Có lẽ nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu cho những rạn nứt của hôn nhân, nhưng người Nhật lại có nhiều lý do hơn thế.
Nhìn chung, nhà ở cũng như căn hộ ở Nhật thường không quá rộng, do vậy mà rất nhiều đồ nội thất truyền thống được thiết kế để tối đa công năng sử dụng trong diện tích khiêm tốn như vậy. Điển hình như, Futon có thể được gấp gọn để cất trong tủ đồ khi không sử dụng, bàn có thể gấp lại chỉ trong tích tắc. Tất cả đều có thể cất gọn nhanh chóng và dễ dàng để biến phòng khách thành phòng ngủ.
Tiến sĩ Hideki Kobayashi, giáo sư danh dự tại Đại học Chiba, đã nghiên cứu và đưa ra một số giả thuyết về vấn đề trên trong cuốn sách “Living in a Place – Family Life as Explained by Territorialism” của mình. Ông Kobayashi cho biết tỉ lệ các cặp vợ chồng ở Nhật ngủ riêng khá cao.
Theo nghiên cứu của ông, 26% cặp vợ chồng sống tại chung cư ở Tokyo ngủ trong các phòng riêng. Kobayashi cũng xác nhận rằng 4/10 cặp vợ chồng người Nhật trên 60 tuổi không ngủ chung giường và 53% cặp vợ chồng đã có con cũng dọn ra ngủ riêng.
Khác biệt về sinh hoạt
Xét về nhiều mặt, cuộc sống của một cặp vợ chồng Nhật Bản hiếm khi “như hình với bóng” như tại các quốc gia khác. Thường xuyên tăng ca là chuyện hay gặp trong giới văn phòng Nhật Bản nên việc sắp xếp thời gian cùng nhau ăn tối, ngủ nghỉ... không hề dễ dàng. Điều này lại càng trở nên khó khăn hơn khi ngày nay, xu hướng cả chồng và vợ đều đi làm trở nên phổ biến, thay vì người vợ thường nghỉ làm sau khi kết hôn để tập trung hoàn toàn vào chăm sóc con cái và gia đình như trước kia.
Hơn nữa, với những ai làm việc ở các tập đoàn lớn, quyết định chuyển công tác sang các chi nhánh nước ngoài trong vài năm cũng khiến nhiều cặp vợ chồng Nhật sống xa nhau. Đặc biệt, nhiều cặp còn tách ra ngủ riêng khi con cái đã lên Đại học. Có thể thấy, áp lực từ kinh tế phần nào tác động đến việc hai vợ chồng Nhật không còn ngủ chung giường để thuận tiện cho sinh hoạt riêng của từng người.
Trân trọng giấc ngủ của nhau
Trong khi nhiều người cho rằng bắt đầu ngủ riêng là dấu hiệu báo trước ly hôn, người Nhật lại nhìn nhận hoàn toàn khác. Họ vô cùng trân trọng giấc ngủ và không muốn bị làm phiền như phải nghe tiếng ngáy của nhau trong lúc đang say giấc nồng. Việc có không gian riêng giúp họ có một giấc ngủ ngon và bắt đầu ngày mới hiệu quả.
Văn hóa nuôi dạy con cái
Theo Tiến sĩ Kobayashi, điều này có nguồn gốc từ truyền thống nuôi dạy con cái của người Nhật. Tại xứ sở hoa anh đào, khi một người phụ nữ sinh con thì mẹ thường ngủ cùng đứa bé để luôn bên cạnh chăm sóc con.
Tuy nhiên, khi đứa trẻ ngày càng lớn, một cách tự nhiên, chúng sẽ bắt đầu tách khỏi mẹ. Sự phát triển tự nhiên này tạo ra nhận thức về việc ngủ riêng và trở thành thói quen kéo dài đến khi già.
Ngủ riêng là cách ly hôn trong im lặng
Đây là một giả thuyết khác được Tiến sĩ Kobayashi đưa ra. Giống như hầu hết các quốc gia phát triển khác, tỉ lệ ly hôn tại Nhật đã tăng lên trong vài thập kỷ qua. Theo số liệu của Bộ Y tế Nhật công bố vào ngày 24/08/2022, số cặp vợ chồng ly hôn sau nhiều thập kỷ chung sống đang ở mức cao nhất kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1947.
Trong năm 2020, đã có 193.253 cặp vợ chồng Nhật ly hôn, trong đó, 21,5% đã sống cùng nhau từ hai thập kỷ trở lên. Con số này tăng 1,5 lần so với 13,9% vào năm 1990.
Tuy vậy, tỷ lệ ly hôn ở Nhật vẫn thấp hơn so với các quốc gia khác. Kobayashi cho rằng nhiều cặp vợ chồng Nhật không muốn kết thúc hôn nhân của họ một cách hợp pháp mà dần quen với kiểu ly hôn thầm lặng dù vẫn đang cùng sống dưới một mái nhà.
Khi cả hai đều nhận ra sự thiếu gắn kết về cảm xúc hay mong muốn thân mật, các cặp vợ chồng này cảm thấy ngủ riêng là cách giải quyết lịch sự nhất cho cuộc hôn nhân đứng trước bờ vực đổ vỡ của họ.
kilala.vn