Tháp Mặt trời - biểu tượng độc đáo của Expo ‘70

Bài: Phương ThanhMar 30, 2021

Là biểu tượng cho tinh thần hiếu khách và hướng đến tương lai của Nhật Bản, Tower of the Sun (hay Tháp Mặt trời) mang ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự kiện Triển lãm Thế giới Expo ‘70 diễn ra tại thành phố Osaka. Trải qua nhiều thiên tai, toà tháp vẫn đứng vững và thu hút về đây hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. 
tháp mặt trời
Tháp Mặt trời ở thành phố Osaka. Ảnh: spoon-tamago.com

Lịch sử ra đời Tháp Mặt trời

Vào những năm 1960, đặc biệt là sau Thế vận hội Tokyo 1964, hoạt động ngoại giao văn hoá của Nhật Bản đã có bước chuyển mình từ việc tập trung quảng bá một Nhật Bản yêu chuộng hoà bình sang một quốc gia có nền kinh tế tiên tiến. Đây là thời điểm nền kinh tế Nhật Bản đang dần phục hồi và phát triển, tuy vậy vẫn vấp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Thực tế này đòi hỏi chính phủ phải đưa ra những giải pháp ngoại giao văn hoá nhằm đem văn hoá xứ Phù Tang tiếp cận nhiều hơn đến thế giới. 

người cầm đuốc Yoshinori Sakai trong buổi khai mạc Thế vận hội
Hình ảnh người cầm đuốc Yoshinori Sakai trong buổi khai mạc Thế vận hội mùa hè năm 1964 tại Nhật Bản. Ảnh: BI.

Năm 1970 đánh dấu nhiều sự thay đổi tích cực trong kinh tế và văn hoá của Nhật Bản. Cũng trong năm này, Nhật Bản đã tổ chức một sự kiện gây tiếng vang trên toàn cầu – Triển lãm Thế giới Expo’ 70 tại thành phố Osaka. Đây là Triển lãm Thế giới đầu tiên của châu Á với tổng quy mô diện tích lên đến 264 héc-ta nằm trên Đồi Senri, bao gồm nhiều khu vui chơi và cơ sở giải trí như quảng trường, sân đá bóng, sân tennis, khu đi bộ,... Lấy hình ảnh biểu tượng là Mặt Trời, chủ đề của triển lãm là “Sự phát triển và hoà hợp toàn nhân loại”.

Là điểm nhấn của triển lãm, một khối kiến trúc cao 70m được xem như một tác phẩm nghệ thuật đương đại, Tower of the Sun (太陽の塔 - Taiyo no To) hay Tháp Mặt trời, được kiến trúc sư nổi tiếng Taro Okamoto (1911-1996) thiết kế như một phần của chủ đề Osaka Expo. Toà tháp có đường kính mặt đáy 20m, với 2 cánh dang ra như cánh tay, mỗi bên dài 25m. Đây cũng là tác phẩm lớn nhất của cố kiến trúc sư. 

xung quanh toà tháp thời điểm diễn ra Triển lãm Expo 70
Xung quanh toà tháp thời điểm diễn ra Triển lãm Expo ‘70. Ảnh: 1.bp.blogspot.com.

Ban đầu, dự định tòa tháp chỉ được xây lên tạm thời để phục vụ cho triển lãm, do đó ban quản lý không mở cửa cho du khách vào tham quan bên trong toà tháp trong nhiều thập kỷ. Sau khi trải qua nhiều trận động đất, với mong muốn lưu giữ những giá trị vượt thời gian và mang lại một làn gió mới vào di sản của Osaka Expo ‘70, người ta đã mở cửa cho khách vào tham quan từ ngày 19 tháng 3 năm 2018. 

3 mặt kỳ lạ của toà tháp

Điều đặc biệt của Tháp Mặt trời nằm ở 3 mặt với hình thù kỳ lạ, mỗi mặt lại mang một ý nghĩa khác nhau. Một tương lai ngập tràn ánh sáng được thể hiện bởi Khuôn mặt màu vàng (黄金の顔) ở trên đỉnh tháp. Giữa tháp là Khuôn mặt của Mặt trời (太陽の顔) màu xám làm từ bê tông đại diện cho hiện tại. Dù trông có vẻ “méo mó” nhưng điểm đặc biệt là khi nhìn vào khuôn mặt thứ hai này từ những góc độ khác nhau, chúng ta có thể nhìn thấy những gương mặt khác nhau. Cuối cùng, mặt sau của toà tháp là Mặt trời màu đen (黒い太陽) đại diện cho những điều trong quá khứ.

ba mặt của Tháp Mặt trời
Ba mặt của Tháp Mặt trời.
Bên trong toà tháp là "Cây sự sống" (生命の樹), cao khoảng 41m, trưng bày quá trình tiến hoá của sự sống thông qua 33 giống loài và 183 mô hình, từ các dạng sống đầu tiên như amip đến cá, khủng long và cuối cùng là con người.

Tháp Mặt trời thể hiện cốt lõi của sự sống cũng như giá trị cốt lõi của Triển lãm Expo’70, là đại diện cho năng lượng của vạn vật, mọi sự sống được tạo ra thông qua quá khứ, hiện tại và tương lai.

bên trong Tháp Mặt trời nhìn từ dưới lên
Bên trong Tháp Mặt trời nhìn từ dưới lên. Ảnh: spoon-tamago.com
cây sự sống cao khoảng 41m trưng bày quá trình tiến hoá của sự sống
Cây sự sống, cao khoảng 41m, trưng bày quá trình tiến hoá của sự sống. Ảnh: spoon-tamago.com

Bí ẩn gương mặt thứ tư

Ba khuôn mặt được đề cập ở trên đều có thể dễ dàng quan sát được từ bên ngoài, vậy còn gương mặt thứ 4 nằm ở đâu? Vào thời điểm diễn ra Osaka Expo, đã có một triển lãm khác ở dưới lòng đất trong khu trưng bày chủ đề chính, được gọi là Triển lãm dưới lòng đất. Ở không gian dưới lòng đất này có một khu vực gọi là “Lời thỉnh cầu”, tại đây, khuôn mặt được xem là khuôn mặt thứ 4, cao 3m và rộng 11m, làm bằng gốm sứ đã được trưng bày. Khuôn mặt này có tên là Mặt trời dưới lòng đất (地底の太陽), được xem là Mặt trời của Thế giới bên kia, đại diện cho thế giới tâm linh bên trong con người. Khi triển lãm kết thúc, khuôn mặt này đã biến mất không dấu vết. Vào tháng 3 năm 2018, người ta đã tái hiện lại nó và trưng bày trước công chúng.

một khu vực bên trong Triển lãm dưới lòng đất
 Một khu vực bên trong Triển lãm dưới lòng đất. Ảnh: spoon-tamago.com.
gương mặt thứ 4 nằm trong Triển lãm dưới lòng đất
 Gương mặt thứ 4 nằm trong Triển lãm dưới lòng đất. Ảnh: spoon-tamago.com.

Nếu bạn cảm thấy tòa tháp này có chút gì quen thuộc thì cũng có thể là vì nó đã từng xuất hiện trong nhiều bộ truyện tranh khác nhau, trong đó phải kể đến bộ manga “20th Century Boys” (tạm dịch: Những chàng trai thế kỷ 20) của tác giả nổi tiếng - “quốc bảo” Naoki Urasawa. Nếu có dịp đến thăm Osaka, đừng bỏ lỡ địa điểm độc đáo và đậm chất lịch sử này nhé.

kilala.vn

Thông tin tham quan:

  • Địa chỉ: 1-1 Senribanpakukoen, Suita, Osaka

  • Giờ mở cửa: 9:30 ~ 17:00 (lượt vào cuối 16:30). Đóng cửa vào mỗi thứ Tư.

  • Giá vé: Tháp Mặt Trời: 700 yên/người lớn, 300 yên/học sinh trung học và tiểu học (cần đặt vé trước); Công viên Triển lãm Expo ’70: 250 yên/người lớn, 70 yên/học sinh trung học và tiểu học

  • Xem thêm phương thức đặt vé tại đây.

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU