – để nghe chị chia sẻ về việc làm độc đáo hiện chỉ có ở Nhật Bản.
Chị Ayako Oguri (áo trắng) có kinh nghiệm hơn 10 năm làm “Rental Sister” (Ảnh: Nguyễn Đình)
Cho thuê anh – chị em (Rental Sister – Rental Brother) là một khái niệm thực sự mới và lạ, chị có thể chia sẻ công việc của một Rental Sister là gì không?
“Rental Sister” là một nhân vật xuất hiện làm cầu nối giữa Hikikomori và gia đình, có vai trò như một người thân (anh, chị, bạn). Rental Sisiter sẽ thay thế gia đình trò chuyện, lắng nghe cũng như chia sẻ cùng với những người mắc hội chứng Hikikomori, từ đó dần thuyết phục, lôi kéo, thậm chí giành giật họ trở lại hòa nhập với sinh hoạt gia đình, cộng đồng và xã hội.
Có thể gọi Rental Sister là một chuyên viên tư vấn tâm lý của những người mắc hội chứng Hikikomori?
Không phải thế, chúng tôi không phải là bác sĩ tâm lý cũng không phải là chuyên viên tư vấn tâm lý. Công việc chính của chúng tôi chỉ là làm bạn với những người Hikikomori chứ không mang mục đích làm thay đổi bản thân họ. Tuy nhiên qua quá trình được trò chuyện, lắng nghe và thuyết phục, tự thân những Hikikomori sẽ có sự thay đổi theo hướng tích cực đó là nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng.
Nguyên do từ đâu khiến chị gắn bó với nghề “Rental Sister”?
Tôi vốn thích được học tập và nghiên cứu nên sau khi tốt nghiệp cao học chuyên ngành Khoa học Xã hội thì tôi rất ngại phải đi tìm việc vì nó khác xa với chuyện học. Hơn nữa, ngành học của tôi ra trường tìm việc cũng khó. Tôi từng làm việc văn phòng trong 2 năm và chẳng thấy gì thú vị. Nhờ một người bạn giới thiệu, tôi tìm hiểu và biết được yêu cầu công việc của một Rental Sister khá đơn giản, không cần bằng cấp, chuyên môn, cũng không cần chứng chỉ hành nghề mà chỉ đơn giản là làm bạn, làm chị với những “khách hàng” có nhu cầu. Vậy là tôi tham gia. Và khi tiếp cận các trường hợp Hikikomori, tôi nhận ra trong cuộc sống có nhiều lúc tôi cũng đã từng có cảm xúc của một Hikikomori, do vậy tôi hiểu những khó khăn về tinh thần của Hikikomori và dễ dàng đồng cảm với họ.
Oguri Ayako (áo đỏ) nói chuyện về đề tài Hikikomori ở Trung tâm Japan Foundation tại Hà Nội.
Hikikomori là những người tự nhốt mình trong phòng, cách ly với xã hội, làm thế nào để Rental Sister tiếp cận được với họ?
Chúng tôi là “rental” – nên được chính cha mẹ của Hikikomori thuê để tiếp xúc với con cái họ (chi phí này rất cao – pv). Đầu tiên, Rental Sister sẽ viết thư tay và gửi đến địa chỉ nhà của Hikikomori để làm quen. Kế đến là xin số điện thoại để nói chuyện. Sau khi được Hikikomori đồng ý cho đến thăm nhà thì Rental Sister sẽ lui tới trò chuyện hằng ngày cho đến khi đưa được họ ra hòa nhập cộng đồng.
Một công việc nghe khá đơn giản, vậy cả quy trình đưa một Hikikomori ra ngoài mất bao lâu?
Tối thiểu là… 2 năm. Ở phần làm quen, thường mất khoảng 6 tháng đầu viết thư để nhận được phản hồi. Khi bức thư đến tay Hikikomori, phản ứng đầu tiên của họ thường là xé bỏ hoặc vứt vào thùng rác chứ không ai đọc. Nhưng chúng tôi cứ bền bỉ, đều đặn viết thư tay mỗi ngày, mỗi tuần. Điều này sẽ khiến cho Hikikomori chú tâm cho đến một ngày họ sẽ tự mở thư ra và đọc. Từ lúc đó cho đến khi được gặp mặt Hikikomori sẽ mất thêm từ 6 tháng đến 1 năm nếu mọi chuyện suôn sẻ.
Công việc chính của “Rental Sister” là gì khi sống cùng các Hikikomori?
Chúng tôi không phải là những người bạn tâm lý để chuyện trò, bởi nếu nhìn ở góc độ tư vấn tâm lý sẽ xem Hikikomori là một căn bệnh và dễ áp đặt những phương cách mang tính chữa trị, ép buộc. Do vậy việc của “Rental Sister” là can thiệp vào đời sống khép kín của Hikikomori, cùng làm một việc gì đó với họ và tồn tại song song trong cuộc sống của Hikikomori.
Oguri Ayako cùng hai nhân vật Hikikomori đến từ Nhật giao lưu và trò chuyện với các sinh viên ĐH KHXH & NV Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Đình)
Tiếp cận với những người vốn dĩ đã không muốn gặp người khác, không muốn hòa nhập xã hội, có bao giờ chị cảm thấy khó khăn và nản chí?
Mỗi khi tiếp cận một khách hàng mới, “Rental Sister” bao giờ cũng bị khước từ, nhẹ là đuổi về, nặng hơn là ném đồ đạc và tỏ rõ thái độ không hợp tác. Nhưng bày tỏ thái độ chính là một tín hiệu phản hồi tốt, dù là tiêu cực, cho nên tôi vẫn tiếp tục nhẫn nại để tìm mọi cách tiếp cận Hikikomori. Mỗi nhân vật là một câu chuyện, một tính cách, một hoàn cảnh khác nhau, và quá trình tiếp cận giúp tôi hiểu được những khó khăn về tâm lý, thể chất cũng như mối quan hệ gia đình – xã hội mà Hikikomori phải đối mặt. Khi giúp Hikikomori tái hòa nhập với xã hội thành công, ngoài góc độ công việc, thu nhập thì ở khía cạnh tinh thần, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì làm việc có ích cho người khác. Chính điều này giữ tôi ở lại với nghề.
Sống với Hikikomori, chị nghĩ gì về họ?
Tôi không coi Hikikomori là một hội chứng xấu. Họ là những người không đang trong trạng thái làm việc, học tập. Tôi quan niệm hạnh phúc của con người không chỉ có lao động hay làm việc, mà cần 3 nền tảng: làm việc, quan hệ bạn bè - cộng đồng và sống có ích. Các Hikikomori khác với người bình thường ở chỗ họ sống nhẹ nhàng, thoải mái, không gấp gáp, ồ ạt và ở phần nào đó có độ tinh tế nhất định, thậm chí có nhiều người rất giỏi nhưng đều không lấy bản thân làm trung tâm. Điều cần làm là giúp Hikikomori trở nên mong muốn được đóng góp và sống có ích cho bản thân và cho những người xung quanh.
Nếu thống kê tỉ lệ thành công của chị trong việc đưa Hikikomori hòa nhập cộng đồng trong 10 năm qua, con số sẽ thế nào?
Khoảng 80% là có thể tự mình đi làm, hòa nhập tốt với xã hội, còn lại 20% thường là những người có bệnh lý về tâm thần. Tuy nhiên thời gian hòa nhập của Hikikomori cũng khác nhau, có người hoàn toàn hòa nhập, nhưng có người chỉ được một thời gian ngắn là lại trở thành Hikikomori.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị này!
Nguyễn Đình/ kilala.vn