10 thói quen giúp con trở thành người biết nỗ lực

Bài: Nguyễn Thị Thu / Tham khảo: dual.nikkei
Jul 9, 2017

Minh họa: TongRo/PIXTA

Thay vì để cha mẹ phải thường xuyên nhắc nhở, thúc giục làm cái này đi, làm cái kia đi, có cách nào để trẻ tự mình ý thức làm? Cha mẹ nói với trẻ như nào để giúp trẻ phát huy khả năng của mình? Những lời khuyên dưới đây được chuyên gia về thần kinh não, bác sĩ Hayashi Nariyuki chia sẻ với các bậc cha mẹ, thông qua những thói quen nuôi dưỡng năng lực cho bộ não để giúp trẻ trở thành người biết nỗ lực, luôn có tinh thần cố gắng, chủ động trong mọi công việc.

1. Phải để con thấy yêu cha mẹ

thói quen giúp con biết nỗ lực
(Ảnh minh họa, TongRo / PIXTA)

Khi bộ não tiếp nhận thông tin nào đó, nó sẽ tự động gắn một mác “yêu” hay “ghét” lên hệ thần kinh A10, nhằm gây hứng thú và tạo ra không khí vui vẻ. Nếu thông tin không được dán nhãn vui vẻ, thú vị thì các chức năng của não như lí giải, suy nghĩ, ghi nhớ không làm việc hiệu quả. Nếu trẻ không yêu quý người dạy mình, thì hiệu quả của việc học sẽ giảm đi một nửa. Vì thế ảnh hưởng của người dạy trẻ là rất lớn. Đó là lý do vì sao những đứa trẻ ghét cha mẹ hay giáo viên thì thường không có hứng thú học, không chịu nghe lời. Trước khi dạy con cha mẹ hãy học cách để con yêu mình đã.

2. Đừng dùng những từ mang ý nghĩa phủ định 

Nếu trong đầu trẻ xuất hiện suy nghĩ mình sẽ không làm được, lập tức bộ não sẽ bị dán mác tiêu cực dẫn đến giảm khả năng tư duy và ghi nhớ. Nếu tiếp tục như vậy lâu dài thì sau này trẻ sẽ thất bại ngay cả với những việc trong khả năng, hoặc tốn thời gian hơn. Suy nghĩ kiểu phủ định "nếu không làm được thì phải làm sao" lại dễ xảy ra ở những trẻ ngoan ngoãn.

Vì vậy, khi trẻ làm một việc gì đó đòi hỏi mức độ nỗ lực cao, cha mẹ phải giúp trẻ sàng lọc lại suy nghĩ làm được và không làm được này. Nếu chỉ nói "cố lên" đôi khi trẻ sẽ không hiểu mình cần phải cố gắng tới mức nào thì được. Thay vào đó cần xác định mục tiêu rõ ràng, đưa ra đòi hỏi có kì hạn với mỗi một bài tập hay mục tiêu nhỏ, để trẻ tập trung tinh thần vào đó, năng lực của bộ não cũng được nâng cao lên rất nhiều.

3. Lặp đi lặp lại việc thực hành và ôn tập

Đặc trưng của bộ não là rất nhạy bén với những thông tin mới. Những kí ức mờ nhạt, kiểu ghi nhớ nửa vời sẽ bị thông tin mới thay thế. Để thông tin trở thành kí ức suốt đời thì "việc lặp đi lặp lại" là vô cùng quan trọng. Muốn nuôi dưỡng tài năng của trẻ thì không có cách nào khác hơn là luyện cho trẻ thói quen lặp đi lặp lại và ôn tập nó.

4. Nuôi dưỡng tính cách ngây thơ, trong sáng

pixta_8491361_M.jpg
(Ảnh minh họa, TongRo / PIXTA)

Giống như một câu nói nổi tiếng của Steve Job "Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ", "Tâm hồn thơ ngây" chính là bỏ qua suy nghĩ thiệt hơn mà sẵn sàng cố gắng đến cùng. Nếu trẻ làm cái gì cũng nghĩ có lợi cho mình mới cố gắng, không có lợi cho mình nên không làm, sẽ dẫn đến việc năng lực bản thân bị chi phối vào từng điều kiện, không đánh thức được tâm hồn, cũng như động lực.

5. Không để trẻ có tư duy làm việc đại khái, hoặc bỏ dở giữa chừng

Trong cuộc thi điền kinh một số người khi sắp cán đích thường có xu hướng từ từ thả tốc độ. Hoặc khi học được một đoạn thấy đại khái đã hiểu sẽ dừng lại nghỉ giải lao. Như thế vô tình khiến hệ thần kinh tự thưởng được thỏa mãn, dẫn đến năng lực tư duy của bạn sẽ bị giảm đi rất nhiều. Suy nghĩ đại khái là được rồi giống như một mệnh lệnh cho bộ não dừng lại. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ hãy rèn cho trẻ thói quen không làm việc nửa vời. Suy nghĩ "Thời điểm sắp kết thúc mới chính là thời điểm quyết định thành bại" là điểm quan trọng để nuôi dưỡng tinh thần nỗ lực của trẻ.

6. Luôn hào hứng lắng nghe câu chuyện của người khác

hào hứng lắng nghe
(Ảnh minh họa, TongRo / PIXTA)

Hệ thần kinh A10 còn có chức năng nắm bắt cảm xúc. Khi cảm xúc dao động nó sẽ nâng cao năng lực phán đoán cũng như năng lực lí giải của não. Muốn tạo ra cảm xúc cho trẻ thì phải tạo cho trẻ cảm giác thích thú, tò mò “biết đâu sẽ có chuyện thú vị xảy ra” hay “tiếp theo nó sẽ như nào nhỉ”. Khi nói chuyện với trẻ, cha mẹ nên nói với trẻ những câu như “thú vị quá con nhỉ” để nuôi dưỡng năng lực cảm thụ cho trẻ.

7. Đặt ra mục tiêu và chạy một mạch đến đích

dặt ra mục tiêu
(Ảnh minh họa, TongRo / PIXTA)

Nếu không làm liền mạch bộ não rất dễ để cho những suy nghĩ tiêu cực như “không biết có ổn không”, hay là “không chừng sẽ lại thất bại” chen vào. Vì thế khi đã xác định được mục tiêu rồi hãy chạy một mạch đến đích. Về đến nhà nếu có bài tập hãy ngồi làm một mạch hết đống bài tập đó.

8. Hãy dạy trẻ thừa nhận sự thất bại và lỗi lầm của bản thân

Khi bản năng tự phòng vệ của não hoạt động quá mạnh, ý muốn ngăn cản sự tổn thương hay những chỉ trích từ người khác cũng mạnh mẽ hơn. Đó là lí do chúng ta thường không nhận lỗi sai hoặc thất bại của bản thân. Tuy nhiên, nếu bộ não không đưa ra quyết định "đến khi nào, làm cái gì và làm như thế nào" thì nỗ lực sẽ không xuất hiện. Có nghĩa là cần phải xác nhận xem bản thân thiếu cái gì, cần phải khắc phục điểm nào. Cha mẹ ngoài việc khen ngợi con, hãy hướng dẫn con biết nhìn ra khuyết điểm của bản thân để sửa chữa, khắc phục, nhưng đừng dùng những lời phủ định. 

9. Hãy nuôi dưỡng năng lực biết cảm phục người khác

năng lực biết cảm phục người khác
(Ảnh minh họa, TongRo / PIXTA)

Muốn tồn tại trong tập thể và trong xã hội con người không thể thiếu kỹ năng thấu hiểu trái tim người khác, chia sẻ lẫn nhau. Muốn như thế thì ngay từ khi còn nhỏ hãy nuôi dưỡng cho trẻ tinh thần biết tôn trọng người khác. Nếu như trẻ nghe được cha mẹ chê bai, chửi mắng hoặc dùng từ chỉ ý coi thường ai đó, tức thì trẻ cũng sẽ mất đi sự kính trọng với người đó. Vì thế cha mẹ hãy làm gương cho con trước, hãy đối xử nhẹ nhàng, thường xuyên biết khen ngợi người khác thì sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng năng lực biết tôn trọng mọi người.

10. Nuôi dưỡng năng lực phán đoán bằng những câu hỏi lựa chọn  

Ngay từ khi còn nhỏ trẻ thường xuyên rèn luyện thói quen tư duy với những câu hỏi kiểu như “Con sư tử này với con sư tử kia con nào khỏe hơn. Vì sao?”, hoặc “Hoa này với hoa kia con thích hoa nào hơn. Vì sao con thích nó hơn”. Những câu hỏi ấy sẽ giúp trẻ chú ý đến những khác biệt nhỏ nhặt nhất, để hình thành thói quen tư duy khúc chiết, đi vào chi tiết.

Nguyễn Thị Thu / kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU