Ai là người giữ tiền trong gia đình Nhật?

Bài: Nguyệt Anh
Mar 18, 2019

Ảnh: Pixta

Sau khi lập gia đình sinh con, cho dù ở nhà nội trợ hay vẫn đi làm thì đa số phụ nữ Nhật vẫn giữ “tay hòm chìa khóa” và quản lí toàn bộ tài chính gia đình. Tuy nhiên, quan niệm này cũng đang dần thay đổi.

Vợ phát tiền tiêu vặt hàng tháng cho chồng

Truyền thống phụ nữ kiểm soát tài chính gia đình bắt nguồn từ sự kết hợp của những người chồng làm công ăn lương chăm chỉ, còn người vợ ở nhà làm nội trợ và nuôi dạy con cái để chồng dành hầu hết thời gian và toàn tâm toàn ý làm việc, hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai.

Tờ The Japan Times từng đưa ra con số thống kê có khoảng một nửa số hộ gia đình Nhật Bản mà người vợ quản lí tất cả tài chính. Trong khi đó chỉ có 20% số hộ gia đình chồng kiểm soát tài chính. Còn lại khoảng 30% các cuộc hôn nhân thì cả hai vợ chồng cùng quản lí tài chính gia đình.

Trên thực tế, thường sau khi lập gia đình, khoảng 50% “đấng mày râu” sẽ đưa hết tiền lương cho vợ nắm giữ. Sau đó, vợ sẽ cấp cho chồng một phần tiền lương để tiêu vặt – gọi là Kozukai. Các cuộc khảo sát cho thấy với mức thu nhập trung bình của một công chức Nhật Bản khoảng 350.000 yên/tháng (3.200 USD) thì Kozukai dao động từ 34.000 yên – 56.000 yên (tương đương 300 USD – 500 USD). Hằng năm các tờ báo lớn ở Nhật còn thống kê Kozukai trung bình mỗi tháng mà các ông chồng nhận được từ vợ. 

Ai là người giữ tiền trong gia đình Nhật?
Mức Kozukai hàng tháng mà các ông chồng nhận từ vợ cũng tùy vào mức thu nhập của họ.

Hiện nay, với mức lương bình quân của công nhân viên chức Nhật Bản là 350.000 yên/tháng cộng với 14 tháng lương/năm thì có khoảng

- 50% đàn ông Nhật có mức thu nhập khoảng 4,9 triệu yên/năm. Với mức thu nhập này họ có thể nuôi được vợ, 2 con và có 1 chiếc xe ô tô nhưng khó mua được nhà chung cư. Trong số này chỉ có 10% có thể mua được nhà, còn 40% ở cư xá, nhà công đoàn, nhà công ty, nhà của tỉnh hoặc quận, nhà Sở lao động…

- Còn với nhóm đàn ông có thu nhập cao trên 15 triệu yên/năm thì có khoảng 15% làm kinh doanh và 20% có vị trí cao trong các công ty, tập đoàn.

- Có khoảng 20% đàn ông Nhật có thu nhập thấp, trong số này có 7% thất nghiệp hoặc không có nghề nghiệp ổn định.

Do đó, mức Kozukai hàng tháng mà các ông chồng nhận từ vợ cũng tùy vào mức thu nhập của họ. Thường Kozukai chỉ bằng 10-20% mức thu nhập mà chồng nộp cho vợ. Nên đàn ông Nhật khó có thể hào phóng và vung tiền quá trớn khi mỗi tháng chỉ được vợ cấp cho vài nghìn yên tiêu vặt. Đó cũng là một trong những lý do nhiều ông chồng làm thêm để có thu nhập bổ sung vào tiền tiêu vặt khá eo hẹp. Có những trường hợp dù thu nhập của chồng tăng thì Kozukai hàng tháng vẫn không tăng.

Ngược lại, đa số phụ nữ Nhật lập “quỹ đen” còn gọi là khoản tiết kiệm bí mật. Quỹ đen này để họ chi tiêu cá nhân, mua sắm, làm đẹp và cả để dành lúc về già hoặc phòng khi hôn nhân bất trắc. Theo tờ New York Times, một cuộc thăm dò cho thấy 55% phụ nữ Nhật đã kết hôn giữ bí mật tiền mặt mà chồng họ, có lẽ không kiểm tra tài chính gia đình, hoàn toàn không biết. Tờ báo này nhận định điều này không phải là mới ở Nhật và không hẳn đây là sự ích kỷ của phụ nữ. 

Thu nhập bạn đời quyết định cuộc hôn nhân

Công ty mai mối Sunmarie thực hiện một cuộc khảo sát hàng năm về những gì người độc thân Nhật đang tìm kiếm ở đối tác để đi đến hôn nhân.  Năm nay cuộc khảo sát thu thập câu trả lời từ 196 nam và nữ trong độ tuổi từ 20 đến 69, với 49% số phụ nữ được hỏi ở độ tuổi 20 hoặc 30, và 29% ở độ tuổi 40. Khi được hỏi họ hy vọng chồng tương lai kiếm được bao nhiêu yên/năm, câu trả lời phổ biến nhất là 4 triệu yên/năm (tương đương 36.000 USD). Con số mong ước này giảm đáng kể so với cuộc khảo sát năm ngoái, khi hầu hết mong ước chồng tương lai kiếm được 5 - 6 triệu yên/năm (tương đương 44.000 – 53.000 USD).

thu nhập quyết định hôn nhân

Tuy nhiên cũng có khoảng 20% nữ giới trả lời không quan tâm lắm đến việc người bạn đời kiếm được bao nhiêu tiền. Trong khi đó, khoảng 19% nữ giới kỳ vọng chồng tương lai sẽ kiếm hơn 6 triệu yên/năm (tương đương trên 53.000 USD). 

Ngược lại, câu trả lời của đa số đàn ông trong cuộc khảo sát năm 2018 là “Tôi không quan tâm đến việc cô ấy kiếm được bao nhiêu tiền” chiếm đến 43%. Và có khoảng 32% đàn ông mong bạn đời kiếm được 3 triệu yên/năm; 14% mong vợ kiếm được 4 triệu yên/năm và chỉ có 4% số người được khảo sát mong muốn vợ kiếm được 5 triệu yên/năm.

Qua khảo sát này cho thấy quan niệm về tài chính trong gia đình cũng như kỳ vọng thu nhập của bạn đời vẫn có sự khác nhau khá nhiều giữa nam và nữ sau khi lập gia đình, khi phần lớn vẫn theo quan niệm truyền thống. Tuy nhiên, giờ đây cũng có nhiều quan niệm khác.

Xu hướng chia sẻ tài chính

Phụ nữ Nhật ngày càng khẳng định vai trò và vị trí trong xã hội, có thể nắm những chức vụ quan trọng như bà Yuriko Koike - Thị trưởng Tokyo hoặc bà Mizuho Fukushima - Trưởng Đảng dân chủ xã hội... Còn trong nhiều tập đoàn, công ty, phụ nữ giữ vị trí ngày càng cao. Do đó, có nhiều phụ nữ Nhật thu nhập cao, ổn định… không nghĩ đến kết hôn. 

xu hướng chia sẻ tài chính

Hiện có trào lưu nam – nữ thích nhau thì về sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, tiền bạc của ai nấy quản lý, hàng tháng chi phí chia đôi, rất sòng phẳng. Khi đi làm về muộn, nếu thích thì cùng nấu ăn còn không thích thì cả hai đi ăn chung hoặc đi riêng theo quyền tự do của mỗi người, chứ không phải hình ảnh phụ nữ suốt ngày chăm lo căn bếp, cơm bưng nước rót... Khi cả hai đi du lịch thì cũng chia đôi chi phí. Chưa kể, buổi tối vào quán rượu sẽ thấy số lượng nữ bằng hoặc nhiều hơn nam và đôi khi ồn ào hơn cả nam giới trong cuộc chuyện trò.

Qua đó thấy rằng, quan niệm phụ nữ sau khi lập gia đình ở nhà làm nội trợ và “giữ tay hòm chìa khóa” đang dần thay đổi trong suy nghĩ nữ giới. Hiện xu hướng cả hai vợ chồng cùng quản lí tài chính khá phổ biến, hoặc trong đời sống lứa đôi cả hai chia sẻ tài chính, không phụ thuộc vào ai.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU