eMagazine
0%

Tamura Toshiko là một tiểu thuyết gia mà tác phẩm bộc lộ tính “nữ quyền” rất mạnh mẽ, tạo nên một làn gió mới thổi bay những định kiến, chuẩn mực xưa cũ áp đặt lên nữ giới.

Tamura Toshiko (1884-1945).
Tamura Toshiko (1884-1945). Ảnh: Unseen Japan

Năm 1911, vở kịch A Doll's House của nhà viết kịch người Na Uy Henrik Ibsen được Nhật Bản dựng lại và biểu diễn tại Tokyo. Vở kịch ba màn kể về người phụ nữ tên Nora hết lòng hy sinh cho chồng nhưng sau đó đổi lại chỉ là sự vô ơn, bạc bẽo. Nora nhận ra suốt đời mình chỉ như con búp bê sống trong căn nhà theo ý muốn của cha và sau này là chồng, vì vậy cô đã đứng dậy đấu tranh, giải thoát cho bản thân.

Lúc bấy giờ, nhân vật Nora do người đẹp Matsui Sumako thủ vai đã trở thành hình mẫu lý tưởng về “Người phụ nữ mới” đối với công chúng. Đó là hình tượng người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, sẵn sàng đấu tranh để có cuộc sống không bị ràng buộc bởi những chuẩn mực truyền thống hà khắc.

Vào thời điểm đó, Nhật Bản cũng đã xuất hiện “Nora đời thực”, đó là Tamura Toshiko, một trong những phụ nữ Nhật Bản đầu tiên kiếm sống bằng nghề viết lách trong thời kỳ hiện đại.

Di sản mà Tamura để lại cho thế hệ sau không chỉ là tư tưởng tiến bộ đấu tranh vì nữ quyền trong thời đại của bà, mà còn mở rộng sang các vấn đề xã hội khác liên quan đến chống phân biệt chủng tộc và giải phóng áp bức giai cấp. Từ thời thơ ấu và những năm đầu tuổi trưởng thành gắn bó với rạp hát, đến việc tổ chức các công đoàn lao động ở Canada xa xôi rồi điều hành một tạp chí dành cho phụ nữ ở Thượng Hải, Tamura đã để lại những dấu ấn sâu đậm về công cuộc truyền tải tư tưởng, thông điệp tiến bộ, đấu tranh vì quyền lợi cho phái nữ.

Tamura Toshiko (1884-1945).
Tamura Toshiko (1884-1945). Ảnh: Unseen Japan

Một con người yêu nghệ thuật

Tamura Toshiko tên khai sinh là Sato Toshi, sinh ngày 25/04/1884 tại quận Asakusa của Tokyo. Cha bà là một thương nhân buôn gạo còn mẹ là diễn viên sân khấu. Sau khi cha mẹ ly hôn, Toshiko về sống cùng mẹ và làm quen với nghệ thuật, bị thế giới sân khấu kịch thu hút rồi bắt đầu đam mê văn học.

Năm 17 tuổi, bà đăng ký vào Đại học Nữ sinh Nhật Bản để học văn nhưng phải bỏ dở vì bệnh tật. Tuy nhiên, Toshiko vẫn không nản lòng mà tìm đến nhà văn Kouda Rohan và nỗ lực theo học dưới sự hướng dẫn của thầy.

Nhà văn Kouda Rohan (1867-1947), một người thầy trong sự nghiệp văn chương của bà Toshiko.
Nhà văn Kouda Rohan (1867-1947), một người thầy trong sự nghiệp văn chương của bà Toshiko. Ảnh: ndl.go.jp

Qua nhiều năm, phong cách văn học cổ điển của Kouda đã dần mất đi sức hấp dẫn với Toshiko, bà muốn thử nghiệm những hình thức hiện đại hơn. Thế nên sau đó từ năm 1906, vì muốn thể hiện khả năng sáng tạo của mình một cách không giới hạn, bà quyết định đắm mình trong thế giới sân khấu, theo học môn nghệ thuật biểu diễn.

Nhà văn Kouda Rohan (1867-1947), một người thầy trong sự nghiệp văn chương của bà Toshiko.
Nhà văn Kouda Rohan (1867-1947), một người thầy trong sự nghiệp văn chương của bà Toshiko. Ảnh: ndl.go.jp

Năm 1907, bà tốt nghiệp Học viện Đào tạo Nữ diễn viên Hoàng gia và ra mắt khán giả với sân khấu đầu tiên. Diễn xuất của bà nhìn chung nhận được những đánh giá tích cực nhưng ngoại hình thường bị các nhà phê bình chê bai. Trước sự soi mói của công chúng cũng như tự ý thức về ngoại hình bản thân, Toshiko đã đi sửa mũi, một thủ thuật thẩm mỹ hiếm gặp vào thời điểm đó để tự tin hơn mà tỏa sáng trên sân khấu.

“Người phụ nữ mới”

Tamura Toshiko bắt đầu thể hiện quan điểm ủng hộ “nữ quyền” thông qua đóng góp của mình trong các bài tiểu luận cho nhiều tạp chí nghệ thuật và sân khấu khác nhau. Bà ủng hộ “Shingeki” 
(新劇/TÂN KỊCH) - loại hình sân khấu dựa trên chủ nghĩa hiện thực hiện đại ra đời vào những năm đầu thế kỷ 20. Những người theo Shingeki tìm cách kết hợp các kỹ thuật diễn kịch theo phong cách phương Tây và tập trung nhiều hơn vào những câu chuyện mang tính bình luận xã hội với cốt truyện logic thay vì lối sản xuất truyền thống mang tính thẩm mỹ điển hình của Kabuki.

Vào thời điểm đó, một số nhà hoạt động nữ quyền và nhà văn nữ đã lên tiếng để yêu cầu sự công nhận về vị trí, vai trò của nữ giới trong nhà hát. Toshiko không ngần ngại đóng góp vào các cuộc thảo luận này, đặc biệt bà quan tâm đến vấn đề của phụ nữ với “Onnagata”. Trong kịch Kabuki, “Onnagata” (女形/女方) là những diễn viên nam đóng vai nữ. Bà cho rằng “phá bỏ lối diễn Onnagata thông thường và tạo ra những vở kịch tiến bộ nên là sứ mệnh của các nữ diễn viên”.

Dưới thời Mạc phủ Tokugawa, phụ nữ bị cấm biểu diễn Kabuki vì vậy diễn viên nam phải đảm nhận vai nữ.
Dưới thời Mạc phủ Tokugawa, phụ nữ bị cấm biểu diễn Kabuki vì vậy diễn viên nam phải đảm nhận vai nữ. Ảnh: Wikipedia
Dưới thời Mạc phủ Tokugawa, phụ nữ bị cấm biểu diễn Kabuki vì vậy diễn viên nam phải đảm nhận vai nữ.
Dưới thời Mạc phủ Tokugawa, phụ nữ bị cấm biểu diễn Kabuki vì vậy diễn viên nam phải đảm nhận vai nữ. Ảnh: Wikipedia

Tamura Toshiko thể hiện việc hiện đại hóa thế giới sân khấu thông qua ngòi bút, bà sáng tác kịch bản của riêng mình là Slave dựa trên A Doll's House. Trong đó, bà viết về “người phụ nữ mới” có tên Fujiko và người bạn đời thất nghiệp Shinnosuke của cô. Cả hai đều cố gắng tuân thủ các chuẩn mực xã hội đồng thời giữ vững sự tự do ý chí của bản thân. Sau những biến cố, mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống hôn nhân, Fujiko đã vùng lên thể hiện sức mạnh của mình trước những định kiến hà khắc của xã hội cũ.

Nữ tiểu thuyết gia viết về nữ giới

Từ năm 1910, Tamura Toshiko chuyên tâm vào sự nghiệp văn chương. Vì cuộc sống mưu sinh mà bà đã phải từ bỏ diễn xuất và tập trung vào viết lách để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khoảng thời gian này, bà đã kết hôn với Tamura Shogyo.

Bước ngoặt giúp sự nghiệp viết văn của bà thăng tiến là khi đoạt giải văn học Osaka Asahi Shimbun với tiểu thuyết Akirame (1911). Giải thưởng này đã khẳng định vị thế của bà trong thế giới văn học do nam giới thống trị bấy lâu nay.

Sau đó, Toshiko thể hiện lý tưởng “Người phụ nữ mới”, kết hợp với sự phê phán xã hội đương thời, bộc lộ quan điểm của bản thân thông qua những trải nghiệm theo đuổi nghệ thuật trong nhà hát với các tác phẩm như Chooroo (Mockery, 1912), Miira no kuchibeni (Lip Rouge on a Mummy, 1913)Onna Sakusha (Woman Writer, 1913).

Tuyển tập các tác phẩm của Tamura Toshiko.
Tuyển tập các tác phẩm của Tamura Toshiko. Ảnh: Unseen Japan

Toshiko trở thành nhà văn sở hữu những đầu sách bán chạy nhất và đóng góp nhiều tác phẩm cho các tạp chí văn học chính thống như Chuo Koron và Shincho.

Tuyển tập các tác phẩm của Tamura Toshiko.
Tuyển tập các tác phẩm của Tamura Toshiko. Ảnh: Unseen Japan
Tamura Toshiko trong trang phục truyền thống của Trung Quốc.
Tamura Toshiko trong trang phục truyền thống của Trung Quốc. Ảnh: Unseen Japan

Năm 1918, Toshiko ly hôn chồng, kết thúc cuộc hôn nhân đầy sóng gió và bi kịch để bắt đầu một khởi đầu mới với nhà báo Suzuki Etsu của tờ Asahi Shimbun.

Bà theo Etsu đến Vancouver, Canada. Lúc này tại phương Tây đang mang tư tưởng bài Á và Toshiko đã trải qua việc bị phân biệt đối xử, chứng kiến phụ nữ Nhật bị chà đạp ở nơi đất khách quê người khiến bà rất bất bình. Bà chia sẻ những khó khăn của mình trên tờ báo Nhật-Canada Tairuku Nippo với bút danh Tori no Ko. Bà làm thơ và viết chuyên mục tư vấn phụ nữ, bày tỏ quan niệm về vai trò của nữ giới như nền tảng cho sự phát triển của chính trị và xã hội. Năm 1930, Toshiko và các nữ công nhân Nhật Bản thành lập một liên đoàn lao động, hợp tác với các liên đoàn phụ nữ Canada.

Sau khi Suzuki Etsu mất, bà trở về Nhật Bản vào năm 1936. Lúc này tại Nhật chủ nghĩa quân phiệt đã kìm hãm những khao khát tiếp tục nỗ lực giải phóng phụ nữ của Toshiko khiến bà chán nản và chuyển đến Thượng Hải, Trung Quốc vào năm 1942. Tại đây bà đảm nhận vai trò tổng biên tập tạp chí phụ nữ Trung Quốc Nu Sheng. Nhìn bề ngoài, Nu Sheng hoạt động giống như hầu hết các tạp chí định kỳ do chính quyền Nhật kiểm soát: tuyên truyền dưới hình thức tiểu luận, truyện, phê bình phim và các bài báo được phụ nữ quan tâm. Tuy nhiên, hầu hết nhân viên của tòa soạn đều là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc do nhà văn Guan Lu, trợ lý của Toshiko tuyển dụng.

Tamura Toshiko trong trang phục truyền thống của Trung Quốc.
Tamura Toshiko trong trang phục truyền thống của Trung Quốc. Ảnh: Unseen Japan

Toshiko được cho là “người có cảm tình với chủ nghĩa xã hội” nên bà không ngần ngại bày tỏ tình yêu với hòa bình, cũng như luôn dang tay giúp đỡ những người Trung Quốc yếu thế, đặc biệt là nữ giới. Bà bộc lộ kế hoạch đoàn kết xuyên quốc gia, chiến đấu vì quyền dân chủ với mối liên kết giữa phụ nữ Trung Quốc và Nhật Bản

Di sản của
Tamura Toshiko

Đáng tiếc, Tamura Toshiko chưa bao giờ nhìn thấy sự kết thúc của chiến tranh, vào ngày 16/04/1945 bà đã qua đời vì xuất huyết não ở Thượng Hải. Bà để lại cho hậu thế một sự nghiệp với những áng văn thơ truyền tải nhiều thông điệp sâu sắc về nữ giới cũng như tài sản để giúp đỡ các nhà văn nữ phát triển sự nghiệp.

Tiền bản quyền của Toshiko được dùng để thành lập giải thưởng văn học dành cho các nữ tác giả. Những người chiến thắng nổi bật của giải này bao gồm nhà viết kịch Akimoto Matsuya và nhà thơ Ishigaki Rin.

Đài tưởng niệm Suzuki Etsu và Tamura Toshiko tại Công viên Takashi Ryokuchi, thành phố Toyohashi, tỉnh Aichi.
Đài tưởng niệm Suzuki Etsu và Tamura Toshiko tại Công viên Takashi Ryokuchi, thành phố Toyohashi, tỉnh Aichi.

Toshiko có lẽ là một trong những người tiên phong cho phong trào “Người phụ nữ mới” toàn diện nhất. Bà đã viết, sống hết mình với nghệ thuật và vượt qua rào cản của những định kiến truyền thống xưa cũ để trở thành một con người tiến bộ của thời đại, bà không chỉ đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình mà còn cho tất cả những người phụ nữ trên thế giới này.