Tìm bình yên ở thành phố Karatsu của Saga

Bài: Quỳnh Tora
Jun 1, 2023

Nguồn: Tokyo Weekender

Từ ga Tenjin của Fukuoka, du khách đi tàu chừng 1,5 giờ để đến thành phố ven biển duyên dáng Karatsu của tỉnh Saga, nằm ở phía Tây Bắc đảo Kyushu.

Từ trong tàu, du khách phóng tầm mắt ra vịnh Karatsu ngút ngàn phía xa và tận hưởng cảnh đẹp. Khi đến nơi, họ chậm rãi khám phá những nét văn hóa và cuộc sống yên bình nơi đây.

saga

Ảnh: Kanpai-japan

“Vùng đất lành” của gốm 

Lịch sử giao thương lâu đời của hòn đảo Kyushu trong nhiều thế kỷ được hình thành nhờ nền văn hóa gốm sứ đa dạng của khu vực. Mỗi vùng là quê hương của một hoặc nhiều dòng gốm khác nhau, như Hasami-yaki ở Nagasaki và Onta-yaki ở Oita. 

Còn ở Saga, cùng với Arita-yaki và Imari-yaki, thành phố Karatsu được xem là “vùng đất lành” của gốm. Đồ gốm Karatsu (gọi là Karatsu-yaki hoặc Karatsu-ware) mang đặc trưng của màu đất và gợi sự mềm mại với các cạnh tròn cùng hoa văn cổ điển. Những người yêu thích lối sống nông thôn có lẽ sẽ thấy hứng thú với phong cách gốm mộc mạc này.

gốm Nhật Bản
Ảnh: Entoten

Để có cái nhìn tổng quan về đồ gốm Karatsu cổ điển, mọi người hay tìm đến Ichibankan - một cửa hàng đặc sản nằm cách ga Karatsu vài con phố về phía Bắc. 

gốm Nhật
Cửa hàng gốm Ichibankan. Ảnh: gofukumachi

Cửa hàng “bắt tay” với lò nung Nakazato Toroemon -  cái tên được cho là đại diện tiêu biểu nhất cho đồ gốm Karatsu và trưng bày tác phẩm của nhiều nghệ nhân ở Karatsu cùng những tác phẩm gốm hiện đại khác.

Du khách cũng có thể ghé thăm lò nung Nakazato Toroemon để tìm hiểu thêm về cách sản xuất đồ gốm Karatsu. Đến nay, công việc kinh doanh do truyền nhân thứ 14 quản lý và họ luôn cố gắng giữ vững những nét truyền thống của đồ gốm quê hương.

Kiến trúc lâu đời

Koreyoshi Takatori
Ảnh: planetyze

Để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và nghệ thuật địa phương, những người hâm mộ kiến trúc Nhật Bản nên ghé dinh thự cổ của Koreyoshi Takatori – “ông trùm” than đá thời Minh Trị. 

Ngôi nhà được tạo thành từ hai tòa nhà, vừa mang nét đặc trưng của Nhật Bản vừa thể hiện sự học hỏi từ những xu hướng kiến trúc phương Tây.

Takatori
Nội thất căn nhà của Koreyoshi Takatori mang nét văn hóa pha trộn Đông - Tây. Ảnh: planetyze

Lâu đài Karatsu nằm trên bờ biển, về phía Bắc của trung tâm thành phố, là biểu tượng du lịch của Karatsu. Những bãi cát hai bên mở rộng trông giống như cánh hạc vươn dài nên di tích này còn được gọi là "Lâu đài Maizuru” (舞鶴 - cánh hạc nhảy múa). Lâu đài còn thu hút với hoa anh đào nở khi xuân đến và hoa tử đằng rũ lãng mạn đầu hè. 

lâu đài karatsu
Ảnh: expedia

Tọa lạc phía Đông của lâu đài và bên kia cầu Maizuru, Niji no Matsubara – địa điểm hấp dẫn nhất thành phố - là khu rừng thông rộng 210 ha choáng ngợp.

rừng thông
Ảnh: rinya.maff

Người dân địa phương kể rằng lãnh chúa thời Edo Terazawa Hirotaka, người xây lâu đài Karatsu, đã ra lệnh trồng hàng trăm cây thông ở đây nhằm che chắn cho gia súc ở trong đất liền khỏi gió biển và thủy triều.

Hiện nay, khu đất này có hơn một triệu cây, giúp Niji no Matsubara trở thành một trong ba rừng thông đẹp nhất trong cả nước.

Niji no Matsubara
Ảnh: the gate

Lễ hội đặc sắc

Nếu du khách tìm điểm đến tâm linh, đền Karatsu, được thành lập vào thế kỷ thứ 8, là địa điểm không thể bỏ qua. 

đền karatsu
Đáng chú ý nhất là cánh cổng torii màu trắng. Ảnh: karatsu-kankou

Đầu tháng 11, tại đây còn tổ chức lễ hội Kunchi, có lịch sử hơn 400 năm, để cầu mong một vụ mùa bội thu. Kunchi trong phương ngữ phía Nam Kyushu mang ý nghĩa “lễ hội mùa thu”. 

Điểm nhấn trong sự kiện là chiếc kiệu diễu hành Hikiyama. Trong đó một số chiếc cao hơn 7m và được phủ lớp sơn mài cũng như trang trí hết sức công phu.

lễ hội kunchi
Ảnh: Oh matsuri

Vào Yoiyama (đêm ăn mừng trước cuộc diễu hành vào hôm sau), những chiếc Hikiyama được gắn đèn lồng lộng lẫy và xuất phát từ con đường Oteguchi để đến đền Karatsu.

Ngày tiếp theo, những chiếc xe được kéo dọc theo bờ biển Nishinohama và khắp thành phố Karatsu. Người dân sẽ hô “En-ya, En-ya” để tăng thêm phần sôi động cho không khí. 

Xem thêm: Lễ hội Kunchi ở Nagasaki

kiệu diễu hành
Ảnh: Oh matsuri

Ngày diễu hành cuối cùng được gọi là Machi Mawari, những chiếc kiệu sẽ đi từ đền đến Trung tâm trưng bày Hikiyama. 

kiệu trưng bày
Ảnh: Welcome Kyushu

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, những chiếc kiệu hoa được trưng bày cho du khách chiêm ngưỡng và lẳng lặng chờ đợi Kunchi của năm tiếp theo.

Xem thêm: Những điểm du lịch không thể bỏ lỡ ở Saga

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU