Bố mẹ nên làm gì khi trẻ có dấu hiệu trầm cảm?
Nguyễn Ngân
Sep 28, 2020
Nguồn: benesse.jp
Ảnh: PIXTA
Nhắc đến trầm cảm, hẳn nhiều người cho rằng đây là căn bệnh của người trưởng thành do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Thế nhưng, theo nghiên cứu gần đây, số trẻ em mắc chứng trầm cảm cũng không hề ít, đặc biệt là trẻ trên 10 tuổi. Chuyên gia tâm lý người Nhật Bản Inoko Kayo – tác giả của nhiều đầu sách bán chạy về tâm lý trẻ em – cho biết “Bất kỳ ai ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, vì vậy, việc phòng tránh rất quan trọng.” Bài viết lần này sẽ giới thiệu đến các bậc cha mẹ một vài phương pháp được chuyên gia tâm lý Inoko Kayo chia sẻ mà có thể thực hành tại nhà để đối phó với căn bệnh này.
Trầm cảm là căn bệnh phổ biến trong thời đại ngày nay, không chỉ người lớn mà trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải. Tháng 2 năm 2013, bài báo 子どもがうつかもしれないと思ったら (tạm dịch: Nếu bạn nghĩ con mình có thể đang bị trầm cảm) gồm hai phần đăng liên tục trên trang web giáo dục học đường benesse.jp đã nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh Nhật Bản. Bài viết dưới đây lượt dịch phần sau của bài nghiên cứu.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ đang có nguy cơ rơi vào trầm cảm
Trẻ em không như người lớn, chúng khó diễn tả cảm xúc của mình thành lời. Khi thấy con có những biểu hiện sau đây, rất có thể con đang rơi vào trầm cảm.
- Mất bình tĩnh
- Thiếu tập trung
- Ít nói
- Chậm chạp
- Sút cân do biếng ăn hay ăn quá nhiều dẫn đến thừa cân
- Mất ngủ hoặc ngủ suốt ngày
Trong trường hợp này, bố mẹ cần quan tâm theo dõi tình trạng của trẻ để kịp thời đưa ra cách giải quyết phù hợp.
3 nguyên nhân phổ biến gây nên trầm cảm ở trẻ nhỏ
Sau đây là ba nguyên nhân thông thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ:
- Cảm giác mất mát (bạn thân chuyển trường, mất thú cưng…)
- Tâm trạng bất an (mối quan hệ bạn bè không tốt, thành tích học tập xuống dốc…)
- Tâm lý ức chế (khi bị người khác cáu gắt, mắng mỏ vô lý…)
Vậy các bậc cha mẹ cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu trầm cảm?
Đối mặt với những vấn đề trên, người lớn còn khó chấp nhận được huống chi là trẻ con. Hãy thử nghĩ xem, những lúc chán chường, bạn thường làm gì? Chúng ta thường tìm đến những người bạn thân để tâm sự, nghe nhạc và nghỉ ngơi. Và trẻ cũng cần như vậy. Phương pháp hữu hiệu để đối phó với chứng trầm cảm ở trẻ nhỏ chính là sự chủ động lắng nghe và đồng cảm của bố mẹ.
1. Cho phép con vui chơi thư giãn:
Khi thấy trẻ có vẻ mệt mỏi, không nên hỏi dồn: “Con bị làm sao? Cảm thấy thế nào?” rồi đưa ra một loạt biện pháp bắt trẻ làm theo. Trong trường hợp này, không nên la mắng lớn tiếng vì sẽ khiến trẻ bị tổn thương.
Những lúc như vậy, bố mẹ nên cho phép trẻ được tự do vui chơi một chút. Nếu con buồn vì điểm số không tốt, thay vì nói “Con phải chăm chỉ hơn!”, hãy yên lặng và cho trẻ được nghỉ ngơi thư giãn sau một ngày vất vả ở trường.
2. Đồng cảm với con:
Bên cạnh việc nghỉ ngơi, bố mẹ cũng cần lắng nghe tâm sự của con. Lưu ý rằng khi trẻ kể chuyện, bố mẹ hãy lắng nghe một cách chăm chú và không ngắt lời trẻ. Ví dụ, con kể rằng mình cãi nhau và lỡ tay đánh bạn, các bậc phụ huynh thường có xu hướng nổi giận và mắng: “Không được làm vậy! Phải đối xử tốt với bạn chứ!” Đừng quá đặt nặng vấn đề bản thân phải chịu trách nhiệm trước giáo viên và phụ huynh về hành vi bạo lực của con mình. Trước hết, hãy tỏ ra tha thứ và tìm hiểu nguyên nhân sâu xa bằng những câu hỏi đại loại như “Nói chuyện bằng nắm đấm chẳng hay chút nào, nhưng việc gì khiến con mất bình tĩnh thế?”
Nhiều lúc người lớn cũng không kiềm được cơn giận của mình. Vì vậy, cho con có quyền được giải thích hành động nông nỗi và cùng con tìm cách giải quyết sẽ giúp trẻ bớt căng thẳng mỗi khi tự nhận lỗi.
3. Đừng tạo áp lực quá lớn:
Áp lực, một mặt tạo động lực cho trẻ vươn lên, đồng thời cũng khiến tâm lý trẻ bị đè nặng. Những câu trách mắng mà bố mẹ nhầm tưởng là tiếp sức cho con như: “Nếu không học hành đàng hoàng, sau này sẽ khổ lắm đấy!” lại vô tình khiến trẻ mệt mỏi vì cố ép mình phải học thật nhiều.
Ngày nay, nhiều phụ huynh xem trọng kết quả hơn sự nỗ lực. Nếu không đạt kết quả cao, mọi công sức của trẻ đều bị phủ nhận. Dần dà, trẻ trở nên định kiến về bản thân, rằng mình vô dụng, mình không làm được gì cả, từ đó đánh mất niềm tin vào chính mình.
Dù là học tập hay tham gia phong trào, kết quả cuối cùng không hẳn là tất cả. Quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng và sự tự tin. Đừng tiếc chi những lời khích lệ con hãy làm hết sức trong khả năng có thể. Thử tưởng tượng nếu bạn cố chạy hết quãng đường trong cuộc thi thể thao mà không được giải, hẳn sẽ rất buồn, nhưng nếu được nghe: “Con đã về đích rồi, giỏi lắm!”, bạn sẽ thấy hạnh phúc đúng không? Và trẻ cũng muốn được công nhận, nhất là khi đã cố gắng hết mình cho việc nào đó.
Trẻ con với tâm lý non nớt rất dễ bị tổn thương. Bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ không nhất thiết phải tìm đến bác sĩ, mà chính sự quan tâm và yêu thương của bố mẹ tạo nên sức đề kháng giúp trẻ chống chọi với trước tác động từ môi trường bên ngoài.
kilala.vn