Giống như phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Nhật cũng có nhiều “nỗi niềm khó nói” khi sống cùng gia đình chồng, đặc biệt với mẹ chồng. Tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp, chính việc chung sống này lại khiến họ thấy mình cực kì may mắn!
Để thực hiện bài viết, Kilala đã phỏng vấn chị Đặng Ngọc Hà, tên Nhật là 中村霞, 34 tuổi, đang sống ở TP. Tsu tỉnh Mie và tổng hợp nhiều ý của các phụ nữ đang sống với mẹ chồng tại Nhật, để giúp độc giả có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề "mẹ chồng - nàng dâu".
Chị Ngọc Hà chụp ảnh cùng mẹ chồng và chồng. (Ảnh: NVCC)
1. Có người chia sẻ công việc nội trợ
Phụ nữ Nhật thường luôn gắn liền với hình ảnh đầu tắt mặt tối cả ngày làm công việc nội trợ. Tuy nhiên nếu sống chung với mẹ chồng, họ có thể san bớt công việc trong nhà để dành thời gian ra ngoài làm những công việc mình thích, khi ốm đau cũng không sợ nhà cửa không ai chăm lo. Hoặc hôm nào tan sở muộn, cũng có thể an tâm vì đã có mẹ chồng lo cơm nước cho nhà.
"Những ngày đầu về làm dâu, mẹ mình đều "giành làm hết". Mỗi lần mình muốn... sai anh làm việc gì thì mình lén lén nhắn tin ''Anh đi rửa chén với em nha'' hay ''Anh vệ sinh bồn tắm đi nha''... tất cả ''chỉ thị'' đều bằng tin nhắn" - Hà hài hước chia sẻ.
2. Học hỏi những kiến thức hữu ích cho cuộc sống mới
Khi về sống ở nhà chồng, sẽ có những thói quen sinh hoạt, phong tục địa phương không thể không tuân theo, hoặc sẽ phải làm những công việc mà trước đây ít động tay đến như nấu nướng, dọn dẹp… Lúc này, dù nàng dâu có nỗ lực hết mình để chứng tỏ mình là “nàng dâu tốt” đi nữa thì cũng không thể làm mọi thứ hoàn hảo như mẹ chồng – người đã tích lũy kinh nghiệm sống cả đời. Nhưng nếu chịu khó học hỏi, chắc chắn mẹ chồng sẽ là người thầy tuyệt vời đấy!
"Mẹ mình thường mua dép đi trong nhà theo mùa, vớ cũng theo mùa,
tạp dề cũng theo mùa cho cả 2 mẹ con. Mẹ hay... mang nhầm dép đi trong nhà mùa đông của
mình lắm nên mẹ phải đính hoa khác nhau để phân biệt" - Hà tâm sự. (Ảnh: NVCC)
3. Dễ hòa nhập hơn với láng giềng
Khi mới chân ướt chân ráo về nhà chồng, không phải nàng dâu nào cũng có thể nhanh chóng làm quen với láng giềng hàng xóm. Nhưng nàng dâu có thể nhờ mẹ chồng giới thiệu, chỉ dạy để hòa nhập cộng đồng mới dễ dàng hơn. Cả việc giao thiệp với hàng xóm cũng trở nên nhẹ nhàng khi có mẹ chồng thay mặt gánh vác.
4. Giao con cho mẹ chồng chăm sóc
Ở Nhật đến nay vẫn còn duy trì “truyền thống” phụ nữ sau khi sinh con sẽ nghỉ làm ở nhà để chuyên tâm chăm sóc con và làm công việc nội trợ, tuy nhiên việc người phụ nữ phải quần quật cả ngày trong một căn nhà để chăm bẵm trẻ nhỏ mà không có bất kì sự hỗ trợ nào vốn không hề dễ dàng. Thực tế có rất nhiều phụ nữ vì quá áp lực mà dẫn đến stress hay những suy nghĩ tiêu cực như “Thà chết còn hơn tiếp tục những ngày tháng địa ngục này!”. Nhưng nếu có người mẹ chồng dày dặn kinh nghiệm ở bên cạnh giúp đỡ, họ có thể sẻ chia những khó khăn trong việc nuôi dạy con, hoặc có thể an tâm trở lại với công việc của mình.
5. Nhờ bố mẹ chồng trông con khi ra ngoài cùng chồng
Khi có thêm thành viên mới trong gia đình, đời sống riêng tư của hai vợ chồng chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn. Mối quan tâm trước kia chỉ dành cho nhau giờ đây dồn hết sang cho con sẽ khiến vợ chồng dễ sao nhãng nhau. Do đó vợ chồng nhất thiết phải dành ra mỗi tháng ít nhất 1 lần để “hẹn hò” riêng 2 người, tận hưởng khoảng thời gian lãng mạn giống như thời chưa hoặc mới cưới. Những lúc này, nếu có bố mẹ chồng sống chung thì việc nhờ trông hộ con sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
6. Khi vợ chồng bất đồng ý kiến, mẹ chồng trở thành “đồng minh” tin cậy
Vì cùng là phụ nữ, có những quan điểm mà mẹ chồng và nàng dâu dễ cảm thông với nhau hơn. Người chồng dẫu có cố chấp với vợ thế nào cũng dễ xuôi theo ý của mẹ, cho nên khi muốn thuyết phục chồng điều gì, nàng dâu khôn ngoan có thể nhờ mẹ chồng can thiệp, khuyên bảo chồng.
Người chồng dẫu có cố chấp với vợ thế nào cũng dễ xuôi theo ý của mẹ, cho nên khi muốn thuyết phục chồng điều gì, nàng dâu khôn ngoan có thể nhờ mẹ chồng can thiệp, khuyên bảo chồng. (Ảnh: NVCC)
"Người Nhật vốn sống khép kín, nên việc cưới con dâu người nước ngoài là việc rất đáng quan ngại. Những ngày đầu mới cưới, mẹ cũng luôn giữ một khoảng cách nhất định với mình, nói chuyện cũng khách sáo. Ngày trong tuần mình đi làm, nên thứ 7, chủ nhật mình hay nấu các món ăn Việt Nam cho cả nhà như gỏi cuốn, bánh xèo, thịt kho hột vịt... mẹ mới đầu không ăn được nước mắm nhưng giờ đã ăn được và rất thích gỏi cuốn và bánh xèo. Mẹ thỉnh thoảng dạy mình nấu các món ăn của Nhật như cà ri, súp miso.... rất ngon" - Hà tâm sự bí quyết giúp cô nàng "chinh phục" được mẹ chồng.
Inako chan/ kilala.vn
Đón xem bài viết Bí quyết sống chung với mẹ chồng theo kinh nghiệm của phụ nữ Nhật vào ngày 27/4/2017 trên website Kilala.vn