Xưởng tơ lụa Tomioka

BÀI MAYU SENDA. HỢP TÁC: ASEAN-Japan Centre. ẢNH: Tomioka Silk Milk, PIXTASep 18, 2017

Có thể nói 99% sản lượng tơ lụa lưu hành ở Nhật Bản hiện nay là hàng ngoại nhập, vì lượng sản xuất nội địa vô cùng ít ỏi. Nhưng khi nhìn lại quá khứ thì sau thời Meiji, ngành công nghiệp tơ lụa đã từng phát triển thịnh vượng và trở thành niềm tự hào của Nhật Bản khi đứng đầu các mặt hàng xuất khẩu của quốc gia. Một trong những niềm tự hào không thể không nhắc đến khi nói về thời hoàng kim đó, chính là xưởng tơ lụa Tomioka – nơi đã được ghi nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2014, cùng 3 công trình khác trong nhóm Di sản công nghiệp tơ lụa. Mặc dù không mấy nổi tiếng nhưng nơi này vẫn đang lặng lẽ thu hút sự chú ý của rất nhiều người.
tomioka2.jpg

 Xưởng tơ lụa Tomioka được xây dựng bởi chính phủ Nhật Bản vào năm 1872, và tự hào là nơi có kỹ thuật dệt lụa tiên tiến nhất thời bấy giờ. Hiện nay, các cơ sở vật chất và thiết bị trong công xưởng rộng 5,5ha ở thành phố Tomioka, tỉnh Gunma, vẫn được giữ nguyên hiện trạng như khi còn hoạt động. Chính phủ đã giao phó việc xây dựng công xưởng cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho kỹ sư người Pháp, Paul Brunat, vì vậy nơi đây thể hiện phong cách phương Tây rất rõ nét. Bạn có thể nhìn thấy sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật Nhật Bản và Tây phương ở khắp nơi trong công xưởng này.

 Tòa nhà gạch đỏ cao 100m trong khuôn viên là hai nhà kho có kích thước tương đương nhau, hằng năm vẫn dùng để trữ kén tằm. Vào thời điểm đó, phương pháp dựng kết cấu khung bằng vật liệu gỗ và xây trát gạch vẫn còn hiếm thấy ở Nhật Bản. Tòa nhà được thiết kế nhiều cửa sổ thông thoáng nhằm ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc trên kén tằm. Một nơi quan trọng khác nữa là khu vực quay tơ. Những hàng máy quay tơ tự động trông như vẫn còn đang hoạt động.

Hầu hết những vật dụng đang được bảo tồn ở đây đã được đưa vào sử dụng từ năm 1970. Cấu trúc không gian dựa trên phương pháp thanh dàn, tiết chế tối đa việc dùng cột, trụ nên tạo cảm giác thông thoáng mặc dù xung quanh có rất nhiều máy móc. Vào ban ngày, không gian hứng trọn ánh sáng từ những ô cửa sổ trên tường. Khu công xưởng được xây dựng vào thời điểm chưa sử dụng đèn điện, do đó nguồn ánh sáng tự nhiên nổi bật này đã giúp cho công việc của các nữ công nhân không trì trệ.

tomioka1.jpg

Ba địa điểm còn lại trong nhóm Di sản công nghiệp tơ lụa bao gồm: Nông trại nuôi tằm Tajima Yahei Kyutaku - hình thái ban đầu của nhà nông nuôi tằm, Takayamasha-ato - cơ quan hướng dẫn nuôi tằm và Arafune Fuketsu - nhà lưu trữ trứng tằm quy mô lớn nhất nước Nhật. Sự liên kết giữa bốn nơi này đã nâng đỡ vững chắc cho sự phát triển của nền công nghiệp tơ lụa Nhật Bản.

Do nhiều nguyên nhân như rò rỉ kỹ thuật sang nước ngoài, nhu cầu sử dụng tơ lụa suy giảm,... nên ngành công nghiệp tơ lụa Nhật Bản dần thoái trào. Vào tháng 3 năm 1987, xưởng tơ lụa Tomioka dừng hoạt động, khép lại lịch sử 115 năm, dài hơn một thế kỉ. May mắn thay, di sản 140 tuổi này vẫn đứng vững cho đến hôm nay, lặng lẽ dõi theo những thăng trầm của một trong những ngành công nghiệp đặc trưng nhất ở xứ mặt trời mọc.

inside.jpg
Hàng trăm phụ nữ có kỹ thuật ưu tú quy tụ từ khắp cả nước đang làm việc trong khu vực quay tơ vào năm 1939
takayama.jpg
Takayamasha-ato ở thành phố Fujioka, tỉnh Gunma. Nơi khai sinh Chogoro Takayama, người nghiên cứu và hướng dẫn phương pháp nuôi tằm gọi là “Seioniku”, cũng là khu vực hướng dẫn
silk1.jpgsilk2.JPG

Thành phố Tomioka, tỉnh Gunma là nơi sản xuất số lượng ít ỏi sản phẩm tơ lụa từ Nhật Bản mà ngày nay đã trở nên vô cùng quý giá. Công việc dệt nên những tấm lụa đẹp, chăm nuôi kén tằm cao cấp vẫn được tiếp tục nhằm giữ gìn kỹ thuật dệt lụa của xưởng tơ lụa Tomioka không bị mai một. Tơ lụa thuần Nhật Bản có giá thành khá cao nhưng chất lượng tuyệt vời đã được chứng nhận. Thật muốn chạm tay vào một lần.

Bài viết được tài trợ bởi ASEAN-Japan Centre, một Tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 1981 bởi Nhật Bản và các quốc gia thành viên ASEAN. Với chủ trương thúc đẩy thương mại, du lịch, giao lưu giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN, tổ chức đã có nhiều hoạt động như Triển lãm sản phẩm các quốc gia Châu Á, Hội nghị kinh doanh, Hội thảo về nhiều vấn đề khác nhau, Workshop, Đào tạo nguồn nhân lực, Sự kiện văn hóa, xuất bản nhiều ấn phẩm hay hỗ trợ thông tin.

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU